50 năm đất nước thống nhất: Ngôi trường kết hợp giáo dục 2 miền Nam, Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đi lên từ những ngày gian khó khi quê hương vừa trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt, thầy cô ngôi trường ở Quảng Trị được giao trọng trách hồi sinh sự nghiệp giáo dục trên quê hương, mà ở đó mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của biết bao chiến sĩ, đồng bào.

Trường THPT Thị xã Quảng Trị tọa lạc trên mảnh đất Thành Cổ anh hùng, gần vĩ tuyến 17, trải qua hành trình 50 năm xây dựng và phát triển đầy tự hào. Từ những ngày đầu gian khó, trường được dựng lên trên hoang tàn của chiến tranh, đến nay đã thành ngôi trường khang trang, bề thế, là điểm sáng về giáo dục chất lượng cao của tỉnh.

50nam-dd.jpg
Là trường không chuyên nhưng Trường THPT Thị xã Quảng Trị có nhiều học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế và 3 lần đưa cầu truyền hình đường lên đỉnh Olympia về Quảng Trị. ẢNH: H.S.A

Có được thành tựu đó là nhờ công lao đóng góp của nhiều thế hệ thầy và trò của trường, phát huy truyền thống cần cù, hiếu học của người Quảng Trị, sự chăm lo đầu tư của Nhà nước, xã hội và sự kết hợp kinh nghiệm giáo dục của hai miền Nam, Bắc.

Tiền thân của Trường THPT Thị xã Quảng Trị là Trường phổ thông cấp 3 Triệu Phong, được UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị thành lập ngày 16.8.1975. Trường đóng tại vùng Bèng xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong.

Năm đầu tiên trường có 3 lớp, 115 học sinh (HS), trong đó có nhiều HS cũ của Trường trung học Nguyễn Hoàng trước năm 1975, trường trung học lớn nhất của tỉnh Quảng Trị những năm 1950.

Đội ngũ giáo viên ban đầu của trường có thầy Lâm Thi (phụ trách trường) và 7 thầy: Trần Khánh Thức, Hoàng Quốc Hội, Lê Quang Nam, Lê Biểu, Hoàng Văn Thủ, Nguyễn Quang Khả và Nguyễn Đức Khôi. Năm 1976, thầy Phan Cung được bổ nhiệm hiệu trưởng, đến năm 1979 trường được đổi tên thành "Cấp 3 số 1 Triệu Hải" và chuyển sang ngôi trường 2 tầng, được xây dựng trên khuôn viên của Trường Nguyễn Hoàng xưa. Năm 1989, trường mang tên "THPT Thị xã Quảng Trị" cho đến nay.

Những nhà giáo tâm huyết

Từ những thầy cô đầu tiên, nhà trường đã được bổ sung nhiều thầy cô, là con em Quảng Trị từ miền Bắc và miền Nam trở về. Đó là các thầy cô Nguyễn Phúc Liêm, Hoàng Minh Long (Hiệu trưởng), Cao Xuân Thi, Phạm Thị Hương Xuân, Thái Thị Sao Mai… cùng với thầy cô, là giáo sư Trường Nguyễn Hoàng như Đỗ Tư Nhơn, Hồ Thị Tú, Nguyễn Văn Quang, Hoàng Mãi, Trần Văn Sung, Nguyễn Văn Giúp và Lê Thanh Trí.

Thầy cô từ miền Bắc trở về mang theo kinh nghiệm giáo dục xã hội chủ nghĩa, với nguyên lý: học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn với gia đình và xã hội, lao động góp phần giáo dục HS. Thầy cô Trường trung học Nguyễn Hoàng mang đến cho trường kinh nghiệm giáo dục nhân bản, học chuyên sâu, tạo nền tảng, chú ý phát huy toàn diện năng lực theo cá nhân.

2ngoitruong.jpg
Ngày Hội STEM 2024 tại Trường THPT Thị xã Quảng Trị. Từ năm 1975 đến nay, trường đã có trên 2.380 HS đoạt giải HS giỏi cấp tỉnh, riêng trong giai đoạn 2010 - 2025, có tới 1.535 giải. Ảnh: H.S.A

Giai đoạn 1975 - 1980, nhà trường giảng dạy theo chương trình phổ thông 12 năm của Bộ Giáo dục Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khác với chương trình hệ 10 năm ở miền Bắc. Thầy cô Trường Nguyễn Hoàng đã phát huy kinh nghiệm dạy chương trình 12 năm đã cùng tổ chuyên môn tự nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa để giảng dạy cho HS.

Đội ngũ nhà giáo của trường luôn tâm huyết với HS và quê hương, có 4 thầy cô được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú, đó là thầy Hoàng Minh Long, thầy Lê Biểu, cô Phạm Thị Hương Xuân và thầy Nguyễn Tiến Dũng. Hiện nay, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 81 người, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 18 thạc sĩ, 62 đại học và 1 cao đẳng, tạo nên một tập thể đoàn kết, gắn bó, làm nên chất lượng giáo dục.

"Bản hòa tấu" đồng điệu về dạy và học

Đi lên từ những ngày gian khó khi quê hương vừa trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt, thầy cô được giao trọng trách hồi sinh sự nghiệp giáo dục trên quê hương, mà ở đó mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của biết bao chiến sĩ, đồng bào.

