An toàn trường học: Cần giải pháp căn cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm học 2019-2020 sẽ kết thúc muộn hơn so với mọi năm. Dù mùa mưa bão đang đến gần, các em học sinh vẫn phải tới lớp. Công tác đảm bảo an toàn trường học vì thế cũng được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đặt lên hàng đầu với nhiều giải pháp thiết thực.
Chủ động phòng ngừa tai nạn
Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá) là một trong những ngôi trường có nhiều cây xanh nhất TP. Pleiku. Trong khuôn viên trường hiện có đến hơn 100 cây xanh lớn nhỏ gồm: phượng, xà cừ, thông, dầu rái, bàng, hoa sữa, sao xanh... Thầy Nguyễn Đình Nghệ-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Mỗi năm, trước khi tựu trường hoặc bước vào đầu mùa mưa bão, đơn vị đều tiến hành rà soát, chặt tỉa cây cối để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Riêng năm nay, Ban Giám hiệu nhà trường đã có tờ trình gửi Phòng GD-ĐT TP. Pleiku, Phòng Quản lý đô thị xin chặt hạ 2 cây phượng cổ thụ trên 40 năm tuổi có nguy cơ gãy đổ.
“Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy phượng đã bị mục rỗng giữa thân cây, có biểu hiện thối rễ dù nhìn bên ngoài vẫn tươi tốt và cho hoa đỏ rực vô cùng đẹp mắt. Trong khi chờ các cấp thẩm quyền có ý kiến cho phép chặt hạ, để đề phòng tai nạn, ngày 29-5, chúng tôi đã tiến hành giăng dây xung quanh 2 gốc phượng với bán kính tầm 6 m, mục đích cảnh báo nguy hiểm và yêu cầu giáo viên, học sinh không được lại gần cây vui chơi, chụp ảnh; đồng thời dịch chuyển vị trí tổ chức chào cờ và tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các em nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra”-thầy Nghệ thông tin.
Đứng nhìn cây phượng từ xa sau giờ tan học, em Nguyễn Hoàng Vũ-học sinh lớp 9/8-tiếc nuối: “4 năm học ở trường cũng là chừng đó thời gian em gắn bó với 2 cây phượng cổ thụ này. Khi biết tin chúng sẽ bị đốn hạ, tụi em tiếc lắm. Nhưng biết làm sao được vì chúng đã già cỗi và sắp mục gãy rồi, an toàn sức khỏe và tính mạng của cả trường vẫn là trên hết”.
Một tiết chào cờ của học sinh Trường THCS Trần Phú (TP. Pleiku) trước đây. Ảnh: M.T
Một tiết chào cờ của học sinh Trường THCS Trần Phú (TP. Pleiku) trước đây. Ảnh: M.T
Tương tự, những năm qua, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cũng tích cực đề ra các phương án nhằm đảm bảo an toàn về người, tài sản vào mùa mưa bão. Theo Hiệu trưởng Bùi Thị Phương Hoa, năm nay, công tác này càng được nhà trường chú trọng hơn do học sinh vẫn phải tới lớp học tập trong mùa mưa bão. “Trường đang được thành phố đầu tư thêm một số hạng mục như: nhà hiệu bộ, nhà đa năng, dãy phòng học, phòng ăn bán trú... Việc xây dựng công trình trong khuôn viên trường học cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Do đó, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công phải gia cố, che chắn công trình cẩn thận và phân công bảo vệ trực thường xuyên để ngăn học sinh đến gần khu vực này”-cô Hoa cho hay.           
Tại Trường Mẫu giáo Măng Non (xã Thành An, thị xã An Khê), ngay khi đón học sinh đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ vì đại dịch Covid-19, nhà trường cũng đã liên hệ với thợ cắt tỉa cây xanh để thực hiện công việc thường kỳ này. Cô Trần Thị Thu Hằng-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Trong khuôn viên trường hiện có 4 cây me tây và phượng vĩ hơn 20 năm tuổi. Tất cả đều đã được tỉa bớt cành lớn, cành khô. Thêm vào đó, nhằm hạn chế tối đa tai nạn thương tích có thể xảy đến đối với trẻ, khi các bé chơi ngoài trời, các cô giáo đều phải có mặt 100% để hỗ trợ và quản lý trẻ chặt chẽ hơn”.
