(GLO)- Sự việc bắt nguồn từ việc chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho một hộ dân tại tổ 5, phường Thống Nhất, TP. Pleiku nhưng không ghi nhận việc có mương thoát nước trên giấy chứng nhận. Từ đó, hộ dân này đã căn cứ vào giấy chứng nhận để lấp mương thoát nước khiến hàng chục hộ dân sống tại khu vực này phải chịu cảnh mưa-đến-là-ngập.
Mất tình láng giềng vì… mương thoát nước
Đại diện cho 7 hộ dân tại tổ 5, phường Thống Nhất, TP. Pleiku kiến nghị về việc lấp mương gây tình trạng ngập lụt ở khu dân cư, ông Nguyễn Văn Viện-trú tại 23 Đinh Công Tráng, phường Thống Nhất, TP. Pleiku trình bày: Từ trước đến nay, khu dân cư chúng tôi có con mương thoát nước chảy qua. Vào mùa mưa, lượng nước từ trên cao chảy về rất lớn. Nước từ mương thoát xuống Cầu số 3 bằng ống cống rộng 1,2 mét được xây dựng từ năm 1975. Ngày trước dù mưa lớn thế nào cũng không hề có tình trạng ngập nước.
Người dân lại lo vườn tược bị ngập lụt khi mùa mưa đến. Ảnh: N.N |
Năm 2007, ông Nguyễn Đức Thuận mua đất của đồng bào dân tộc thiểu số và đổ đất lấp mương phía bên kia đường, cả khu dân cư năm đó bị ngập lụt. Khi đó ông Nguyễn Mộng Hoài thay mặt khu dân cư gửi đơn kêu cứu đến chính quyền các cấp. Sau đó, UBND phường Thống Nhất đã thực hiện cưỡng chế đối với ông Nguyễn Đức Thuận, con mương được khai thông. Từ năm 2007 đến nay, khu dân cư chúng tôi đã không còn cảnh ngập lụt.
Nhưng đến mùa mưa năm 2013, ông Hoài đã tuyên bố lấp mương (nguyên trước đây phần mương phía trên của ông Hoài được các hộ dân xây kè, để tách hẳn khỏi bờ rào; riêng phần mương chảy qua phần đất nhà ông Hoài đã được ông xây kè, đổ tấm đan và xây nhà lên trên chứ không lấp) và thực hiện việc lấp mương nước chảy qua phần đất nhà mình, gây nên tình trạng ngập úng đối với 8 hộ dân sinh sống tại khu dân cư tổ 5, phường Thống Nhất, gây thiệt hại tài sản và hoa màu.
Các hộ dân đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với ông Hoài đề nghị ông vì tình làng nghĩa xóm mà khai thông mương nước nhưng ông Hoài không chấp nhận. Chính vì thế các hộ dân đã kiến nghị lên tổ dân phố. Được sự giúp đỡ của tổ dân phố, ông Hoài đã đồng ý mở đường ống cho nước thoát tạm thời (qua ống nhựa PVC phi 90). Khi được mở ống, nước tạm thời rút đi trên bề mặt nhưng khu vực vườn phía sau của các hộ dân vẫn ngập nước và khi mưa to tình trạng ngập úng tiếp tục diễn ra.
Theo ông Viện, việc ông Hoài lấp mương nước vì ông này căn cứ vào GCNQSDĐ được cấp không thể hiện mương thoát nước. Trong khi các hộ dân ở đây trên giấy chứng nhận được cấp đều thể hiện có mương nước nhưng không hiểu do sơ suất thế nào mà trên giấy chứng nhận cấp cho ông Hoài lại không thể hiện. Chính vì vậy, ông Hoài căn cứ vào đây đã đơn phương lấp mương khiến người dân nơi đây khổ sở vì bị ngập nước mỗi khi mưa.
“Bản thân tôi là Bí thư chi bộ tổ 5, mỗi lần nước ngập bà con lại kéo đến phàn nàn. Chính nhà tôi cũng chịu cảnh ngập nước. Chúng tôi đã kiến nghị lên phường nhiều lần, lên UBND TP. Pleiku nhưng không có tiến triển gì”-ông Viện cho biết thêm.
