20 năm hầm đường bộ Hải Vân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đi bộ thì sợ Hải Vân /

Đi thủy thì khiếp sóng thần hang Dơi…

Từ giữa năm 2005, vượt qua con đèo này đã dễ dàng hơn gấp nhiều lần so với cách đây 200 năm kể từ ngày vua Gia Long ra lệnh mở con đường từ Huế vào Đà Nẵng, qua con đèo hiểm trở này, đầu thế kỷ XIX…

Hầm Hải Vân xuyên qua núi, thay thế cho đường đèo Hải Vân vốn có nhiều đoạn nguy hiểm. Với chiều dài 6,28km, đây là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á. Ảnh: ST

Hầm Hải Vân xuyên qua núi, thay thế cho đường đèo Hải Vân vốn có nhiều đoạn nguy hiểm. Với chiều dài 6,28km, đây là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á. Ảnh: ST

1. Trong lịch sử giao thông của thành phố Đà Nẵng, con đường từ Ngã ba Cai Lang trong nội thị đi về hướng tây từng được người Pháp đặt tên Rue de Hue. Trong dân gian, chỗ ngã ba con đường này rẽ về hướng nam Phước Tường và ra hướng tây bắc đến đèo Hải Vân từng được gọi là Ngã ba Huế…

Nhưng trước đó khá lâu, hành trình kết nối giữa hai địa danh Đà Nẵng - Huế đã được thiết lập trên thực tế.

Ngày nay, chúng ta đi qua hai đô thị này chỉ chưa đầy hai giờ đồng hồ. Và đường đèo Hải Vân cũng là cửa ngõ quan trọng, kết nối giao thông Nam Bắc và cả vùng hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC - bao gồm bốn quốc gia nằm trong trung tâm bán đảo Đông Dương: Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam).

Qua hai thế kỷ ấy, đã có những đổi thay đáng ghi lại…

Huế là kinh đô từ thời nhà Nguyễn nên đi lại từ Quảng Nam ra kinh đô là rất hệ trọng. Từ thời Gia Long, nhà vua đã bắt đầu cho mở rộng đường bộ qua đèo Hải Vân để việc đi lại thuận lợi hơn, gọi là đường Thiên lý.

Trên hành trình Huế - Đà Nẵng, người ta không chỉ ôn lại một lịch sử bi tráng của một vùng đất, mà còn nhìn thấy ở đó những thi vị của các quang cảnh nên thơ và hùng vĩ… Con đường ấy có vai trò khai mở cho hành trình tiến về tương lai bằng sự phát triển và hợp tác khu vực!

Trước khi Toàn quyền Paul Doumer (nhiệm kỳ 1897-1902) theo đường bộ từ Huế vào Đà Nẵng, đã có nhiều người nước ngoài thực hiện hành trình này. Có thể kể đến thương nhân người Anh Thomas Bowyear vào năm 1695, khởi hành từ Hội An; rồi đến chuyến đi 5 ngày của thương gia Piere Poivre cuối năm 1749 cũng từ Hội An ra Huế. Đến năm 1819, thuyền trưởng Rey đã đưa Chaigneau và hai sĩ quan Pháp từng giúp vua Gia Long từ Huế vào Đà Nẵng để lên tàu thủy về lại Pháp. Năm 1822, nhà du hành người Anh John Crawfurt và 50 năm sau, qua miêu tả của đại úy viễn chinh Dutreuil de Rhins, ta thấy đoạn đường rừng vượt đèo Hải Vân vào thời đó rất gian nan vì đường mòn dốc đứng, những nỗng cát ven biển, và cả sự đe dọa của thú rừng…

Những chuyến đi đó được mô tả vừa bằng đường bộ, vừa bằng ghe thuyền qua các đoạn đầm phá Cầu Hai, Lăng Cô, tốn khá nhiều thời gian và phải ngủ đêm ở các trạm dọc đường…

Mấy tháng trước khi Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đi từ Huế vào Đà Nẵng (3-1897), đoạn đường này đã được khẩn trương cải tạo nhằm giảm độ dốc chỉ còn tối đa 12%, làm nhiều cầu bằng tre và gỗ qua suối hay hố sâu. Nhờ thế, Paul Doumer và mấy sĩ quan tùy tùng người Pháp đã có thể cưỡi ngựa qua đèo trong khi phụ chính đại thần Nguyễn Thân và các vị thượng thư triều đình Huế tháp tùng thì vẫn đi võng lọng. Ngoài võng, các quan An Nam được mô tả còn có thêm một xe kéo dự phòng. “Một dòng người dài như thân rắn đi trên một tuyến đường ưu tiên tạm gọi là Quan lộ…”.

