50 năm Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh: Còn mãi âm vọng hào hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, thể hiện qua từng trận đánh, trên từng mũi hướng tiến công”. Đó là nhận định của Thượng tướng Lê Huy Vịnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2022) vừa được tổ chức tại TP. Kon Tum với chủ đề: “Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh: Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng chiến thắng vang dội trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên vẫn còn vang vọng. Cùng với những thắng lợi trên hướng tiến công Trị-Thiên và miền Đông Nam Bộ, Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh là đòn tiêu diệt có ý nghĩa chiến lược trong năm 1972, góp phần đánh bại một bước quan trọng trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi Việt Nam. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tiến tới giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Chiến thắng hào hùng đó đã góp phần hun đúc lòng tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và khát vọng hòa bình để dựng xây đất nước.

“Vành đai thép” ở Bắc Tây Nguyên

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng, khu vực Nam Đông Dương nói chung. Trong đó, Kon Tum là địa đầu phía Bắc Tây Nguyên, án ngữ ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia; nối liền tuyến hành lang Bắc-Nam và tuyến hành lang giữa Đông và Tây Trường Sơn.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lam Nguyên
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lam Nguyên


Theo Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bạo-Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng: Từ vị trí địa chính trị, quân sự quan trọng trên, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tập trung lực lượng lớn để xây dựng vùng Bắc Kon Tum trở thành một khu vực phòng thủ kiên cố ở phía Bắc Tây Nguyên mà trung tâm là cụm phòng ngự Đak Tô-Tân Cảnh. Từ năm 1957 đến 1972, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã cho xây dựng tại đây căn cứ Trung đoàn 42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đak Tô 2. Nơi đây là đại bản doanh của Sư đoàn 22 và Trung đoàn 42 bộ binh, Trung đoàn 14 thiết giáp, lực lượng biệt động quân biên phòng và 5 tiểu đoàn pháo binh... Ở bờ Tây sông Pô Cô, cách căn cứ Đak Tô-Tân Cảnh 10 km về phía Tây Nam là các căn cứ hỏa lực như căn cứ Charlie, Delta. Dọc theo biên giới Việt Nam-Lào là các tiền đồn biên phòng do Tiểu đoàn 62 biệt động quân (cứ điểm Plei Kleng), Tiểu đoàn 95 (còn gọi là cứ điểm Plei Kần), Tiểu đoàn 88 (Chi khu quận lỵ Đak Pék) trấn giữ. Về phía Đông Nam có Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 3 Dù, căn cứ Non Nước (Võ Định)... Tổng hợp đây trở thành cụm cứ điểm liên hoàn khép kín, được ví như “vành đai thép” trong thế phòng thủ và tiến công của quân đội Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên với lực lượng đông đảo, bố phòng dày đặc và vũ khí tối tân.

Vì vậy, Đak Tô-Tân Cảnh đã trở thành địa bàn diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa Quân giải phóng miền Nam Việt Nam với quân Mỹ và quân đội Sài Gòn như trận Đak Tô 1 (năm 1967), Đak Tô 2 (năm 1969). Đặc biệt, từ ngày 30-3 đến 5-6-1972, Quân giải phóng đã mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, trọng điểm là trận đánh then chốt giải phóng Đak Tô-Tân Cảnh. Quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là tiêu diệt một bộ phận chủ lực Quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị quân đội Sài Gòn, giải phóng vùng Đak Tô-Tân Cảnh và thị xã Kon Tum; khi có thời cơ phát triển xuống Pleiku, mở rộng vùng căn cứ Tây Gia Lai, Đak Lak, hình thành một vùng căn cứ hoàn chỉnh, nối liền với các căn cứ địa miền Đông Nam Bộ.

Đánh nhanh, diệt gọn

Trong bài viết về Tư lệnh Hoàng Minh Thảo với Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh, Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài (Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng) hồi tưởng: Sau những năm đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên, ta và địch đều đã hiểu nhau phần nào. Tư lệnh Hoàng Minh Thảo nhận định: “Họ có cách đánh giá theo luận điểm của kẻ đi xâm lược, ỷ vào sức mạnh của vũ khí và phương tiện hiện đại. Còn ta chiến đấu vì chính nghĩa, có sức mạnh của chiến tranh nhân dân, có tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”.

Qua nghiên cứu cách thức phòng ngự của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đi đến thống nhất: “Chưa đột phá ngay vào tuyến phòng thủ mà kéo địch ra ngoài để tiêu diệt trong tác chiến vận động ở Tây sông Pô Cô và Bắc Võ Định, làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta và để nghi binh hướng tiến công chủ yếu của ta ở giai đoạn 1, sau đó tiến công vào các khu vực phòng thủ của địch từ Đak Tô-Tân Cảnh đến thị xã Kon Tum”.

