50 năm giải phóng miền Nam: Vũng Tàu vươn mình từ những mũi tiến công lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những công trình trọng điểm đang hứa hẹn mở toang cánh cửa đưa thành phố Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế biển, du lịch và dịch vụ hàng đầu cả nước.

Ngày 30/4/1975, chiến dịch giải phóng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.

50-ddddd.jpg
Cầu Cỏ May 1 và Cỏ May 2 song song (tại vị trí mũi tấn công chính của quân giải phóng) trở thành huyết mạch phát triển kinh tế của thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Vũng Tàu, với vị trí chiến lược quan trọng, là một trong những cứ điểm cố thủ cuối cùng của quân đội Sài Gòn.

Đến 13 giờ 30 ngày 30/4, những tên địch cuối cùng buông súng đầu hàng, Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.

Theo các tài liệu lịch sử, Vũng Tàu lúc bấy giờ là nơi tập trung của hàng chục nghìn tàn quân địch khắp nơi co cụm về, bao gồm Sư đoàn dù 22, Sư đoàn bộ binh 18, Tiểu đoàn 4 lính thủy đánh bộ, Tiểu đoàn 6 lính dù, cùng nhiều lực lượng khác.

Chúng bố trí lực lượng chiếm giữ các vị trí trọng yếu như Bãi Sau, cảng Rạch Dừa, khu Bến Đình, Bến Đá và Trường Thiếu sinh quân tại Bãi Trước với nhiều tàu chiến, khí tài quân sự.

Ngày 27/3/1975, khi tỉnh lỵ Bà Rịa thất thủ, quân đội Sài Gòn đã cho nổ mìn phá hủy cầu Cỏ May - tuyến đường duy nhất vào Vũng Tàu, lập phòng tuyến chống trả, chặn đường tiến của quân giải phóng.

Tuy nhiên, bằng chiến thuật linh hoạt, quân ta triển khai hai mũi tấn công chiến lược: một mũi chủ lực vượt sông Cỏ May đánh trực diện vào phòng tuyến địch, mũi còn lại bất ngờ vu hồi qua phía Cửa Lấp, đánh vào sau lưng phòng tuyến.

Đồng chí Phạm Văn Hy, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vũng Tàu đọc nhật lệnh trong ngày giải phóng 30/4/1975. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Đồng chí Phạm Văn Hy, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vũng Tàu đọc nhật lệnh trong ngày giải phóng 30/4/1975. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Đêm 28/4/1975, lực lượng đặc công A.32 tổ chức vượt sông Dinh tập kích vào giữa xương sống địch là cảng Rạch Dừa, đánh chìm một tàu quân sự lớn, làm rung chuyển toàn tuyến phòng thủ dọc con đường độc đạo vào Vũng Tàu, gây hoang mang trong hàng ngũ quân đội Sài Gòn.

Rạng sáng 29/4, quân giải phóng chính thức nổ súng tiến công cầu Cỏ May. Cuộc chiến kéo dài nhiều giờ với sự phản kích dữ dội từ phía địch. Tuy nhiên, sau khi nhận được viện trợ từ Trung đoàn 12 đánh thọc sau lưng địch, quân ta đã phá được tuyến phòng thủ và tiến vào nội đô Vũng Tàu.

Trận đánh cuối cùng diễn ra ác liệt tại khách sạn Palace vào trưa 30/4/1975. Dù Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng trước đó nhưng khoảng 450 tên ác ôn thất trận đã co cụm ở đây từ đêm 29/4, nhốt người tị nạn ở tầng 1 làm lá chắn, điên cuồng chống trả để tìm đường rút chạy ra biển.

Tuy nhiên, không chịu nổi sức tấn công mãnh liệt, đến 13 giờ 30 phút, quân địch đã phải buông súng đầu hàng.

Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, Vũng Tàu đã thay đổi hoàn toàn, từ một chiến trường ác liệt vươn mình trở thành một trong những thành phố biển phát triển bậc nhất cả nước.

