Trải qua 16 năm học ở Việt Nam từ phổ thông đến đại học và kinh nghiệm 12 năm sinh sống và làm việc ở đại học Mỹ, tôi nhận thấy học sinh Việt Nam có tố chất không thua kém gì học sinh các nước phát triển.
Tham gia các sân chơi học thuật cũng là một cách rèn kỹ năng cho học sinh - Ảnh: M.K. |
Thậm chí nếu theo học 12 năm tại Việt Nam thì các kỹ năng về tính toán ở bậc phổ thông còn có phần tốt hơn vì chương trình học từ cấp I ở trường công Việt Nam phần lớn nặng hơn ở Mỹ.
Nhưng đến hết cấp III nếu so sánh lại thì cục diện bắt đầu thay đổi ít nhiều nếu so về mức độ phát triển toàn diện để sẵn sàng cho giai đoạn gặt hái thành tựu chứ không chỉ thành tích.
Vì vậy để học sinh Việt Nam phát triển toàn diện hơn, tôi có một mơ ước là giáo dục phổ thông Việt Nam sẽ dạy các em 3 kỹ năng quan trọng này và đưa vào mục Khoa học xã hội (Social Studies) xuyên suốt từ cấp I đến cấp III như ở Mỹ và nhiều nước phát triển khác, để bổ sung vào nội dung môn giáo dục công dân và các môn học STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học), nhằm giúp học sinh sử dụng được các kiến thức, kỹ năng của các môn học này một cách hiệu quả trong thực tế.
Kỹ năng mềm: Nếu kỹ năng cứng là các môn học chính khóa thì kỹ năng mềm tập trung vào sự phát triển tư duy, kỹ năng quản lý, làm chủ bản thân và tăng cường hiệu quả học tập, làm việc cá nhân lẫn phối hợp đội nhóm.
Những kỹ năng này còn giúp các em phát triển trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence), một yếu tố góp phần quan trọng vào thành công lâu dài của mỗi người ở mọi ngành nghề.
Việc triển khai cách học các kỹ năng mềm này thực ra đã được tập huấn rộng rãi hơn 10 năm qua ở một số học viện tư tại Việt Nam nhằm rèn luyện các kỹ năng thuyết trình và lãnh đạo hiệu quả cho các bạn trẻ. Vì vậy hoàn toàn có thể tập huấn cho giáo viên để đưa vào các trường phổ thông.
Các kỹ năng này được chú trọng và bồi dưỡng từ sớm cho học sinh tại Mỹ và các nước phát triển để dần dần hình thành một phong thái tự tin và làm việc đội nhóm chuyên nghiệp hiệu quả.
Đồng thời kỹ năng mềm sẽ giúp các em tìm ra thế mạnh và đam mê của mình để định hướng nghề nghiệp sau này với động lực rõ ràng và chiến lược cụ thể, chứ không còn mơ hồ khi học xong không biết mình nên theo đuổi cái gì hay mục tiêu của cuộc đời mình là gì.
Kỹ năng tài chính: Trào lưu khởi nghiệp đang lan rộng trong giới trẻ cả nước hiện nay và kèm theo đó là những hệ lụy do chạy theo trào lưu mà không được trang bị các kỹ năng quản lý tài chính hiệu quả.
Người Do Thái không phải tự nhiên mà khởi nghiệp giỏi nhất thế giới. Bí mật nằm ở truyền thống dạy con quản lý giá trị đồng tiền từ bé, được xem là chìa khóa để làm chủ cuộc sống. Vì trước khi biết nhân tiền thì kỹ năng đầu tiên là phải biết kiếm tiền và giữ tiền trước đã.
Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân đã và đang được giảng dạy như một môn học kỹ năng chính khóa tại hầu hết các trường công lập của Singapore như một lộ trình lâu dài để rèn luyện thói quen quản lý tiền, và cũng rất được chú trọng ở các nước phát triển.
Vì vậy Việt Nam hoàn toàn có thể liên kết và học hỏi từ anh bạn láng giềng chuyên nghiệp Singapore, để giúp cho giới trẻ Việt Nam học cách kiểm soát và sử dụng nguồn tài chính cá nhân một cách hợp lý và hiệu quả theo nhiều cấp độ, và nắm bắt được các nguyên tắc tài chính cơ bản trong kinh doanh để xây dựng chiến lược đầu tư lâu dài và lúc đó mới nên khởi nghiệp.
Kỹ năng sáng tạo: Đây là nền tảng cho các phát minh, sáng chế ở mọi lĩnh vực và đặc biệt được chú trọng nhiều ở các nước phát triển. Trẻ em nào khi bé cũng thường có nhiều ý tưởng độc đáo và sáng tạo hơn người lớn. Nhưng nếu không được dưỡng nuôi và rèn luyện trong quá trình giáo dục phổ thông thì sự sáng tạo này sẽ ngày càng thui chột. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng kỹ năng sáng tạo sẽ giúp tăng hứng thú học tập của học sinh với các môn STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học), đồng thời gắn kết lý thuyết khoa học với các vấn đề thực tiễn, giúp học sinh tăng tính trải nghiệm và thực hành một cách sáng tạo. |
Theo TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG (Đại học bang Oklahoma, Mỹ)
(Dẫn nguồn TTO)