6 cựu chiến binh ra tù kêu oan: 'Phải rõ trắng đen vì chúng tôi là lính'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã có phiên họp và ra quyết định hủy 2 bản án "6 cựu chiến binh tham gia phá rừng" xảy ra tại huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) vì "không đủ chứng cứ để buộc tội".
 
Các cựu chiến binh tại phiên tòa phúc thẩm lần 2, ngày 15-12-2017 - Ảnh: T.T.
Sáng 25-5, luật sư Nguyễn Thanh Huy - Đoàn luật sư Đắk Nông (người bào chữa cho các cựu chiến binh), cho biết TAND cấp cao tại TP.HCM đã họp và có quyết định hủy 2 bản án 6 cựu chiến binh tham gia phá rừng nhưng quyết định này chưa gửi về cho các bị cáo.
Trồng keo gây quỹ thành... phá rừng
Theo luật sư Huy, trước đó ngày 9-3, chính TAND tối cao tại TP.HCM có quyết định kháng nghị, hủy 2 bản án sơ thẩm của TAND thị xã Gia Nghĩa và phúc thẩm TAND tỉnh Đắk Nông vụ 6 cựu chiến binh "tham gia phá rừng" vì chưa đủ căn cứ buộc tội các bị cáo.
Theo tài liệu vụ án, năm 2008, UBND xã Trường Xuân (huyện Đắk Song) giao 21ha đất tại khu vực Đắk Nhu cho ba hộ dân thuộc chi hội cựu chiến binh thôn 6 quản lý, bảo vệ. Sau đó, chi hội chia ông Nguyễn Văn Đạt (chi hội trưởng) 10ha, Trần Văn Thọ (cán bộ địa chính xã Trường Xuân) 5ha và ông Nguyễn Nam Thái (thành viên hội cựu chiến binh) 5ha.
Trên thực tế, đến năm 2014 các diện tích rừng này đã bị người dân phá, lấn chiếm. Ngày 17-12-2014, ông Nguyễn Văn Hùng (chi hội trưởng hội cựu chiến binh thôn 6, thay ông Đạt) phát động chi hội phát dọn cây bụi trong diện tích rừng được giao quản lý để trồng cây keo gây quỹ. Các hội viên không biết vị trí nhưng do chi hội phát động lao động gây quỹ nên tích cực tham gia.
Nhóm 7 cựu chiến binh (hiện 1 người đã mất trong quá trình xét xử vụ án do bị bệnh - PV) dùng dao, cưa máy đến vị trí rừng được giao để đốn hạ cây, đến ngày thứ tư thì bị phát hiện, thu giữ phương tiện vào ngày 24-4-2015.
Theo kết quả giám định ngày 14-7-2016, vị trí rừng bị hủy hoại thuộc lô 3,6 khoảnh 1, tiểu khu 1710 thuộc lâm phần quản lý của Công ty THNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa với diện tích 0,78ha, thiệt hại hơn 42 triệu đồng.
Sau đó cả 7 cựu chiến binh gồm các ông Đỗ Mạnh Hùng, Ngân Xuân Dũng, Vũ Tất Đắc, Hoàng Văn Sằn, Nguyễn Nam Thái, Cao Minh Điến và Đoàn Văn Trường (đã mất) bị khởi tố về hành vi hủy hoại rừng.
Tháng 9-2017, tại phiên tòa xử sơ thẩm lần 2, TAND thị xã Gia Nghĩa tuyên phạt 6 cựu chiến binh mỗi người 6-7 tháng tù giam. Các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan. 
Tháng 12-2017, TAND tỉnh Đắk Nông xử phúc thẩm (lần hai), bác kháng cáo kêu oan, y án sơ thẩm đối với sáu bị cáo. Các bị cáo chấp hành án và vẫn tiếp tục kêu oan.
"Phải rõ trắng đen vì chúng tôi là lính"
 