Cây cầu Cửa Lấp 2 (tại vị trí tấn công thọc sườn của quân giải phóng cách đây 50 năm) đang được đầu tư xây dựng. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)
Cây cầu Cửa Lấp 2 (tại vị trí tấn công thọc sườn của quân giải phóng cách đây 50 năm) đang được đầu tư xây dựng. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Điều đặc biệt là tất cả những hướng tiến công của quân giải phóng năm xưa, nay đều trở thành cửa ngõ thông thương quan trọng giúp Vũng Tàu phát triển.

Cụ thể như khu vực cảng quân sự Rạch Dừa của quân đội Sài Gòn xưa nay đã trở thành cụm cảng ngành dầu khí là Vietsovpetro và PTSC đã và đang tiếp tục đóng góp rất lớn cho sự phát triển của địa phương và đất nước.

Khu vực Cửa Lấp - mũi tấn công thọc sườn quan trọng giúp phá vỡ phòng tuyến cầu Cỏ May cũng đã hình thành nên cây cầu vượt sông Cỏ May nối Vũng Tàu với huyện Long Đất, trở thành biểu tượng cho sự phát triển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đầu những năm 2000.

Trước đó, năm 1999, cây cầu Cỏ May 2 song song với cầu Cỏ May 1 cũng đã được đưa vào sử dụng để phục vụ người dân và nhu cầu phát triển kinh tế ngày một tăng của thành phố Vũng Tàu.

Không chỉ mở cửa phát triển Vũng Tàu theo những hướng tiến công của quân giải phóng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn triển khai làm cầu, đường nối đảo Long Sơn, Gò Găng với Vũng Tàu ra Quốc lộ 51, mở ra một tuyến phát triển mới và phát huy tiềm năng to lớn của 2 đảo thuộc xã đảo Long Sơn thành phố Vũng Tàu. Tại đây đang hình thành nên khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, cảng dịch vụ và các khu đô thị... rất hấp dẫn nhà đầu tư.

Ngoài ra, trước nhu cầu đi lại, tốc độ phát triển ngày càng tăng của Vũng Tàu, các tuyến đường thủy: tàu cao tốc Vũng Tàu-Côn Đảo, Vũng Tàu-Thành phố Hồ Chí Minh và gần đây là tuyến phà Cần Giờ-Vũng Tàu liên tiếp được mở ra giúp giao thông đến Vũng Tàu thêm đa dạng, kết nối thông suốt với các khu vực, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Song song đó, giao thông trong khu vực nội ô Vũng Tàu cũng được quy hoạch, đầu tư bài bản. Ngày nay, khi tới cửa ngõ thành phố Vũng Tàu, sẽ có 3 tuyến đường trục chính chạy dọc tới cuối thành phố gồm: Đường 30/4 (Quốc lộ 51 cũ), đường 3/2 và đường 2/9.

Đường ven biển Vũng Tàu nối Bãi Trước-Bãi Sau-Bãi Dứa-Bãi Dâu quanh núi Lớn, núi Nhỏ được bình chọn là con đường đẹp nhất Việt Nam. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)
Đường ven biển Vũng Tàu nối Bãi Trước-Bãi Sau-Bãi Dứa-Bãi Dâu quanh núi Lớn, núi Nhỏ được bình chọn là con đường đẹp nhất Việt Nam. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Cuối 3 tuyến đường trục chính là tuyến đường ven biển Hạ Long-Quang Trung-Trần Phú nối bãi Trước, bãi Sau, bãi Dứa, bãi Dâu quanh núi Lớn, núi Nhỏ, được đánh giá là một trong những con đường ven biển đẹp nhất Việt Nam.

