Simon Johnson và James Robinson đều là người Anh-Mỹ, còn Daron Acemoglu là người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành chủ nhân của giải thưởng nhờ công trình nghiên cứu của họ về "cách các thể chế được hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng", Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết.
"Giảm bớt sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Những người đoạt giải đã chứng minh được tầm quan trọng của các thể chế xã hội để có thể đạt được mục tiêu này", ông Jakob Svensson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế cho biết.
"Họ đã xác định được nguồn gốc lịch sử của môi trường thể chế yếu kém đặc trưng của nhiều quốc gia thu nhập thấp ngày nay", ông Svensson phát biểu tại cuộc họp báo công bố giải thưởng.
Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo cho thấy 26 quốc gia nghèo nhất thế giới - nơi sinh sống của 40% dân số nghèo đói nhất - đang mắc nợ nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2006, cho thấy tình trạng đảo ngược trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Giải thưởng danh giá, có tên gọi chính thức là Giải thưởng Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế, là giải thưởng cuối cùng được trao trong mùa Nobel năm nay, với phần thưởng trị giá 11 triệu crown Thụy Điển (1,1 triệu USD).
Hai ông Acemoglu và Johnson làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts, còn ông Robinson làm việc tại Đại học Chicago.
Theo Bình Giang (TPO)