Nhờ công tác quản lý tốt, tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, giáo viên, nhân viên; nhờ vận dụng kinh nghiệm giáo dục của hai miền Bắc Nam, cùng với nỗ lực tự học, vươn lên của học trò, đã tạo nên một "Bản hòa tấu đồng điệu về dạy và học". Từ đó, dệt nên bảng thành tích vẻ vang của nhà trường: chất lượng đào tạo luôn giữ vững, tỷ lệ tốt nghiệp đạt từ 99% đến 100%; được Bộ GD-ĐT xếp trong top 100 - 200 trường THPT chất lượng toàn quốc; tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng cao, đạt 80 - 90%; luôn ở top đầu trong các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh; là trường không chuyên nhưng có nhiều HS đoạt giải quốc gia, quốc tế và 3 lần đưa cầu truyền hình đường lên đỉnh Olympia về Quảng Trị. Đây là một thế mạnh, một nét riêng, khi nhà trường chú trọng phát huy cao nhất khả năng, thế mạnh của từng HS.

3ngoitruong.jpg
Thầy giáo Vật lý Lê Công Long (giữa), người hướng dẫn cùng 2 em Cao Trung Quân (bên phải) và Lê Minh Hiếu (bên trái) có đề tài dự thi cuộc thi quốc tế ISEF năm 2025 tổ chức từ ngày 10 - 16.5.2025 tại Columbus, Ohio, Mỹ với đề tài “Xe lăn tự hành hỗ trợ người mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên trong di chuyển và giao tiếp”. Ảnh: NVCC

Hành trình bước tới tương lai: Trách nhiệm "với người hy sinh cho mảnh đất quê mình"

Về thăm trường trong những ngày đầu năm 2025, hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập trường, chúng tôi nhận thấy có một quyết tâm mới, một niềm tin mới ngời lên qua ánh mắt, nụ cười và bước đi của thầy và trò: đó là niềm tự hào truyền thống anh hùng của quê hương. Đó còn là trách nhiệm "với người hy sinh cho mảnh đất quê mình", biết trân trọng, phát huy truyền thống giáo dục của nhà trường và quê hương.

Đây chính là nền tảng, là động lực để nhà trường đảm bảo về chất lượng giáo dục toàn diện theo phẩm chất, năng lực và cá nhân góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Tự hào 50 năm

Từ năm 1975 đến nay, trường đã có trên 2.380 HS đoạt giải HS giỏi cấp tỉnh, riêng trong giai đoạn 2010 - 2025, có tới 1.535 giải.

Về HS giỏi quốc gia, trường đạt trên 124 giải, giai đoạn 2010 - 2025 có 79 giải. Đặc biệt, HS Phạm Huy của trường đoạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ năm 2017 và Trần Vinh Khánh đạt Huy chương đồng Tin học châu Á – Thái Bình Dương năm 2023 và năm 2025 có HS dự thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ (5.2025) với dự án: "Xe lăn tự hành hỗ trợ người mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên trong di chuyển và giao tiếp".

4box-ngoitruon.jpg
Trần Vinh Khánh, HS Trường THPT Thị xã Quảng Trị, HS không chuyên đầu tiên của Việt Nam đạt Huy chương đồng Tin học châu Á - Thái Bình Dương (APhO 2023). Ảnh: NVCC

Nhà trường luôn chú trọng đến sự phát triển toàn diện, tự học, tự nghiên cứu, theo đuổi đam mê của HS, khuyến khích các em tham gia thi Đường lên đỉnh Olympia. Kết quả ở sân chơi này, đã có 3 HS đoạt giải, gồm Văn Viết Đức, quán năm 2015; Lê Thanh Tân Nhật, á quân năm 2018 và Văn Ngọc Tuấn Kiệt, giải ba năm 2020.

Trong 50 năm, nhà trường đã có trên 25.000 HS tốt nghiệp. Nhiều HS thành công, tiêu biểu như GS-TS Trần Thị Lý, PGS-TS Nguyễn Giang Thạch (Đại học Úc), Thiếu tướng - TS Nguyễn Văn Kỷ, Đại tá - TS Trần Vinh Quang; PGS-TS Nguyễn Duân, PGS-TS Nguyễn Duy Hùng, PGS-TS Nguyễn Xuân Huy, TS Phạm Thế Kiên, nhà thơ Võ Văn Luyến, nhà báo Nguyễn Hoàn và nhiều doanh nhân, nhà khoa học trẻ ở trong và ngoài nước.

Với những thành tựu đó, nhà trường đã được Nhà nước và các cấp trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba năm 1999, hạng nhì năm 2005 và hạng nhất năm 2010; Năm 2024, trường vinh dự đón nhận Huân chương độc lập hạng ba.

Theo Hồ Sỹ Anh - Võ Thị Quỳnh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Báo chí quốc tế viết về đại lễ 50 năm giải phóng miền Nam

Báo chí quốc tế viết về đại lễ 50 năm giải phóng miền Nam

Sự kiện Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được rất nhiều báo chí quốc tế đưa tin đậm nét trong những ngày vừa qua, với điểm nhấn là không khí lễ hội hân hoan cũng như những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được trong những năm qua.

Cảm xúc trào dâng trong ngày đại thắng

Cảm xúc trào dâng trong ngày đại thắng

(GLO)- 50 năm đã đi qua, song đại thắng mùa xuân năm 1975, thời khắc Sài Gòn giải phóng lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 mãi mãi là cột mốc chói lọi trong lịch sử chống xâm lược, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: độc lập, thống nhất, hòa bình, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

(GLO)- Nửa thế kỷ hòa bình thống nhất là nửa thế kỷ xây dựng lại non sông từ vỡ vụn chiến tranh. Vượt qua những trở lực từ bên ngoài, dám nhìn nhận những sai lầm nội tại, chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu mà 40 năm trước, nhiều người không thể hình dung.

Tự hào là người Việt Nam

Tự hào là người Việt Nam

(GLO)- Càng đến gần lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), không khí trên khắp mọi miền Tổ quốc lại càng thêm rộn ràng, náo nhiệt. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Gương mặt mỗi người con đất Việt cũng ánh lên niềm tự hào.