Ayun Pa chủ động ứng phó thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt trên sông Ba nên các cấp chính quyền và người dân thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) luôn chủ động triển khai kế hoạch ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”.

Chủ động ứng phó tình huống xấu

Định cư trên khu vực trũng thấp của phường Đoàn Kết, gia đình ông Lê Quang Mạnh cùng nhiều hộ dân tổ 10 đã chủ động phương án ứng phó với tình hình mưa lũ năm nay.

Ông Mạnh chia sẻ: Hầu như năm nào cũng vậy, nước lũ thường dâng cao về đêm. Rút kinh nghiệm từ những mùa mưa lũ trước, năm nay, gia đình xây dựng thêm gác xép trong nhà. Khi lũ đến, đây là nơi bảo quản các vật dụng của gia đình. Bên cạnh đó, vào mùa mưa, gia đình thường chọn xuống giống các loại rau ngắn ngày, hạn chế các loại dây leo.

Lực lượng chức năng điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân qua lại an toàn tại khu vực bị ngập úng. Ảnh: N.H

Lực lượng chức năng điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân qua lại an toàn tại khu vực bị ngập úng. Ảnh: N.H

“Việc trồng cây rau màu theo thời tiết mặc dù thu nhập có thấp hơn chút ít nhưng giảm bớt được thiệt hại khi mưa lũ xảy ra. Cán bộ xã, tổ dân phố thường xuyên tuyên truyền, thông tin tới bà con tình hình thời tiết. Khi có cảnh báo lập tức hỗ trợ di dời người dân và tài sản lên khu vực cao ráo. Gia đình nào không có gác xép sẽ được hỗ trợ di dời tới nhà sinh hoạt cộng đồng”-ông Mạnh cho hay.

Theo ông Đỗ Minh Sơn-Phó Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết: Vào mùa mưa lũ, nước sông Ba dâng cao thường làm một phần khu dân cư thuộc tổ 10 bị ngập cục bộ. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.

Trên cơ sở theo dõi diễn biến thời tiết, ngay khi có chỉ đạo của cấp trên, UBND phường phân công lực lượng khẩn trương hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Nhờ vậy, nhiều năm qua, các khu vực thường xuyên bị ngập lụt chỉ thiệt hại về rau màu, không có thiệt hại về người. Đồ dùng, vật dụng có giá trị trong gia đình cũng được bảo quản tại nơi cao ráo, không bị hư hỏng do ngập nước.

Tại phường Sông Bờ, khu vực tổ 6 với 15 hộ dân cũng thường xuyên bị mưa lũ đe dọa. Chủ tịch UBND phường Trần Ngọc Anh thông tin: Với tình hình thời tiết, khí hậu hiện nay, phường luôn chủ động phương án sẵn sàng ứng phó, trong đó lấy phòng là chính.

Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động toàn dân chủ động tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngay khi có cảnh báo, UBND phường phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể cử cán bộ xuống bám nắm địa bàn để theo dõi tình hình, kịp thời thông tin, ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Sẵn sàng “4 tại chỗ”

Với vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với thiên tai; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn về phòng-chống bão lũ, sạt lở đất, cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn.

Thị xã Ayun Pa tổ chức diễn tập cứu nạn, cứu hộ khi mưa lũ xảy ra. Ảnh: Vũ Chi

Thị xã Ayun Pa tổ chức diễn tập cứu nạn, cứu hộ khi mưa lũ xảy ra. Ảnh: Vũ Chi

Trung tá Bùi Sĩ Thân-Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã-thông tin: Để tránh những trục trặc kỹ thuật khi có tình huống xấu xảy ra, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thị xã thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng trang-thiết bị máy móc, ca nô, xuồng máy sẵn sàng phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp cần thiết.

Khi có tình huống xảy ra, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã huy động lực lượng sử dụng phương tiện, vật tư tại chỗ để khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân.

Theo rà soát, thị xã hiện có 7 khu vực trũng, thấp nằm dọc sông, suối. Ông Đặng Xuân Toàn-Phó Chủ tịch UBND thị xã-cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND thị xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo các xã, phường chủ động công tác phòng-chống thiên tai theo nguyên tắc “3 sẵn sàng” (chủ động phòng ngừa; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả) và phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Cùng với đó, UBND thị xã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn, khu vực xung yếu để đôn đốc, kiểm tra công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai.

Chỉ đạo các xã, phường thành lập đội xung kích để kịp thời ứng phó cũng như hỗ trợ người dân; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức diễn tập phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó khi có sự cố xảy ra; chú trọng tuyên truyền, cung cấp thông tin để người dân chủ động nắm bắt và thực hiện các phương án khi thiên tai xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Dự báo thời tiết cho biết những ngày đầu tháng 11 có liên tiếp các đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn về. Hôm nay theo dự báo, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung sẽ rét trở lại. Thế nhưng thực tế, những người thích không khí lạnh đặc trưng của miền Bắc chưa cảm nhận được điều này.