Tư lệnh Hoàng Minh Thảo cho rằng nhử địch ra vòng ngoài tuyến phòng ngự của chúng để tiêu diệt không quá khó vì ta đã nắm được thủ đoạn và quy luật tác chiến của địch, biết được tính nết của chúng là chủ quan, hám ăn, rất dễ bắt mồi và dễ bị sai khiến. Từ đó, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tạo nên thế trận có lợi cho trận tiến công Đak Tô-Tân Cảnh, đó là “dùng mưu kế của ta là lừa địch, đánh vào chỗ sơ hở, địch ít đề phòng”. Và sự lựa chọn phía Đông làm hướng đột kích căn cứ Tân Cảnh đã gây bất ngờ lớn cho địch, khiến chúng không kịp trở tay. Mặt khác, trong tổ chức tiến công Đak Tô-Tân Cảnh, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo đã triệt để sử dụng hỏa lực mặt đất để tiêu hao sinh lực địch. Thêm vào đó, tên lửa chống tăng B-72 của ta lần đầu xuất hiện trên chiến trường đã làm cho quân địch vô cùng hoang mang, tạo điều kiện cho bộ binh, xe tăng nhanh chóng đột phá tiêu diệt các hỏa điểm.

Hiệp đồng binh chủng, phát huy sức mạnh hỏa lực pháo binh và xe tăng, phối hợp đánh địch từ nhiều hướng, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ khu vực phòng ngự then chốt của trung tâm phòng ngự Đak Tô-Tân Cảnh của địch trong thời gian chưa đầy 1 ngày (từ chiều tối 23-4 đến khoảng 11 giờ trưa 24-4). Ta đánh bại Sư đoàn 22, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 quân địch, bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng và xe thiết giáp, 8 pháo, gần 100 xe quân sự, làm tan rã phần lớn lực lượng kìm kẹp của địch trong vùng. Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi nhiệm vụ đợt 1 Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, giải phóng hơn 25.000 đồng bào các dân tộc đang sống trong các trại tập trung và ấp chiến lược trên địa bàn Kon Tum.

Cụm phòng ngự Đak Tô-Tân Cảnh, nơi được quân Mỹ và quân đội Sài Gòn mệnh danh là “vành đai thép” ở Bắc Tây Nguyên bị phá vỡ, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên. Nhà báo Craig R.Whitney viết trên New York Times ngày 24-9-1972: “Họ (chính quyền Sài Gòn) đã đánh mất quyền kiểm soát phần lớn tỉnh Kon Tum và 5 huyện phía Bắc của tỉnh Bình Định. Phần phía Đông tỉnh Kon Tum đến bờ biển miền Trung cũng bị mất do sự sụp đổ của nhiều sư đoàn”.

Từ “điểm tựa” truyền thống cách mạng

Nói về ý nghĩa của Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang nhận định: “50 năm đã trôi qua nhưng Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh vẫn luôn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum; là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu dũng cảm, quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 Di tích lịch sử Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh nguồn internet
Di tích lịch sử Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh nguồn internet
Trong bài viết “Quân và dân Gia Lai phối hợp với các lực lượng trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên” in ở tập kỷ yếu Hội thảo 50 năm Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Thế Mạnh nhận định: “Việc thị xã Pleiku bị cắt đứt giao thông đường bộ với Kon Tum và các tỉnh duyên hải miền Trung đã làm cho địch không thể vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm lên chiến trường Kon Tum, tạo thuận lợi cho quân chủ lực Mặt trận Tây Nguyên giành thắng lợi ở Đak Tô-Tân Cảnh, đập nát tuyến phòng thủ của địch, giải phóng toàn bộ vùng Bắc tỉnh Kon Tum”.
 

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, thời gian qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song với “điểm tựa” truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 16.051 tỷ đồng, tăng 6,47% so với năm 2020. Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội đa số đạt và vượt kế hoạch; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, công tác an sinh xã hội được thực hiện khẩn trương, đúng đối tượng. Chất lượng giáo dục-đào tạo có chuyển biến rõ nét; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Bình dẫn thông tin: Với ý nghĩa lịch sử quan trọng, ngày 22-12-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng Địa điểm Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Khu di tích có tổng diện tích 370.500 m2, nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, cách TP. Kon Tum 40 km. Di tích cấp quốc gia đặc biệt có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội nên tỉnh Kon Tum đã nỗ lực bảo tồn nguyên trạng cũng như phát huy đầy đủ giá trị di tích.

“Những năm qua, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Di tích lịch sử Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Đây cũng là điểm đến quan trọng đối với du khách trong nước và quốc tế muốn tìm hiểu về trận đánh lịch sử này”-ông Bình khẳng định.

 

 LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.