Ảnh: Như Nguyện |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Chúng tôi đã tìm gặp người sinh sống lâu năm tại đây để tìm hiểu mương nước mà các hộ dân phản ánh. Theo bà Phạm Thị Nay Hân (SN 1906) thì gia đình bà về đây (tổ 5, phường Thống Nhất) không biết ai khai phá nhưng đã thấy có mương nước từ Viện 211 về tháo nước qua mương thoát qua cống và chảy ra Cầu số 3. Trước đây không hề có tình trạng nước ngập. Kể từ khi ông Hoài xây thêm khu nhà sau và lấp mương thì xuất hiện tình trạng ngập nước. Sau vườn nhà tôi cũng ngập, tôi phải đi mua đất về đổ cho cao lên…
Ông Nguyễn Cảnh Cam-nguyên Phó Bí thư Đảng ủy phường Thống Nhất khẳng định: “Đất này nguyên thủy là đất ruộng của đồng bào dân tộc thiểu số sang nhượng lại cho người Kinh làm ruộng. Phía Nam của đường Đinh Công Tráng có 2 cống thoát nước. Tôi mua đất ở đây năm 2002, làm nhà năm 2003, nguyên thủy có mương nước và có thể hiện trên GCNQSDĐ mương nước này sau nhà chảy từ Bắc qua Nam và qua dường Đinh Công Tráng”… Theo ông Cam, cái sai là từ việc ông Hoài được cấp GCNQSDĐ nhưng không thể hiện có mương nước trên giấy. Việc cấp đất của các cấp có thẩm quyền chưa quan tâm đến thực trạng tự nhiên của khu vực.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, bản đồ thửa đất phía trên và phía dưới thửa đất nhà ông Hoài đều có thể hiện mương thoát nước nhưng chỉ phần đất nhà ông Hoài lại không được thể hiện. Vậy nước chảy đến phần đất nhà ông Hoài sẽ chảy đi đâu? Mương đã bị lấp, nước không thoát nên gây cảnh ngập lụt, người dân phải lãnh hậu quả, thiệt hại hoa màu và tài sản. Vậy ai chịu trách nhiệm việc này?
Ngày 24-9-2013, UBND phường Thống Nhất đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. Tại buổi hòa giải, ông Hoài cho rằng: Theo GCNQSDĐ số AB924310 do UBND TP. Pleiku cấp ngày 1-5-2005 thì không thể hiện mương thoát nước. Việc ngập lụt ở gia đình tôi là thường xuyên, gia đình tôi đã tự giải quyết được bằng cách xây hệ thống ống cống ngầm dưới nền móng nhà để thoát nước... Và kể từ nay trở về sau gia đình tôi không cho bất cứ hộ nào được thải nước qua phần đất của nhà tôi nữa.
Mùa mưa sắp đến, 8 hộ dân sống tại tổ 5, phường Thống Nhất lại sống trong cảnh lo ngập nước. Nhiều hộ dân nêu thắc mắc: Trong Công văn số 1328/UBND-TH trả lời đơn của công dân ngày 7-10-2013 do Chủ tịch UBND TP. Pleiku ông Nguyễn Đình Tiến ký (ông Tiến hiện nay đã chuyển công tác) có nêu rõ: “Việc cấp GCNQSDĐ đứng tên ông Nguyễn Mộng Hoài không đúng hiện trạng sử dụng phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất (ghi nợ tiền sử dụng đất) phần diện tích mương nước, yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND thành phố điều chỉnh vị trí đất ở đã chuyển mục đích (phần diện tích mương nước) trên GCNQSDĐ của ông Nguyễn Mộng Hoài. Đề nghị ông Nguyễn Mộng Hoài liên hệ Phòng Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thủ tục điều chỉnh trên GCNQSDĐ (không có phần diện tích mương nước). Giao Phòng Quản lý Đô thị tiến hành khảo sát và lập hồ sơ thiết kế mương thoát nước chảy qua đất của ông Nguyễn Mộng Hoài, trình UBND thành phố xem xét, quyết định.
Nói là vậy, nhưng đến nay đã hơn 7 tháng qua, mọi việc vẫn không có tiến triển gì và người dân lại phải tiếp tục gõ cửa các cấp thẩm quyền để cầu cứu.
Như Nguyện