5G của Trung Quốc còn đáng lo hơn chiến tranh thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực chạy đua với nhau để giành quyền bá chủ thế giới công nghệ.

Hoạt động thương mại hóa 5G dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2019
Hoạt động thương mại hóa 5G dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2019



Mặc dù căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày càng trở nên sâu sắc, nhưng khả năng Trung Quốc vươn lên thống trị không gian mạng cũng là vấn đề đáng lo ngại không kém, đặc biệt là mạng di động 5G và các công nghệ liên quan, theo ông Richard Fisher, cựu chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas.

“Tôi không tin vấn đề cuối cùng liên quan đến thương mại và hàng hóa vật chất. Mối quan tâm thực sự của Mỹ là không gian mạng, là ai sẽ dẫn đầu và ai sẽ chiến thắng cuộc đua mạng di động thế hệ thứ năm”, ông Fisher nói trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review.

Công nghệ 5G mới có tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn 100 lần so với mạng 4G hiện tại và dự kiến sẽ được dùng trong xe tự hành, internet vạn vật, cũng như các công nghệ mới nổi khác đòi hỏi truyền thông tốc độ cực cao. Theo kế hoạch, hoạt động thương mại hóa 5G sẽ được thực hiện vào năm 2019.

“Nếu Trung Quốc chiến thắng trong cuộc đua này, họ sẽ thiết lập các giao thức cho internet, cũng giống như việc tiếng Anh đã thay thế tiếng Đức như một ngôn ngữ khoa học và trở thành ngôn ngữ của tất cả các hoạt động quan trọng trên quy mô toàn cầu”, ông Fisher nói thêm.

Mỹ không ít lần cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng cách yêu cầu các công ty Mỹ kinh doanh ở đại lục phải chuyển giao công nghệ. Washington cũng đã từng đề nghị Bắc Kinh nên bỏ sáng kiến sản xuất công nghệ cao “Made in China 2025”. Hiện không chỉ Mỹ mà cả Úc cũng bắt đầu nhận thấy mối đe dọa từ tham vọng muốn bá chủ lĩnh vực công nghệ của quốc gia Đông Á. Gần đây Úc cấm các hãng công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei Technologies và ZTE, cung cấp thiết bị xây dựng mạng 5G trong nước vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, khi nói về thương mại, ông Fisher tỏ ra rất lạc quan về khả năng của Mỹ trong cuộc chiến này. “Chúng tôi mua 500 tỉ USD giá trị hàng hóa từ Trung Quốc và chúng tôi có quyền phân phối lại chuỗi cung ứng”, cựu chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas thuộc hệ thống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từ năm 2005 đến 2015 khẳng định.

Ông Fisher, hiện là cố vấn cấp cao của hãng dịch vụ tài chính Barclays, nhiều lần nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ đã trở nên mạnh mẽ hơn dưới sự quản lý của Tổng thống Donald Trump. Chính sách cắt giảm thuế “đã mang lại sự tự tin cho các công ty vừa và nhỏ trong tương lai, thúc đẩy đầu tư của họ”. Ông Fisher tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, vì “chúng tôi không còn bị mắc kẹt ở mức tăng trưởng 2%, bây giờ chúng tôi đã gần với mức 3% hoặc có thể cao hơn”.

Phương Anh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.