Giảm lượng bữa ăn tiếp theo hay cố gắng tập thể dục chắc chắn là điều cần thiết để bạn "xử lý" năng lượng dư thừa do ăn quá nhiều trong những ngày Tết. Thế nhưng, nghe có vẻ vô lý, việc ăn thêm một số món cũng có tác dụng bất ngờ
Eating Well và Healthline gợi ý một số "bảo bối" dễ tìm nhất để xử lý lượng carbohydrate, chất béo dư thừa mà bạn lỡ nạp vào các mùa lễ hội, các dịp tiệc tùng.
1. Trái cây
Nếu bạn đã ăn một bữa ăn lớn, hãy tiếp tục ăn trái cây, nhất là các loại giàu chất chống oxy hóa như quả mọng, nho. Chúng sẽ giúp giảm tác hại của các gốc tự do sau bữa ăn quá no nê, đặc biệt là giàu carbohydrate - có thể từ tinh bột hay đồ ngọt - và chất béo.
Ví dụ, bạn hãy chọn một đĩa trái cây tươi để tráng miệng và cố gắng ăn nhiều trái cây vào ngày hôm sau. Sinh tố - nhưng hãy cố gắng uống loại ít ngọt - hay sữa chua trộn trái cây cũng là gợi ý tốt.
2. Một thìa giấm
Ăn một thìa giấm trong bữa ăn - ví dụ rưới lên một đĩa salad - cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu tăng đột biến do các bữa ăn lớn, giàu carbohydrate.
Theo GS-TS Carol S. Johnston, từ Trường Đại học giải pháp sức khỏe thuộc Đại học bang Arizona (Mỹ), 1-2 thìa giấm trước bữa ăn có thể làm giảm bớt việc gia tăng đường huyết đột biến sau bữa ăn tới 40%.
3. Rượu vang đỏ
Một ly rượu vang đỏ cũng làm giảm tác động tiêu cực của thực phẩm nhiều chất béo bằng cách làm giảm mức độ của một hợp chất - được sản xuất trong cơ thể sau khi ăn chất béo - có liên quan đến bệnh tim.
Ví dụ, bạn có thể nấu ăn bằng rượu vang đỏ hoặc thưởng thức một ly rượu vang đỏ cùng bữa tối.
4. Gia vị Á Đông
Nhiều gia vị của người châu Á là "thần dược cho sức khỏe" mà các nhà khoa học phương Tây chú ý gần đây.
Trong một nghiên cứu, những người ăn một bữa ăn có 6 g gia vị hỗn hợp có phản ứng viêm thấp hơn sau bữa ăn nhiều carbohydrate và chất béo bão hòa.
Hỗn hợp gia vị được sử dụng trong nghiên cứu gồm bột húng quế, nguyệt quế, hạt tiêu đen, quế, rau mùi, thì là Ai Cập, gừng, kinh giới, rau mùi tây, ớt đỏ, hương thảo, húng tây và nghệ.
5. Nước
Đơn giản nhất nhưng vô cùng hữu dụng, duy trì đủ nước là điều cần thiết cho sức khỏe tổng thể và cũng có thể hỗ trợ tiêu hóa.
Nước cũng có thể làm giảm đầy hơi và đào thải lượng natri dư thừa tiêu thụ sau bữa ăn nhiều carbohydrate và muối.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng không nên cố uống thật nhiều nước một lúc ngay sau một bữa ăn. Thay vào đó, hãy uống rải rác trong ngày, mỗi lần vài ngụm.
Theo Anh Thư (NLĐO)