A Par - nghệ nhân đa tài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghệ nhân A Par (sinh năm 1969, làng Kon Xơ Mlũh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) nổi tiếng bởi có đôi tay tài hoa. Ông có thể chỉnh chiêng, đan lát, làm các nhạc cụ từ tre, nứa và rèn nhiều dụng cụ phục vụ sản xuất của bà con trong vùng.

Nghệ nhân A Par là người dân tộc Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá) ở làng Kon Rế, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà. Năm 1988, ông lập gia đình và theo vợ về làng Kon Xơ Mlũh, xã Đăk Tờ Re định cư, sinh sống đến ngày nay.

Tôi gặp ông khi đội cồng chiêng của làng Kon Xơ Mlũh đang chuẩn bị biểu diễn phục vụ khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho biết từ khi còn nhỏ đã được các thế hệ đi trước chỉ dạy đánh cồng chiêng và các nhạc cụ khác và hăng say tập luyện. Cùng với sự nhanh nhạy, cảm âm tốt, trong một thời gian ngắn, ông có thể chơi thành thục và hướng dẫn nhiều bạn bè cùng chơi.

Nghệ nhân A Par rất khéo tay trong việc đan lát. Ảnh: N.B

Nghệ nhân A Par rất khéo tay trong việc đan lát. Ảnh: N.B

Khi về sống ở làng Kon Xơ Mlũh, ông thích nghi rất nhanh với cách chơi cồng chiêng, biết thêm nhiều bài chiêng cổ truyền thống của người Ba Na ở đây vì đã có kiến thức cơ bản về cồng chiêng của người Xơ Đăng và tinh thần ham học hỏi cái hay, cái đẹp. Hiện nay, ông là nhân tố không thể thiếu trong các buổi biểu diễn cồng chiêng của đội nghệ nhân làng Kon Xơ Mlũh. Không những thế, ông còn tích cực truyền dạy cồng chiêng cho nhiều thế hệ trong làng.

Ông A Tân, già làng Kon Xơ Mlũh cho biết: “A Par là một trong những người biết nhiều về cồng chiêng ở làng. Thời gian qua, ông rất tích cực trong việc hướng dẫn, luyện tập cho nhiều thế hệ. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của ông mà đội chiêng thành thạo nhiều bài chiêng truyền thống để biểu diễn vào dịp lễ hội”.

Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Đăk Tờ Re, đội cồng chiêng, múa xoang của làng Kon Xơ Mlũh luôn được duy trì tập luyện, tham gia nhiều cuộc thi, hội diễn cồng chiêng và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tại Hội thi cồng chiêng, múa xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ nhất - năm 2022, Đoàn nghệ nhân làng Kon Xơ Mlũh đã vinh dự đoạt giải Nhì toàn đoàn.

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông A Par say sưa kể: “Để chơi một bài chiêng hay, trước hết tiếng chiêng phải chuẩn âm và trong trẻo. Tiếp đến là các thành viên phải chơi ăn khớp, nhịp nhàng, không sai tiết tấu. Phần diễn tấu cũng rất quan trọng, từ biểu cảm khuôn mặt, dáng dấp, điệu bộ cũng phải hòa hợp. Đặc biệt khi phối hợp với xoang, nhịp điệu sẽ ăn khớp với nhau. Có như vậy, mới tạo cho không khí buổi diễn thêm phần long trọng, vui tươi và thu hút.

Đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang làng Kon Xơ Mlũh biểu diễn tại Lễ mừng nhà rông mới. Ảnh: NB

Đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang làng Kon Xơ Mlũh biểu diễn tại Lễ mừng nhà rông mới. Ảnh: NB

Có tố chất đặc biệt trong việc cảm âm, nên ngoài việc giỏi cồng chiêng, ông còn biết chế tác và chơi nhiều nhạc cụ khác như t’rưng, ting ning và kể cả các loại nhạc cụ hiện đại như guitar, trống. Bên cạnh đó, ông có thể thẩm âm và chỉnh sửa chính xác nhiều chiếc chiêng bị lệch âm. Tay nghề chỉnh chiêng của ông cũng được nhiều người biết đến, nhiều nơi trong vùng thường nhờ ông chỉnh cồng chiêng trước dịp lễ hội hay tập luyện trong làng.

