Âm vang đàn đá Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi nghe đàn đá, ta có thể cảm nhận được tiếng đàn lúc như âm vang trầm hùng của núi rừng, lúc như tiếng suối chảy.

Đàn đá là nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam và là một trong những loại nhạc cụ cổ thô sơ nhất của loài người, được UNESCO đưa vào danh sách các nhạc cụ trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” cần được bảo tồn. Khi nghe đàn đá, ta có thể cảm nhận được tiếng đàn lúc như âm vang trầm hùng của núi rừng, lúc như tiếng suối chảy. Tiếng đàn đá như thay cho lời kể, như chia sẻ lúc vui, an ủi lúc buồn trong cuộc sống của người dân bản địa.

Nghệ nhân Ưu tú A Huynh trình diễn đàn đá.

Nghệ nhân Ưu tú A Huynh trình diễn đàn đá.

Tuy là nhạc cụ cổ thô sơ, nhưng việc chế tác đàn đá được xem như là một kỹ thuật khó, ít người biết. Vì vậy, số người biết chế tác đàn đá hiện nay ở Tây Nguyên không còn nhiều, nếu không nói là rất hiếm. Hơn 20 năm qua, Nghệ nhân Ưu tú A Huynh, người dân tộc Gia Rai ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vẫn miệt mài tìm kiếm từ vô vàn thanh đá để chế tác ra những bộ đàn đá có âm thanh đặc biệt.

A Huynh cho biết, đàn đá thường có 3 đến 15 thanh, kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau; được gọt đẽo, nhưng những thanh đá vẫn cơ bản giữ nguyên nét thô mộc tự nhiên. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm; thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh. Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm; ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của vách đá. Người xưa quan niệm âm thanh của đàn đá như một phương tiện để nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất, thần linh, giữa hiện tại với quá khứ.

Lấy cái gốc của âm nhạc truyền thống là thang âm chuẩn từ bộ chiêng cổ, đàn đá cơ bản ban đầu với 7 thanh đá, mỗi thanh đá là một nốt nhạc, tương ứng với những nốt nhạc trong thang âm của cồng chiêng. Trên cơ sở những nốt nhạc cơ bản, dần dà, những nghệ nhân đàn đá mày mò, bổ sung thêm một số phiến đá, tương ứng với một số nốt nhạc khác, làm phong phú thêm giai điệu đàn đá, đưa bộ đàn đá phát triển lên đến 15 thanh đá.

Theo A Huynh ra con suối Ya Lân, chúng tôi chứng kiến bàn tay A Huynh thoăn thoắt nhặt những hòn đá bên suối, dùng chiếc búa nhỏ gõ gõ, phát ra những âm thanh trong trẻo, nhưng thật khó để nghĩ đến việc những hòn đá ấy sẽ trở thành nhạc cụ. A Huynh kể, từ nhỏ, khi theo cha ra suối để xếp những hòn đá, ngăn nước không cho xói lở rẫy, anh nghe thấy âm thanh lạ phát ra từ những hòn đá bên bờ suối. A Huynh bèn thử gõ vào đá và bất ngờ với những âm thanh phát ra. Cứ như vậy, A Huynh thử hết hòn đá này đến hòn đá khác, mỗi hòn đá lại cho ra những âm thanh khác nhau. Vừa tò mò, vừa thích thú, anh quyết định tìm kiếm các viên đá phù hợp và bắt tay vào chế tác những bộ đàn đá. “Để làm được đàn là phải chọn đá có tiếng kêu trước. Sau đó rồi mới cắt, gọt, tùy theo độ dài ngắn để tạo nên những âm thanh trầm, bổng”, A Huynh chia sẻ.

Mỗi viên đá thường có âm thanh khác nhau, nhưng qua đôi tai đặc biệt của các nghệ nhân, họ biết viên đá nào phù hợp với bộ đàn đá; sau đó mới chỉnh sửa những viên đá mang về. Cách thức đục, ghè, đẽo những viên đá này khá tinh xảo và trau chuốt. Những viên đá thô tưởng như vô tri, vô giác đã được các nghệ nhân chế tác thành loại nhạc cụ độc đáo phát ra thứ âm thanh như tiếng vọng của đại ngàn Tây Nguyên. Tiếng đàn đá như thay cho lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống của người dân địa phương nơi đây.

Chiều buông, ngồi bên nhà rông với nhiều nhạc cụ dân tộc của A Huynh, thật thú vị khi nghe tiếng đàn đá của anh vút lên, với giai điệu của những bài dân ca cổ quen thuộc của người Gia Rai, hay những bài hát cách mạng lúc bay bổng, lúc trầm hùng như đại ngàn. Để đàn đá không bị mai một, A Huynh còn chia sẻ niềm đam mê cho lớp trẻ ở buôn làng mình qua những dịp lễ hội hay những lúc rảnh rỗi.

Theo Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC THẮNG (baodaknong.vn)

Có thể bạn quan tâm