Ai quản lý thủy điện chứa 13 triệu m3 nước suýt bị vỡ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo lãnh đạo Sở Công thương của hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông, Thủy điện Đắk Kar nằm trên cả hai tỉnh, nhưng do Bộ Công thương cấp phép hoạt động. 
Ngày 6/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra mưa lớn kéo dài. Từ ngày 7/8-8/8, mưa tiếp tục diễn ra trên nhiều địa phương của tỉnh Đắk Nông. Mưa nhiều, kết hợp với nước từ trên thượng nguồn đổ về khiến mực nước trong hồ chứa của Thủy điện Đắk Kar (nằm trên hai tỉnh Đắk Nông- Bình Phước) dâng cao.
Tuy nhiên thời điểm này, hồ thủy điện Đắk Kar lại gặp sự cố kẹt van xả tràn, hồ chứa có dung tích hơn 13 triệu m3 nước đứng trước nguy cơ vỡ.
 
Do nước đổ về lớn, đập của hồ thủy điện Đắk Kar có nguy cơ vỡ
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nguy cơ mất an toàn hồ đập, đe dọa hàng ngàn người dân sinh sống phía dưới hạ lưu của Thủy điện Đắk Kar, ngay trong chiều tối ngày 8/8, ông Nguyễn Bốn, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã trực tiếp đến kiểm tra thủy điện này.
Ông Bốn yêu cầu chủ đầu từ và các cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp hạ thấp mực nước để tránh xảy ra tình huống vỡ đập đột ngột và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Đến cuối ngày 10/8, sự cố kẹt van xả tràn của thủy điện này đã cơ bản được xử lý, mực nước trong hồ đã về ngưỡng ổn định. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi, trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng trong sự cố này… thì lãnh đạo của tỉnh Bình Phước, Đắk Nông vẫn mâu thuẫn trong việc xác định thủy điện thuộc địa phận quản lý của tỉnh nào ?
 
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đi kiểm tra hồ thủy điện Đắk Kar
Tham gia đoàn kiểm tra cùng ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chiều tối ngày 8/8 có ông Bùi Huy Thành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông. Theo ông Thành, ngay khi nhận được tin báo về sự cố, đã cử đoàn đi giám sát các công trình thủy điện trên địa bàn, cơ bản các thủy điện vẫn an toàn, nước đang rút.
Về sự cố kẹt van xả tràn tại Thủy điện Đắk Kar, chủ đầu tư có báo cáo nhưng họ chưa tính đến phương án xử lý sự cố đột xuất, thời tiết diễn biến phức tạp. “Thủy điện này đang trong quá trình tích nước tạm thời, vận hành thử thì xảy ra sự cố. Đến hôm nay (ngày 11/8) cơ bản sự cố được khắc phục, hai cửa van xả đã hoạt động bình thường. Về mặt kỹ thuật, hôm nay anh em sẽ đánh giá để tìm ra nguyên nhân, nhưng chắc khả năng là do bị kẹt”, ông Thành cho hay.
 
Một phần ống áp lực bị vỡ giúp hồ thủy điện không bị vỡ thời điểm nước dâng cao đột ngột
Liên quan đến trách nhiệm trong quản lý thủy điện Đắk Kar, ông Thành cho biết, hiện nay do đang tập trung ứng phó với mưa lũ, xử lý các tình huống xảy ra nên chưa xem xét về trách nhiệm. Sau đợt này sở sẽ báo cáo với Bộ Công thương, UBND tỉnh Đắk Nông để xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan.
“Nhà máy thủy điện Đắk Kar nằm hoàn toàn ở tỉnh Bình Phước, chỉ có một phần bờ vai nằm ở tỉnh Đắk Nông. Thủy điện này là trên 12MW nên Bộ Công thương cấp phép. Tỉnh Đắk Nông chỉ có cơ chế phối hợp đảm bảo an toàn chứ trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước”, ông Thành khẳng định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước lại cho rằng, Thủy điện Đắk Kar liên quan đến 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước nên Bộ Công thương cấp phép và sẽ cử người đứng ra quan lý; sở cũng có trách nhiệm liên quan đến việc xảy ra sự cố. Hiện nay nhà máy Thủy điện Đắk Kar đang trong giai đoạn thi công, chưa được nghiệm thu, vận hành.
 
Công nhân của công ty thủy điện khắc phục sự cố kẹt van xả tràn
“Sau khi xảy ra sự cố, chúng tôi sẽ rà soát lại tránh nhiệm quản lý, quá trình ứng phó sự cố như thế nào, trách nhiệm quản lý làm sao để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để ứng phó không chỉ riêng thủy điện Đắk Kar mà còn nhiều thủy điện khác trên địa bàn”, Giám đốc Sở Công thương Bình Phước cho biết.
Trước đó, để đề phòng nguy cơ vỡ hồ thủy điện, ba tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng đã di dời hàng ngàn người dân sống ở khu vực hạ du đến vùng an toàn. Trong số đó, tỉnh Bình Phước phải di dời nhiều nhất, Đắk Nông chỉ có 4-5 hộ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) lại cho rằng thủy điện Đắk Kar thuộc tỉnh Đắk Nông. “Thủy điện Đắk Kar là của tỉnh Đắk Nông, chỉ có dân là của huyện Bù Đăng. Bây giờ tất cả những người dân nằm trong vùng trũng, vùng có khả năng dâng nước thì chúng tôi di dời. Hộ nào bị chia cắt, không có lương thực thì chúng tôi mới tiếp lương thực”.
 
Người dân Đồng Nai phải sơ tán vì thủy điện Đắk Kar, Đồng Nan xả lũ (ảnh Vĩnh Thủy)
Theo báo cáo của Đoàn công tác, Ban chỉ huy Trung ương về phòng, chống thiên tai, Công trình thủy điện Đăk Kar được xây dựng trên địa bàn xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Lòng hồ thuộc tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước; Công trình đập dâng nước nằm trên suối Đắk Kar, thuộc ranh giới xã Hưng Bình - xã Đắk Ru (tỉnh Đăk Nông) và xã Phú Sơn - xã Đồng Nai (tỉnh Bình Phước). Nhà máy nằm xã trên xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; cách các hạng mục chính của hồ chứa khoảng 6 km.
Như trước đó Dân trí đã đưa tin, công trình hồ Thủy điện Đắk Kar đang thi công có dung tích 13 triệu m3 bị sự cố kẹt cửa van. Do ảnh hưởng của mưa lũ, nước tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng an toàn dân cư khu vực hạ du thuộc các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng.
Ngay trong chiều ngày 8/8, ba tỉnh trên đã di dời hàng trăm hộ dân phía hạ du thủy điện. Trong ngày hôm nay, để đảm bảo tình mạng con người, các tỉnh tiếp tục di dời dân đến khu vực an toàn.
Dương Phong (Dân trí)

Có thể bạn quan tâm