6 cựu chiến binh liên tục kêu oan suốt chiều dài vụ án - Ảnh: T.T.
Sau khi ra tù, 6 cựu chiến binh tiếp tục trình đơn kêu oan đến các cấp để làm rõ trắng đen, cho rằng họ bị oan khuất trong suốt quá trình điều tra, xét xử. 
"Chúng tôi cần công an phải điều tra lại rạch ròi. Phải rõ trắng đen vì chúng tôi là lính, không đời nào làm việc vi phạm pháp luật. Ai ở đó lại không biết rõ chúng tôi đi phát cây bụi để trồng keo phủ xanh núi trống, đồi trọc để gây quỹ", ông Nguyễn Nam Thái, 1 trong 6 cựu chiến binh, cho biết.
Ai cũng biết vị trí đó chỉ toàn cây bụi, cây nhỏ. Chi hội phát động phát dọn để trồng keo gây quỹ thì anh em chúng tôi tham gia và không đốn hạ cây gỗ nào. Chúng tôi liên tục kêu oan và không được chấp nhận và sau đó vẫn chấp hành án xong theo quyết định của tòa. Nay ra tù rồi, chúng tôi vẫn tiếp tục kêu oan, mong muốn làm rõ để trả lại sự trong sạch cho những người lính chúng tôi.

Ông NGUYỄN NAM THÁI

Sau nhiều lần các cựu chiến binh kêu cứu, ngày 9-3, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị cho rằng hai cấp tòa kết tội các bị cáo hủy hoại rừng là không đủ căn cứ...
Theo kháng nghị này, quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo thừa nhận có hành vi chặt, phá cây tại lô 3,6, thuộc khoảnh 1, tiểu khu 1710. Tuy nhiên, các bị cáo cũng khai tại vị trí trên đã bị chặt phá, đốt cháy trước đó, các bị cáo chỉ chặt cây nhỏ, cây dây leo để trồng cây gây quỹ cho chi hội cựu chiến binh thôn 6.
Kháng nghị chỉ ra nhiều sai sót như cơ quan tố tụng chưa điều tra, xác minh diện tích đất thuộc lô 3,6 nơi xảy ra vụ án là đất rừng tự nhiên sản xuất, đất nông nghiệp hay đất trống. Nơi xảy ra vụ án được xác định là rừng nhưng tại sao xung quanh không phải là rừng mà lại nằm độc lập tại vị trí lô 3,6?…
Mặt khác, không có chứng cứ nào để chứng minh nơi xảy ra vụ án là rừng, chủng loại rừng theo quy định tại Nghị định 23/2006, Quyết định 186/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 34/2009 của Bộ NN&PTNT. Bởi từ việc xác định tình trạng rừng mới có cơ sở xác định được hành vi của các bị cáo có cấu thành tội phạm hay không.
Kháng nghị cho rằng theo biên bản vi phạm hành chính và biên bản xác minh của Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xác định diện tích tại lô 3,6 mức độ thiệt hại 100%. Như vậy, trong hai ngày của tháng 1-2015, diện tích rừng đã bị hủy hoại hoàn toàn mà không xác định độ che phủ thực tế trước khi xảy ra vụ án.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra không chứng minh được diện tích rừng vẫn chưa bị thiệt hại 100% mà chỉ dựa vào lời giải thích của ông Nguyễn Thanh Tùng (cán bộ Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa) để xác định các bị cáo tiếp tục phá rừng trong hai ngày tháng 4-2015 là không đủ cơ sở…
Với những lý lẽ nêu trên, TAND cấp cao tại TP HCM đã kháng nghị theo hướng hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung và đã được chấp nhận tại phiên giám đốc thẩm vừa diễn ra.
Cựu chiến binh Nguyễn Nam Thái cho biết rất vui mừng khi hay tin tòa tối cao hủy án để điều tra lại từ đầu. Ông nói, ông và các người bạn của mình đã ngồi tù và đã được thả nhưng vẫn tiếp tục kêu oan vì phải làm rõ trắng đen, trả lại trong sạch cho những người lính già như ông, nhất là với người đã khuất.
Ông mong muốn công an điều tra công tâm, khách quan và xác định rõ ràng vị trí mà những cựu chiến binh chặt phá có còn rừng, có phải là rừng nữa không mà quy kết các ông hủy hoại rừng.
TRUNG TÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm