Người dân vùng chiến sự khổ sở vì xung đột. Ảnh: DW |
“Cách duy nhất để đạt được ổn định và hòa bình trong khu vực là Armenia phải rút toàn bộ lực lượng một cách vô điều kiện. Chế độ ly khai ở vùng Karabakh của Azerbaijan phải bị giải tán”, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo.
Cả Azerbaijan và Armenia đều tuyên bố chủ quyền với khu vực Nagorno-Karabakh sau khi Đế chế Nga suy tàn vào năm 1917. Từ đó đến nay, khu vực này vẫn là một điểm nóng căng thẳng.
Khu vực miền núi không giáp biển Nagorno-Karabakh là nguyên nhân gây ra hai cuộc xung đột giữa các nước láng giềng trong ba thập niên qua, gần đây nhất là vào năm 2020.
Người Armenia gọi Nagorno-Karabakh là Artsakh. Lãnh thổ này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, cư dân ở Nagorno-Karabakh chủ yếu là người dân tộc Armenia và có chính quyền riêng liên hệ chặt chẽ với chính phủ Armenia. Armenia và các nước thành viên Liên hợp quốc chưa công nhận chính quyền này.
Người Armenia theo đạo Cơ đốc tự nhận có lịch sử thống trị lâu dài trong khu vực này. Trong khi đó cư dân Azerbaijan chủ yếu theo đạo Hồi, cũng gắn liền bản sắc lịch sử của mình với Nagorno-Karabakh. Họ cáo buộc người Armenia đã trục xuất người Azerbaijan sống gần đó vào những năm 1990. Do đó, người Azerbaijan muốn giành toàn quyền kiểm soát khu vực này, đồng thời đề nghị người dân tộc Armenia mang hộ chiếu Azerbaijan hoặc rời đi.
Dưới thời Liên Xô, Nagorno-Karabakh trở thành một khu tự trị thuộc nước cộng hòa Azerbaijan. Khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ nhất (1988-1994) nổ ra. Khoảng 30.000 người đã thiệt mạng và hơn một triệu người phải di dời. Azerbaijan mất một phần lãnh thổ của mình, trong khi người Armenia nắm quyền kiểm soát phần lớn Nagorno-Karabakh.
Năm 2020, quân đội Azerbaijan xảy ra xung đột với lực lượng ly khai do Armenia hậu thuẫn ở Nagorno-Karabakh. Cuộc chiến kéo dài 6 tuần và chấm dứt nhờ thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian.
Armenia hôm 19/9 đã chỉ trích chiến dịch của Azerbaijan, gọi đây là “cuộc xâm lược toàn diện” và kêu gọi các bên ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh và tôn trọng thỏa thuận năm 2020.
Bộ Quốc phòng Armenia cho hay, Armenia không duy trì quân đội ở Nagorno-Karabakh và tình hình biên giới giữa Armenia với Azerbaijan vẫn ổn định.
Theo Reuters, là đồng minh quân sự truyền thống với Armenia nhưng ảnh hưởng của Nga đối với nước này đang có dấu hiệu suy giảm.
Mới đây, Armenia đã tham gia cuộc tập trận Đối tác Đại bàng 2023 chung với Mỹ. Động thái của Armenia khiến Moscow lo ngại.