(GLO)- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra nhiều vụ án mạng liên quan đến mâu thuẫn gia đình. Những vụ án này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình hiện nay.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ án mạng liên quan đến những người thân trong gia đình. Thế nhưng, trong 9 tháng năm 2019, án mạng loại này đã lên đến 8 vụ, trong đó có đến 5 vụ bắt nguồn từ mâu thuẫn trong hôn nhân, quan hệ tình cảm không chính đáng. Những mâu thuẫn đó dù có thể giải quyết bằng nhiều cách khác nhau nhưng người trong cuộc lại tìm đến phương án xấu nhất.
Đơn cử như vụ án mạng xảy ra tại thôn 2 (xã Chư Á, TP. Pleiku) ngày 16-9-2019 khiến 2 người tử vong. Đây là vụ án mà sau khi điều tra, cơ quan Công an xác định người chồng dùng dao giết vợ sau đó treo cổ tự tử. Câu chuyện đau lòng bắt đầu từ năm 2009 khi bà Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1964, trú tại tỉnh Nghệ An) ly hôn với chồng rồi tay trắng vào hái cà phê thuê cho ông Phan Huy Năm (SN 1964, trú tại thôn 2, xã Chư Á). Thời điểm này, ông Năm cũng đang sống một mình sau ly hôn. Ở gần nhau, giữa 2 người đã nảy sinh tình cảm. Năm 2010, ông Năm và bà Thủy đã đăng ký kết hôn. Sau khoảng thời gian chung sống êm ấm, đến năm 2018, ông Năm phát hiện bà Thủy thường xuyên lấy tiền chung của hai người gửi về quê mua đất, làm nhà, nuôi em ăn học... Giữa 2 người từ đó nảy sinh mâu thuẫn, thường xuyên cãi cọ. Năm 2019, bà Thủy viết đơn ly hôn gửi Tòa án nhân dân TP. Pleiku đòi chia tài sản. Ông Năm chỉ đồng ý chia cho bà Thủy một phần nhỏ tài sản chung bởi cho rằng đó là tài sản của mình từ trước khi 2 người kết hôn. Tuy nhiên, bà Thủy vẫn đòi chia đều.
Căn nhà của vợ chồng ông Phan Huy Năm (xã Chư Á, TP. Pleiku), nơi xảy ra án mạng khiến 2 người tử vong. Ảnh: L.V.N |
Đến ngày 17-7-2019, khi Tòa án có thông báo giải quyết việc phân chia tài sản và nợ chung, mâu thuẫn giữa 2 người càng thêm trầm trọng. Ông Năm chỉ biết tâm sự cùng hàng xóm, thể hiện nỗi buồn chán, bực tức vì bà Thủy một mực muốn ly hôn để chiếm tài sản. Thế rồi, để giải quyết bế tắc cho cuộc hôn nhân lần thứ 2 của mình, ông Năm đã tìm đến cách tiêu cực nhất. Trưa 16-9, hàng xóm bàng hoàng phát hiện vợ chồng ông Năm tử vong trong nhà. Khám nghiệm hiện trường, lực lượng Công an phát hiện nhiều tờ giấy có chữ viết của ông Năm thể hiện nỗi bức xúc về mâu thuẫn vợ chồng và mong muốn khi chết được chôn trên đất đang ở.
Sự ghen tuông trong quan hệ vợ chồng cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ án mạng đau lòng như vụ án ở thị trấn Chư Sê vào đầu tháng 9 vừa qua. Lê Văn Khánh (SN 1981, trú tại tổ 10, thị trấn Chư Sê) và vợ là chị Hồ Thị Tâm (SN 1985) đã có với nhau 2 con nhỏ. Thời gian gần đây, Khánh cho rằng chị Tâm có quan hệ yêu đương với người khác nên vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Buồn chán vì vợ lạnh nhạt, thờ ơ nên Khánh thường xuyên uống rượu. Tối 2-9, Khánh đi nhậu về nhưng không thấy vợ đâu. Đến 21 giờ cùng ngày, chị Tâm mới về nhà. Khánh hỏi thì chị Tâm trả lời một cách hời hợt khiến Khánh bức xúc cầm dao đe dọa, buộc chị Tâm phải lánh qua nhà hàng xóm. Sau đó, Khánh qua nhà hàng xóm xin lỗi nên chị Tâm cùng các con quay về nhà ngủ. Tối 2-9 và rạng sáng 3-9, chị Tâm liên tục sử dụng điện thoại liên hệ với một người khác khiến Khánh càng nghi ngờ. Đến 6 giờ sáng 3-9, chị Tâm đi vào phòng tắm đánh răng thay đồ đi làm thì Khánh cầm được điện thoại của chị và đã phát hiện những chuyện không hay. Khánh xuống phòng tắm gặp chị Tâm nói rằng: “Em ngoại tình thì cứ thoải mái nhưng đừng có ly dị vì tội nghiệp con” nhưng chị Tâm một mực đòi ly dị. Không làm chủ được bản thân, Khánh đã cầm dao đâm nhiều nhát vào người chị Tâm rồi sau đó cắt cổ, cắt tay để tự sát nhưng không thành.
Theo Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, hầu hết các vụ án mạng giữa người thân trong gia đình đều bột phát nhưng từ trước đã có mâu thuẫn. Đáng nói, đây đều là các mâu thuẫn mà bà con, chính quyền địa phương đã biết nhưng không có biện pháp hòa giải triệt để mà để nó tồn tại âm ỉ. “Để hạn chế tình trạng này, tốt nhất là bắt nguồn từ cơ sở. Ngay từ các thôn làng phải nắm bắt kịp thời để tổ chức hóa giải những mâu thuẫn, không để kéo dài, đặc biệt chú ý đến các trường hợp đòi ly hôn, sau khi ly hôn, liên quan đến các vấn đề phân chia tài sản, con cái và mâu thuẫn tình ái…”-Thượng tá Sơn đề xuất giải pháp.
LÊ VĂN NGỌC