Không nên ồ ạt chặt bỏ cây xanh
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết: Vừa qua, Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn trường học trong mùa mưa bão năm nay. Theo đó, các đơn vị cần tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về hiện tượng, diễn biến, tác hại của từng loại thiên tai để chủ động phòng tránh và đề cao trách nhiệm tương trợ, giúp đỡ nhau khi thiên tai xảy ra; thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh trường, lớp học, đặc biệt là khuôn viên trong và ngoài tường rào nhà trường; chủ động gia cố, tu sửa cơ sở vật chất, đề phòng giông sét, lốc xoáy, mưa đá xảy ra; chặt, tỉa cành, nhánh của các cây cao, cây cổ thụ dễ gãy đổ, mục rỗng nằm gần sát lưới điện và có biện pháp chống đỡ các cây mới trồng.
Trường THCS Trần Phú TP. Pleiku) đã giăng dây quanh cây phượng cổ thụ có nguy cơ gãy đổ để cảnh báo học sinh. Ảnh: M.T
Trường THCS Trần Phú (TP. Pleiku) đã giăng dây quanh cây phượng cổ thụ có nguy cơ gãy đổ để cảnh báo học sinh. Ảnh: M.T
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Một cây xanh từ lúc trồng đến lúc cho bóng mát phải mất ít nhất 10 năm, thậm chí lâu hơn. Do đó, khi có ý định chặt bỏ cây, các cơ sở giáo dục cần xem xét kỹ, tốt nhất nên phối hợp với cơ quan chuyên môn về quản lý cây xanh để khảo sát, đánh giá chính xác nhất rồi mới chặt hạ những cây già cỗi, có nguy cơ gãy đổ đe dọa sự an toàn trong trường học. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch trồng mới để xanh hóa sân trường và khi trồng phải tính toán, lựa chọn loại cây phù hợp, vừa cho bóng mát vừa có sức sống bền bỉ, dẻo dai”.

Nhắc lại sự việc ngày 26-5, khi cây phượng trên sân Trường THCS Bạch Đằng (TP. Hồ Chí Minh) bật gốc đổ gãy giữa sân trường khiến 1 học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng đây thật sự là trường hợp hy hữu, đáng tiếc song cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan trong công tác đảm bảo an toàn cho học sinh khi mùa mưa bão đến gần. Tuy vậy, theo ông, các trường cũng phải thật bình tĩnh, triển khai công tác phòng-chống thiên tai một cách khoa học và hợp lý, đừng vì sợ tai nạn thương tích mà ào ạt “triệt hạ” cây vô tội vạ khiến không gian học đường trở nên ngột ngạt, thiếu thân thiện.

Ông Võ Công Dương-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đức Cơ-cho hay: Công tác đảm bảo an toàn trường học trong mùa mưa bão là việc làm thường xuyên theo định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh khiến không ít trường có cây xanh cổ thụ trong khuôn viên tỏ ra hoang mang, lo lắng. Phòng cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra đồng loạt cây cối tại tất cả trường học, yêu cầu các đơn vị không được chặt bỏ cây nếu chúng đang sinh trưởng, phát triển bình thường và chưa có sự đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi lẽ, cây xanh không chỉ tạo bóng mát trong tiết trời nắng nóng của miền biên viễn mà còn góp phần xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp.
Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Măng Non Trần Thị Thu Hằng bày tỏ quan điểm: “Môi trường học tập thân thiện, rợp bóng cây xanh là điều không thể thiếu ở các cơ sở giáo dục nói chung và cấp học mầm non nói riêng. Chính vì thế, tôi đã không ngần ngại bác bỏ ý kiến cho rằng nên chặt hết các cây cổ thụ trong khuôn viên trường để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ. Tôi nghĩ rằng, khi cây vẫn được kiểm tra, cắt tỉa thường xuyên và chưa hề có nguy cơ gây hại thì chúng ta không nên chặt bỏ. Hơn nữa, phượng vĩ lại là một trong những loài cây có tán rộng, hoa đẹp, gắn liền với tuổi học trò”.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.