Tọa lạc tại địa chỉ 18 Tán Thuật, phường Tự An - trung tâm của thành phố Buôn Ma Thuột sầm uất, Nhà đày Buôn Ma Thuột từng là “địa ngục trần gian”, nơi tra tấn vô cùng hiểm ác, dã man các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước trong những năm tháng kháng chiến.
Trải qua thăng trầm lịch sử, nơi đây mãi khắc ghi sâu đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng là nơi chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk được thành lập.
Trường học cách mạng
Theo địa chí Đắk Lắk và lịch sử Đảng bộ tỉnh, Nhà đày Buôn Ma Thuột (trước đây có lúc gọi là nhà tù Ban Mê Thuột), do thực dân Pháp thiết lập trong thời kỳ 1930-1931, với mục đích đày ải và thủ tiêu tù chính trị ở các tỉnh Trung Kỳ sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Nhà đày Buôn Ma Thuột được tổ chức khá quy mô và kiên cố, chung quanh có tường cao bao bọc, bên trong có 6 nhà lao để nhốt riêng từng loại tù, một nhà phạt, một dãy xà lim dài, nhà xưởng, nhà kho, khu nhà bếp… Riêng khu vực xà lim là nơi biệt giam những chiến sĩ trung kiên, những đồng chí đứng đầu trong các cuộc đấu tranh, biểu tình, vượt ngục như: Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực, Đoàn Khuê, Võ Chí Công, Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, Hoàng Anh, Nguyễn Tạo, Nguyễn Thế Lâm, Trần Sâm…
Từ năm 1930-5/1935, riêng tù cộng sản bị đày lên Buôn Ma Thuột là 399 người. Đến năm 1936, thực dân Pháp chuyển số tù còn sống sót ở nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) đến Buôn Ma Thuột, từ đó nơi đây trở thành một Nhà đày lớn của Pháp ở Đông Dương.
Tù nhân phải đóng số ở sau lưng, hằng ngày phải làm lao dịch những công việc nặng nhọc như làm đường ở Quốc lộ 26, đường chiến lược 14, cầu Krông Ana, đi xây đồn Mét… ban đêm ngủ trong tư thế cùm chân, bữa ăn là cơm hẩm, gạo mốc, cá khô mục nát. Ốm đau, ghẻ lở, bệnh tật, đói rét... là "bạn đường" của người tù Buôn Ma Thuột.
Bất chấp mọi khó khăn, gian khó, đòn roi, cực hình, với khí tiết kiên cường, các chiến sĩ cách mạng đã không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, biến Nhà đày Buôn Ma Thuột thành trường học cách mạng. Phong trào cách mạng trong nước càng phát triển càng thôi thúc các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước bị giam cầm trong Nhà đày đoàn kết đấu tranh quyết liệt, dưới nhiều hình thức như: hò la, tuyệt thực, đòi đổi cai ngục, đòi cải thiện điều kiện sống trong tù...
Ngày 23/11/1940, tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, một số tù nhân cũ và tù nhân mới liên hệ với nhau, thành lập một tổ chức bí mật gọi là “Lực lượng trung kiên” gồm 10 đảng viên, có tính chất và vai trò như một chi bộ cộng sản. Một số đồng chí là hạt nhân của tổ chức như: Trần Hữu Dực, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Chí Thanh, Trần Tống.
Đồng chí Trần Hữu Dực được bầu làm Bí thư. Chi bộ tổ chức hoạt động, phát triển đội ngũ đảng viên theo Chính cương, Điều lệ của Đảng, hình thành mặt trận tù nhân mang tính chất quần chúng. Lực lượng trung kiên của chi bộ Nhà đày luôn tranh thủ cơ hội để tuyên truyền, vận động, giác ngộ, xây dựng cơ sở cách mạng trong và ngoài nhà tù.