Ông còn giỏi đan lát và rèn. Hiện tại, nguồn thu nhập chính của ông là từ nghề đan lát và nghề rèn. Ông cho biết, hai nghề này ông được cha ruột truyền dạy lại từ khi còn nhỏ. Ông có thể tự làm nhiều loại vật dụng từ mây, tre, nứa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của bà con như rổ, rá, giỏ, nia, gùi. Giá bán các loại vật dụng giao động từ 100.000 – 400.000 đồng tùy loại nhỏ hay to, đan thưa hay dày. Nhờ sự khéo léo, tỉ mẩn và kinh nghiệm nên mỗi sản phẩm của ông làm ra có sự sáng tạo riêng, với nhiều hoa văn, đan xen gọn gàng, trang trí đặc sắc được người dân và du khách tin dùng. Thông thường để hoàn thành một chiếc gùi, ông phải mất ít nhất từ 2-3 ngày để chuẩn bị nguyên liệu và tập trung đan liên tục mới xong.

Đưa chúng tôi ra xem khu vực lò rèn ở phía sau nhà, nghệ nhân A Par tâm sự: “Nhờ lò rèn này, tôi làm ra nhiều dụng cụ có thể nuôi sống gia đình và góp phần gìn giữ nghề truyền thống của cha, ông. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, người từ các nơi đến đặt hàng rèn rất nhiều, phải làm liên tục mới kịp trả hàng cho khách. Nhưng từ khi dịch đến nay, công việc thưa hơn, chủ yếu rèn dụng cụ sản xuất cho người dân trong làng và khách quen giới thiệu”.

Nghệ nhân A Par miệt mài với nghề rèn. Ảnh: NB

Nghệ nhân A Par miệt mài với nghề rèn. Ảnh: NB

Không gian lò rèn của nghệ nhân A Par hết sức đơn sơ, những vật dụng phần lớn tận dụng từ những thứ có sẵn như đá mài từ suối, đe tận dụng từ đầu một quả đạn cối còn sót lại thời chiến tranh. Sản phẩm rèn của ông gồm các loại dụng cụ phục vụ sinh hoạt và sản xuất như dao đeo, dao phát, rựa, cuốc dùng đi rừng, làm rẫy. Khách yêu cầu kiểu dáng, hoa văn, chất liệu như thế nào thì ông làm thế ấy.

Ông và vợ thường chọn mua các loại thép từ nhíp ô tô, máy kéo để rèn nên nói về độ bền, độ bén được nhiều người tin dùng.

Đôi khi khách hàng đem tới một miếng thép từ nhíp, lưỡi cưa hay vỏ đạn để rèn dao, rựa ông cũng nhận. Chi phí gia công giao động từ 150.000 – 250.000 đồng; với một sản phẩm hoàn thiện, giá bán cũng từ 150.000 – 400.000 đồng. “Mình làm cẩn thận từng chi tiết, đường nét chăm chút nên được khách hàng tin tưởng. Họ thường đặt những kiểu dao đi rừng truyền thống. Riêng tuần này, tôi làm được 3 cái cho khách ở xa và còn vài đơn hàng nữa chưa làm kịp”- nghệ nhân A Par hồ hởi chia sẻ.

Qua trao đổi, ông Huỳnh Quốc Thái - Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho biết: Ông A Par là nghệ nhân đa tài, có nhiều công lao trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nghề truyền thống ở địa phương. Trong thời gian qua, công tác giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Hàng năm, xã đều tổ chức rà soát, lập danh sách các nghệ nhân và có chính sách hỗ trợ, tôn vinh, đãi ngộ đối với nghệ nhân có công nhằm khuyến khích, động viên họ tích cực trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

null