An Khê nâng cao trách nhiệm phòng cháy chữa cháy tại cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua nhiều năm thực hiện Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC), thị xã An Khê đã phát huy được hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác PCCC, các hạt nhân tiên tiến trong phong trào quần chúng tham gia PCCC xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hai do cháy nổ gây ra.
 Diễn tập phương án chữa cháy tại một nhà máy. Ảnh: Phương Thanh
Diễn tập phương án chữa cháy tại một nhà máy. Ảnh: Phương Thanh
Một ngày cuối năm, hòa cùng dòng người tấp nập mua bán tại chợ trung tâm thị xã An Khê, các cán bộ trong Đội PCCC khu vực An Khê và Ban Quản lý Chợ ở đây thực hiện công việc thường xuyên của họ: kiểm tra và nhắc nhở các hộ tiểu thương về vấn đề đảm bảo ANTT và phòng-chống cháy nổ. Tiếp đó, là kiểm tra trang-thiết bị PCCC như hệ thống báo cháy tự động, máy bơm nước, các cuộn vòi dẫn nước và bình chữa cháy xách tay. Chợ Trung tâm An Khê là khu vực trọng điểm về kinh doanh, trao đổi hàng hóa với hàng trăm lượt người ra vào mua bán mỗi ngày, ước giá trị cơ sở vật chất hạ tầng được Nhà nước đầu tư và tài sản hàng hóa của các hộ tiểu thương lên đến hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, nơi đây được đội PCCC An Khê xác định là một trong những trọng điểm có nguy cơ cháy rất cao và thiệt hại nếu cháy xảy ra là rất lớn. 
Các trang-thiết bị PCCC tại chợ được đầu tư khá đồng bộ nhưng trong thực tế khi cháy bất ngờ xảy ra sẽ gặp nhiều tình huống phức tạp và khó kiểm soát. Do vậy, điều quan trọng là các lực lượng cháy tại cơ sở và hộ tiểu thương phải luôn luôn chủ động cảnh giác, không nên lơ là trước nguy cơ hỏa hoạn. Qua quá trình tuyên truyền, nhắc nhở của lực lượng chức năng, ý thức người dân ngày càng được nâng lên, tình trạng người dân nấu ăn, thờ cúng trong chợ đã giảm đi rất nhiều, thậm chí là không còn xuất hiện nữa. 
Ông Huỳnh Phước Ánh-cán bộ Ban Quản lý Chợ An khê nói: “Được sự quan tâm của cấp trên, cụ thể là UBND thị xã đã cấp kinh phí và từng bước củng cố trang thiết bị PCCC của chợ. Nói chung hôm nay, thực tế như hôm nay chúng ta đã thấy, các phương tiện, trang bị cho Ban Quản lý Chợ hiện nay có thể đảm bảo được cho đơn vị cơ sở nếu có tình huống xảy ra thì cơ sở có thể đảm nhiệm”.
Ngoài các điểm chợ, các khu vực đông dân cư thì các doanh nghiệp, nhà máy, điểm kinh doanh xăng dầu, khí đốt cũng là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Ý thức được điều đó, nhiều đơn vị cơ sở đã quan tâm đến việc xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ theo quy định và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ an toàn cho sản xuất và kinh doanh; xây dựng hoàn chỉnh nhiều phương án chữa cháy cơ sở, trình các cơ quan chức năng thẩm định phê duyệt để tổ chức thực hiện. Hàng năm, cử các thành viên trong đội PCCC cơ sở tham gia  tập huấn và thực tập xử lý tình huống cháy, cứu hộ cứu nạn do lực lượng PCCC chuyên nghiệp triển khai. Đồng thời tổ chức ký cam kết về an toàn PCCC giữa đơn vị, doanh nghiệp với đội Cảnh sát PCCC khu vực An Khê. Thực hiện tốt phương châm "phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả".
Hơn 17 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy (từ tháng 10-2001 đến nay), công tác xây dựng phong trào quần chúng tham gia PCCC trên địa thị xã An Khê luôn được duy trì và đẩy mạnh. Lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với các cấp, các ngành và đơn vị tổ chức hơn 350 đợt tuyên truyền Luật PCCC tại thị xã An Khê và các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ với hàng chục ngàn lượt người nghe. Riêng thị xã An Khê đã xây dựng trên 80 đội PCCC cơ sở và dân phòng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, hàng năm Đội PCCC khu vực An Khê đều phối hợp với các nhà máy, xí nghiệp lớn tại địa phương tổ chức diễn tập phương án PCCC và cứu hộ cứu nạn quy mô lớn. Từ đó, đã nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, người lao động và quần chúng nhân dân về công tác PCCC, củng cố kiến thức PCCC để có biện pháp phòng ngừa và xử lý tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Điển hình cho phong trào PCCC tại địa phương nổi lên các đơn vị: Nhà máy MDF Vinafor Gia Lai, Nhà máy đường An Khê, Điện lực An Khê, Công ty cổ phần Sản xuất Tinh bột sắn Gia Lai cơ sở 2, phường An Phú, Tây Sơn… 
Đánh giá về tầm quan trọng của công tác PCCC tại cơ sở, Đại tá Dương Thanh Bình-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH- Công an tỉnh Gia Lai cho biết: “Đối với các đơn vị cơ sở, công tác PCCC đóng một vai trò hết sức quan trọng và được quy định trong các văn bản pháp luật của nhà nước đối với công tác PCCC, để đảm bảo được các yêu cầu an toàn PCCC tại cơ sở thì trước hết, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở phải phát huy hết vai trò của mình trong việc chỉ đạo điều hành và triển khai các biện  pháp về PCCC, cụ thể là công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân, của cán bộ công nhân viên chức trong đơn vị cơ sở về công tác PCCC, các biện pháp về kiểm tra, chấn chỉnh thực hiện các biện pháp về PCCC, đảm bảo được các yêu cầu PCCC tại cơ sở, tổ chức thành lập lực lượng PCCC tại chỗ, thường trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra bảo vệ để xử lý  kịp thời các tình huống khi có cháy nổ xảy ra”.
Có thể khẳng định, công tác xây dựng lực lượng quần chúng và lực lượng tại chỗ tham gia PCCC luôn đóng vai trò nòng cốt trong công tác PCCC. Nâng cao hiệu quả hoạt động và ý thức trách nhiệm của lực lượng PCCC cơ sở là yếu tố quyết định thắng lợi trong công tác PCCC ở từng cơ sở, từng xí nghiệp, nhà máy, góp phần vào sự nghiệp PCCC chung của toàn dân.
Phương Thanh 

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.