“Gia Lai nay thay đổi nhiều quá, đời sống của bà con ở đây cũng tốt hơn rất nhiều, tôi thấy phấn khởi lắm”- ông Phạm Song, Việt kiều Phần Lan đã vui mừng nói vậy khi đến dự buổi họp mặt kiều bào nhân dịp đầu năm mới do UBND tỉnh tổ chức sáng 9-2.
Gặp mặt kiều bào đầu năm đã trở thành thông lệ từ nhiều năm nay của Gia Lai, chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh đối với những Việt kiều về quê ăn Tết đúng như chủ trương của Đảng và Nhà nước: “Kiều bào đang sống ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”. Ông Hoàng Công Lự- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh- đã nồng nhiệt tiếp đón, chúc mừng, trao quà Tết cho bà con kiều bào trong buổi gặp mặt này.
Ảnh: Lam Nguyên |
Kiều bào Gia Lai có người xa quê ít thì vài năm, nhiều thì vài ba mươi năm, nhưng tình cảm ấm nồng dành cho quê hương vẫn thế. Bà Võ Thị Minh, 74 tuổi, Việt kiều Mỹ, chân thành bày tỏ: “Tôi rời quê hương cách đây đã 17 năm, lúc nào cũng mang trong mình nỗi nhớ nhà, nhớ bà con bạn hữu. Nay về đây thấy tỉnh nhà phát triển nhiều hơn trước, đẹp hơn trước nên rất mừng”. Đó cũng là tâm trạng chung của ông Ksor Nhá, hơn 80 tuổi, Việt kiều Mỹ về ăn Tết với con cháu, xóm giềng ở xã Chư Gu, huyện Krông Pa. Sau 7 năm định cư cùng 4 người con ở bang Carolina, nay ông mới có dịp về thăm lại ngôi làng thân thuộc của mình. “Vui lắm! Ở bên đó mấy đứa con đi làm suốt, mình toàn bị nhốt… như mèo trong nhà, về đây mới thấy thật thoải mái!”- có thể hiểu được tâm trạng của ông khi mà chứng cô đơn, trầm cảm ở người già đang trở thành hội chứng ở các nước phát triển bởi con cháu quá mải mê làm ăn, ít có thời gian và điều kiện chăm sóc cha mẹ, ông bà. Vì vậy, ông Ksor Nhá bộc bạch dự định: “Chắc khoảng 2-3 năm nữa mình về sống tại Việt Nam luôn…”.
Còn với anh Rahlan Dul (xã Ia Phang, huyện Chư Sê), đất Mỹ có lẽ cũng chỉ giữ chân anh thêm vài năm tới bởi ở quê hương có rất nhiều điều thiết thân khiến anh không thể quên được. “Đi xa tôi thấy rất nhớ mẹ... Mẹ tôi sống một mình, không có ai nuôi; có đứa em nhưng cũng có gia đình ra ở riêng rồi. Tôi sẽ cố gắng làm thêm để kiếm tiền, rồi về đây định cư luôn”- Dul ngập ngừng nói. Dul cho biết, hiện anh đang làm việc cho một công ty tư nhân chuyên về xây dựng. Được về lại vùng cao nguyên nắng gió này là hạnh phúc của Dul trong mùa Tết này sau 8 năm xa quê.
Buổi gặp mặt năm nay còn có sự xuất hiện rất đặc biệt của một chàng trai đến từ… xứ sở hoa anh đào, đó là Nishi Daijiro. Bằng vốn tiếng Việt phong phú và chất giọng khá chuẩn, Daijiro cho biết anh rất vinh dự đến đây để dự buổi gặp mặt thay cho vợ anh là một cô gái Pleiku chính hiệu, vì cô đang trong thời kỳ sinh nở. Sau khi đón tết cổ truyền ở Nhật Bản (theo dương lịch), mẹ anh, bà Nishi Fumi, quyết định về Việt Nam thăm cháu nội và nhân dịp này cũng cùng anh đến tham dự buổi gặp mặt. Daijiro cho hay, anh mới cưới vợ được 2 năm và đây cũng là lần thứ 2 anh về thăm quê vợ. “Không khí Tết ở đây rất vui! Việt Nam và Nhật Bản tuy có nhiều điểm tương đồng về văn hóa nhưng cũng có nhiều khác biệt. Chẳng hạn bà con họ hàng phía vợ ai cũng nhiệt tình, chu đáo, khác với ở Nhật Bản người ta thường giữ kẽ nhiều hơn”- chàng rể trẻ thật lòng nhận xét. Còn mẹ anh, người phụ nhữ nhỏ nhắn, thân thiện cứ luôn miệng “a-ri-ga-tô” (cảm ơn) và nắm chặt tay từng người bà gặp. Nói thay cho mẹ, Daijiro gửi lại một lời chúc tốt đẹp: “Tôi mong mọi người ở đây ai cũng được đón một cái Tết thật vui tươi, hạnh phúc!”.
Lam Nguyên