(GLO)- Theo hành trình của những chiến sĩ Mùa hè xanh, chúng tôi về với những thôn, làng vùng khó của 4 huyện: Mang Yang, Đak Pơ, Phú Thiện, Kông Chro. Ở đây, hình ảnh màu áo xanh tình nguyện ướt đẫm mồ hôi giữa ngã tư đường làng, lấp lánh nụ cười bên trang vở cùng em bé nghèo hay rạo rực tiếng đàn ca trong những đêm giao lưu… đã khiến chúng tôi thực sự xúc động. Xúc động bởi-những vùng quê nghèo này đang dần đổi thay nhờ những trái tim tình nguyện.
Cùng nhau vào rừng chặt tre về làm lồng đèn Trung thu cho các em thiếu nhi. Ảnh: Trần Dung |
Đêm xuống, nhà rông của làng Tơ Pôn (xã Yang Nam-huyện Kông Chro) bỗng ấm áp hơn hẳn bởi 33 chiến sĩ Mùa hè xanh của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đang quây quần sau một ngày làm việc vất vả. Không khí trở nên vui lạ khi mọi mệt nhọc được xua tan bởi những tiếng cười giòn tan, trong trẻo của tuổi trẻ. “Sau một ngày làm việc, chúng em thường ngồi lại cùng nhau để kiểm tra đánh giá lại kết quả công việc. Sau đó, lên kế hoạch và phân công nhiệm vụ ngày hôm sau cho từng thành viên. Có như vậy, công việc mới có hiệu quả cao”-bạn Dương Thị Bích Trâm (Đội trưởng đội Mùa hè xanh tại xã Yang Nam-huyện Kông Chro), cho biết.
Ngày hôm sau, theo kế hoạch làm việc và bố trí tình nguyện đã được phân công sẵn, các chiến sĩ cùng nhau bắt tay vào công việc một cách tràn đầy hứng khởi. Phần việc được phân theo nhóm, nhóm thì làm nhiệm vụ sửa nhà cho dân, vệ sinh đường làng, nhóm thì cuốc cỏ, trồng rau, đào hố rác, có nhóm lại làm hậu cần... Mồ hôi ướt đẫm những chiếc áo xanh nhưng họ vẫn tíu tít cười đùa. Đâu đó là tiếng hát, tiếng huýt sáo đầy hồn nhiên của tuổi hai mươi. Sinh viên Nguyễn Thị Trà Giang hớn hở kể cho chúng tôi nghe: “Lần đầu tiên em được về với mảnh đất này. Nơi đây đã cho em rất nhiều điều mới mẻ và cũng dạy em biết yêu thương và cống hiến. Lần đầu tiên trong đời em biết nấu ăn bằng bếp củi, mắt cay xè vì khói nhưng vẫn thấy vui và hạnh phúc. Lần đầu tiên em đào đất, tay có phồng rộp nhưng giúp em thêm cứng cỏi và yêu hơn những con người lao động”.
Nụ cười của sinh viên tình nguyện trong những lúc khó khăn nhất. Ảnh: Trần Dung |
Những chiến sĩ tình nguyện với bầu nhiệt huyết sục sôi của của tuổi trẻ, trí tuệ của tuổi hai mươi và trái tim thanh niên cống hiến đã cùng nhau về góp sức xây dựng những địa bàn vùng khó tại Gia Lai. Với họ, về đây để làm nhiều việc có ích cho dân chứ không chỉ là đi để trải nghiệm hay... du lịch, phải làm sao để "Ở dân thương, làm dân tin, đi dân nhớ". “Chúng em tham gia chiến dịch này với tinh thần tình nguyện luôn “sáng”. Đi để giúp đỡ bà con khó khăn, giúp các em nhỏ biết thêm con chữ... Sống và cống hiến trong lòng buôn làng để được bà con nơi đây coi mình thân thuộc, gần gũi, yêu thương như con cháu trong nhà. Đó mới chính là thành quả lớn nhất khi chúng em được tham gia chiến dịch”-bạn Đinh Trung Hiền (chiến sĩ Mùa hè xanh tại xã Ya Hội-huyện Đak Pơ), chia sẻ.
Với bà con dân làng nơi có đội quân tình nguyện đóng quân thì dường như sự có mặt của các chiến sĩ trẻ đã trở nên thân quen với họ. Buôn làng cũng vui tươi rộn ràng hơn, lũ trẻ cũng ngoan hơn, đường làng cũng sạch đẹp hơn từ khi có bước chân của những con người rất trẻ. Chị Đinh Lơk (làng Groi-xã Ya Hội-huyện Đak Pơ) hạnh phúc trong căn nhà sàn nhỏ vừa mới được sinh viên và bộ đội giúp đỡ tháo dỡ, di dời và dựng lại ở vùng đất mới. Chị chia sẻ: “Mình vui nhiều lắm khi được các bạn ấy giúp đỡ. Các con của mình cũng được học thêm con chữ trong dịp hè. Có sinh viên tình nguyện ở đây, làng mình vui hơn hẳn”.
Đào hố rác cho dân làng tại Yang Nam-huyện Kông Chro. Ảnh: Trần Dung |
Tới thời điểm hiện tại, 250 sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu tại Gia Lai, các chiến sĩ Quân đoàn 3 và thanh niên địa phương đã cùng nhau dựng lại 20 nhà sàn cho các hộ dân tại làng Groi 1 (xã Ya Hội-huyện Đak Pơ) ra vị trí mới (cách vị trí cũ 1 km); làm giàn bầu tại nhà cho 12 hộ gia đình, chăm sóc 4 vườn rau sạch với diện tích 30 m2, chuyển giao công nghệ trồng rau an toàn cho bà con nhân dân; hoàn thành 475 lồng đèn Trung thu; thay 255 bóng đèn compac cho 255 hộ gia đình khó khăn; trồng 14 cây bóng mát ở Trường Mầm non huyện Phú Thiện, 4 cây ở trạm y tế xã Ayun Hạ; trồng 30 cây xà cừ xung quanh nhà rông của làng Tơ Pôn-huyện Kông Chro. Làm mới 3 nhà, hỗ trợ đào móng 2 nhà có hoàn cảnh khó khăn; đào 2 hố xí tự hoại, 2 hố rác chung cho 10 hộ gia đình và trường học.…
Chiến dịch đã gần về đích, nhưng những phần việc mà các chiến sỹ tình nguyện làm dường như không hề ngưng trệ. Ai cũng muốn khi kết thúc Mùa hè xanh, sẽ có thêm nhiều công trình phần việc ý nghĩa để lại cùng bà con dân làng.
Trần Dung