Kết nối giữa 3 tuyến đường trục chính này là hệ thống các con đường ngang “xương cá” đã và đang được đầu tư để tạo dựng các không gian phát triển cho thành phố.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu Nguyễn Trọng Thụy cho biết cùng với các dự án giao thông chuyển tiếp từ những năm trước, giai đoạn từ 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp 128 tuyến đường với tổng vốn đầu tư hơn 14.900 tỷ đồng, trong đó, tỉnh đầu tư 7 dự án, với tổng vốn gần 10.500 tỷ đồng và thành phố 121 dự án với tổng vốn hơn 4.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thành phố Vũng Tàu được định hướng phát triển theo mô hình đô thị nén (quy hoạch, phát triển các khu dân cư cao tầng, cơ quan, đơn vị... dọc theo các trục giao thông công cộng) nhằm tối ưu hóa không gian, tiết kiệm chi phí vận hành hạ tầng, dành quỹ đất cho phát triển.

Nhờ quy hoạch bài bản và đầu tư mạnh mẽ, kinh tế-xã hội của thành phố đã phát triển vượt bậc trên mọi mặt, đặc biệt là ngành du lịch.

Từ năm 2020 đến nay, thành phố Vũng Tàu được bình chọn là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” 3 lần liên tiếp (2 năm/lần), có 36 tuyến phố được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị.

Năm 2024, thu ngân sách trên địa bàn tăng kỷ lục, đạt hơn 6.689 tỷ đồng, vượt 152% kế hoạch năm.

Số lượt khách lưu trú qua đêm đạt gần 2,7 triệu lượt, đạt hơn 105% so với Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thành phố đề ra, tăng hơn 12% và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 9.915 tỷ đồng, đạt gần 105% so với Nghị quyết và tăng 10% so với 2023.

Đến nay, thành phố thu hút được 86 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD, giải ngân đến hết năm 2024 đạt khoảng 6.740 triệu USD và 84 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 54.685 tỷ đồng, giải ngân đạt khoảng 48.432 tỷ đồng, đạt hơn 88%.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang gấp rút hoàn thiện tuyến đường ven biển (ĐT994) từ Vũng Tàu đến Bình Châu kết nối với tỉnh Bình Thuận và tương lai hướng đầu còn lại sẽ đấu vào cầu Phước An (thành phố Phú Mỹ) sang huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) lên cao tốc Bến Lức-Long Thành đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ; hoàn thiện nâng cấp tuyến đường Thùy Vân để biến toàn bộ bãi Sau (thành phố Vũng Tàu) thành một công viên bãi tắm đẳng cấp.

Hiện thành phố cũng đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tuyến nối từ Vũng Tàu vào đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, sẵn sàng cho ngày khởi công xây dựng.

Những công trình trọng điểm trên đang hứa hẹn mở toang cánh cửa đưa thành phố Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế biển, du lịch và dịch vụ hàng đầu cả nước.

Theo Đoàn Mạnh Dương (TTXVN/Vietnam+)

vietnamplus.vn Xem link nguồn

Có thể bạn quan tâm

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Báo chí quốc tế viết về đại lễ 50 năm giải phóng miền Nam

Báo chí quốc tế viết về đại lễ 50 năm giải phóng miền Nam

Sự kiện Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được rất nhiều báo chí quốc tế đưa tin đậm nét trong những ngày vừa qua, với điểm nhấn là không khí lễ hội hân hoan cũng như những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được trong những năm qua.

Cảm xúc trào dâng trong ngày đại thắng

Cảm xúc trào dâng trong ngày đại thắng

(GLO)- 50 năm đã đi qua, song đại thắng mùa xuân năm 1975, thời khắc Sài Gòn giải phóng lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 mãi mãi là cột mốc chói lọi trong lịch sử chống xâm lược, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: độc lập, thống nhất, hòa bình, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tự hào là người Việt Nam

Tự hào là người Việt Nam

(GLO)- Càng đến gần lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), không khí trên khắp mọi miền Tổ quốc lại càng thêm rộn ràng, náo nhiệt. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Gương mặt mỗi người con đất Việt cũng ánh lên niềm tự hào.