(GLO)- Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác ATVSLĐ ở không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 70.000 lao động đang làm việc tại hơn 3.500 doanh nghiệp. Trong đó, rất nhiều lao động làm việc ở môi trường có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ cao.
Ông Đặng Khanh Vương (trái) cùng cán bộ Công ty MDF Vinafor Gia Lai kiểm tra bộ phận lò hơi. Ảnh: Đ.Y |
Công ty TNHH một thành viên MDF Vinafor Gia Lai là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gỗ ván ép. Đây là lĩnh vực có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Vì vậy, những năm qua, Công ty luôn quan tâm đến công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng-chống cháy nổ. Ông Đặng Khanh Vương-Tổ trưởng tổ bộ phận lò hơi của Công ty, cho biết, tổ có 6 người, hàng năm đều được Công ty cho đi tập huấn. Hệ thống lò hơi của Công ty cũng được một đơn vị kiểm định ở TP. Hồ Chí Minh kiểm tra thường xuyên, đủ điều kiện mới vận hành. “Chúng tôi xác định, khi vận hành lò hơi, công tác đảm bảo an toàn phải đặt lên hàng đầu do áp suất lò hơi lớn, dễ gây ra cháy nổ. Tổ được chia làm 3 ca, mỗi ca làm việc 8 tiếng. Trước khi giao ca 1 tiếng, chúng tôi kiểm tra lại tất cả các bộ phận máy móc vận hành rồi mới giao lại cho ca sau”-ông Vương nói.
Còn tại Công ty cổ phần Bê tông Chiến Thắng Gia Lai, đơn vị chuyên cung cấp nguyên- vật liệu, bê tông tươi để xây dựng các công trình dân dụng, nhà máy thủy điện, cầu đường, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cũng tiềm ẩn. Trước đây, đoàn kiểm tra về công tác ATVSLĐ của tỉnh kiểm tra trạm trộn bê tông tươi và một số công trường xây dựng trên địa bàn TP. Pleiku của đơn vị này cũng đã phát hiện một số sai phạm, nhất là việc tuân thủ các quy định về an toàn kỹ thuật như khu vực thi công không có biển báo, bảng quy định về an toàn lao động, công nhân không mặc bảo hộ lao động, không đội mũ bảo hộ, không găng tay. Khi được hỏi, một công nhân vận hành hệ thống bơm bê tông thật thà nói: “Tại nóng quá, mặc áo không chịu nổi nên anh em cởi ra làm cho mát chứ có nghĩ đến chuyện sẽ xảy ra tai nạn đâu”. Một công nhân khác thì cho biết: “Chúng tôi chỉ được nhắc nhở đội mũ, mặc quần áo bảo hộ, đi lại cẩn thận tránh không giẫm đạp vào đinh, hoặc va quệt vào sắt nhọn…”.
Theo ông Nguyễn Văn Cường-Giám đốc Nhà máy đá Granite Anh Khoa (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku): “Nghề sản xuất đá granite cũng thường xuyên đối diện với nguy cơ mất an toàn cao. Công ty có trên 100 công nhân trực tiếp khai thác và cưa đá làm thành phẩm. Dù mọi hoạt động đều vận hành bằng máy móc nhưng để an toàn thì công nhân phải hiểu quy trình vận hành. Do vậy, hàng năm, đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt huấn luyện an toàn cho người lao động nhằm đảm bảo nghiêm ngặt quy trình sản xuất”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn lao động thường trực, cộng với sự thờ ơ, chủ quan, bất cẩn của người lao động tại nơi làm việc là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả khôn lường. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, riêng năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn lao động, làm chết 8 người.
Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: “Trong hơn 3.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 45% đơn vị chấp hành tương đối tốt các quy định về ATVSLĐ. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ thực hiện mang tính đối phó, khi có đoàn kiểm tra tới mới thống kê, hoàn thiện hồ sơ và mua sắm một số dụng cụ, bảo hộ lao động như: găng tay, mũ, quần áo”.
Lao động chế biến đá granite. Ảnh: Đ.Y |
Theo quy định, việc huấn luyện, hướng dẫn công tác ATVSLĐ cho người lao động là bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp nhưng rất nhiều đơn vị chưa thật sự quan tâm tới điều này. Nếu có thì chỉ nhắc nhở chứ không kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động đáng tiếc thời gian qua.
Trước thực trạng trên, hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều đợt thanh-kiểm tra công tác đảm bảo ATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. “Những đơn vị, doanh nghiệp cố tình “phớt lờ” quy định về ATVSLĐ, không đưa người lao động đi khám sức khỏe định kỳ để phân công công việc phù hợp, nếu lần đầu phát hiện thì chúng tôi nhắc nhở; lần thứ 2 kiểm tra nếu vẫn chưa khắc phục, chúng tôi sẽ lập biên bản đề nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về mối nguy hiểm khi làm việc trong môi trường thiếu an toàn”-ông Thành nhấn mạnh.
“Hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ, Sở đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác này. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường các hoạt động kiểm tra công tác ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện an toàn cho người lao động và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện để bản thân người lao động ý thức được quyền và lợi ích khi chấp hành nghiêm túc quy định về ATVSLĐ. Có như vậy mới đảm bảo được môi trường lao động an toàn, hiệu quả, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động xảy ra”-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết thêm.
Ngoài ra, cùng với cả nước, tháng 5 hàng năm, tỉnh ta đều tổ chức Tháng Hành động về ATVSLĐ nhằm thu hút sự quan tâm và hưởng ứng rộng rãi của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và đông đảo người lao động về công tác ATVSLĐ. Năm 2018, Tháng Hành động về ATVSLĐ được triển khai từ ngày 1 đến 31-5 với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. |
Đinh Yến