Theo cụ Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Nhà đày Buôn Ma Thuột có tác động rất lớn đến phong trào đấu tranh ở tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ, mang ý nghĩa hiệu triệu toàn dân đứng lên. Dưới sự hiệu triệu của chi bộ Đảng ở Nhà đày, nhân dân Buôn Ma Thuột và công nhân, nhân dân các dinh điền, đồn điền xung quanh Buôn Ma Thuột đã đứng dậy đấu tranh mạnh mẽ.
Có thể nói, chi bộ Đảng ở Nhà đày đã đưa đường chỉ lối dẫn đến thành công trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc tại tỉnh vào tháng 8/1945 và sau này là thắng lợi của chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.
Địa chỉ đỏ
Từ chi bộ Đảng đầu tiên, sau khi rời khỏi Nhà đày, nhiều đồng chí đã đảm nhận nhiệm vụ trọng trách của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng; trong đó có 5 đồng chí trong Bộ Chính trị, 4 đồng chí trong Ban Bí thư, 19 đồng chí trong Ban Chấp hành trung ương Đảng, 1 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, 4 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cùng 43 Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương, 44 tướng lĩnh và 50 đại tá, 33 Bí thư Xứ ủy, Khu ủy và Tỉnh ủy…
Chi bộ Đảng ra đời tại Nhà đày Buôn Ma Thuột là mốc son lịch sử của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu phong trào cách mạng của tỉnh chuyển kịp theo trào lưu cách mạng chung của cả nước. Từ những hạt nhân đầu tiên trong những ngày đầu thành lập ở Chi bộ Nhà đày Buôn Ma Thuột, đến nay, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 858 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 89.340 đảng viên.
Ngày nay, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Năm 2018, Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Phòng Quản lý và phát huy di tích Bảo tàng Đắk Lắk, thuyết minh viên Nhà đày Buôn Ma Thuột cho biết, định kỳ hằng tháng, hằng tuần, Bảo tàng bố trí đội ngũ quét dọn di tích. Trong những năm qua, Nhà đày đã đón đông đảo học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sĩ đến tìm hiểu lịch sử, tổ chức Đoàn đến kết nạp Đoàn viên và các cơ quan, đơn vị kết nạp đảng viên. Trong đó, nhiều trường học đã tổ chức cho học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử Nhà đày, tái hiện cuộc duyệt binh ngày 25/1/1944 của toàn thể tù nhân, quản ngục, binh lính, viên chức Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Anh Lê Thanh Hải, du khách đến từ tỉnh Nghệ An chia sẻ, đến Nhà đày Buôn Ma Thuột, qua phần giới thiệu của hướng dẫn viên, anh càng thấm thía sự khổ cực, vất vả để từ đó tri ân sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng đã đổi lại độc lập, tự do, hòa bình và ấm no cho dân tộc Việt Nam. Gia đình anh có cố nội đã hy sinh tại Nhà đày, do đó mỗi khi có dịp, anh vào thắp hương cho cố nội và thắp hương tri ân các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Nhà đày; đồng thời tự hứa sẽ luôn rèn luyện, nỗ lực trong công việc và cuộc sống để xứng đáng với công lao to lớn của các thế hệ ông cha đi trước.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, ghi nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ cách mạng, Tỉnh ủy Đắk Lắk chọn ngày 25/1 hằng năm làm Ngày tri ân các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, Nhà đày cũng là nơi tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh - ngày 23/11 hằng năm.
Những năm qua, tỉnh rất quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã xây dựng tour khám phá lịch sử với các điểm đến như Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk, đồn điền CADA để du khách tham quan, tìm hiểu; đồng thời ưu tiên đầu tư tái hiện, phục dựng các sự kiện như thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, cuộc duyệt binh ngày 25/1/1944 để thu hút du khách.
Đến nay, qua 85 năm xây dựng và trưởng thành, với dấu ấn thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã khẳng định vai trò lãnh đạo, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, liên tục phát triển, cùng với cả nước viết nên những trang sử vàng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đắk Lắk tiếp tục chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, bản sắc, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo TTXVN/Vietnam+