2. Đèo Hải Vân đã bắt đầu có những thay đổi vào năm 1897, như lời Paul Doumer: “Các sĩ quan người Pháp bắt đầu thi công một số hạng mục đã được nghiên cứu từ 10 năm trước và từ vài tháng nay họ đã tiếp tục công việc dưới nhiều mệnh lệnh và sức ép. Hiện tại người ta có thể đi bằng ngựa qua con đường mòn mới mở rộng. Những cây cầu tạm bằng tre và những cây cầu tạm bằng sắt được xây nề…”.

Trong nhiệm kỳ của mình ở Đông Dương, Paul Doumer đã qua lại đèo Hải Vân rất nhiều lần. “Tôi đã nhìn thấy từ rất xa thành phố, vịnh Đà Nẵng…”. Sự hưng phấn của ông trong những dòng sau đây về Đà Nẵng thật đắt giá: “Dưới kia vịnh Đà Nẵng hiện ra. Không một cảnh quan thần tiên nào của Địa Trung Hải vừa có được cái đẹp và cái to tát này. Cứ thử lấy một nơi xinh nhất của Bờ Biển Xanh (Côte d’Azur) như vịnh Villefranche rồi nhân lên mười lần hay hai mươi lần các vị sẽ hình dung được Đà Nẵng. Thực vậy, chỉ duy cảnh này thôi cũng đáng cho những người nhàn rỗi đi du lịch từ Pháp sang Viễn Đông, nơi còn có nhiều cái khác đáng quan tâm và thưởng lãm. Và hiếm thấy ở đâu một không gian trắng mờ như thế…”.

Một trong các mục đích chính của Paul Doumer khi khảo sát rất kỹ con đường từ Huế vào Đà Nẵng là dự án vay 200 triệu quan Pháp để làm đường xe lửa ở Đông Dương qua đây. Được nghiên cứu năm 1899 và khởi công năm 1902, đoạn đường xe lửa nối Đà Nẵng với Huế khai trương 4 năm sau khi Paul Doumer đã hết nhiệm kỳ và về nước. Cả thảy có 9 đường hầm dài đến 3.275m và xe lửa lúc đó đi mất bốn giờ, nghĩa là nhanh gấp gần bốn lần phương tiện khác, nhanh nhất trên đoạn đường bộ này vào thời đó là kiệu có lắp hai bánh xe để kéo chạy ở những quãng ít dốc và bằng phẳng. Các mô tả hành trình với phương tiện “hiện đại” này chỉ mất 15 giờ để đi từ Đà Nẵng ra đến kinh đô Huế.

Thật ra, ngay từ khi sang Đông Dương, Paul Doumer đã đến Đà Nẵng bằng tàu thủy và sau đó cũng đi tàu thủy vào cửa Thuận An để yết kiến vua Đồng Khánh. Nhưng dù là đi theo đường nào, dưới mắt của vị tân toàn quyền Đông Dương cũng đã có những dự cảm khá chính xác về thành phố - cảng Đà Nẵng. Ông cho rằng, với ưu thế của vịnh Đà Nẵng, tất cả các hoạt động mang đến sự thịnh vượng từ Bắc vào Nam nhất định sẽ qua đây và nó còn tạo ra viễn cảnh từ Đà Nẵng sẽ mở ra cửa ngõ giao thương về phía Biển Đông với thế giới…

Đó có lẽ cũng là lý do sau này chính phủ bảo hộ đã xây dựng thêm nhánh đường từ Đông Hà đi Lao Bảo và đến tận Lào!

3. Hơn một thế kỷ sau, sau ba cuộc chiến tranh lần lượt với người Pháp, người Nhật và người Mỹ, hành trình đi từ Huế đến Đà Nẵng ngày nay bằng ô-tô chỉ còn chưa đầy hai tiếng đồng hồ xuyên qua các đường hầm bốn làn xe ở đèo Hải Vân, và sau đó là Phước Tượng và Phú Gia.

Bản đồ Hải Vân. Ảnh: ST

Bản đồ Hải Vân. Ảnh: ST

Trong khi hầm đường bộ Hải Vân được xây dựng bởi sự tài trợ về vốn lẫn kỹ thuật của người Nhật thuộc dự án đường xuyên Á theo hành lang kinh tế Đông - Tây từ năm 2005, thì các đèo còn lại do chính người Việt thực hiện. Hầm đường bộ Hải Vân với chiều dài hơn 6km, không kể các đường dẫn, được coi là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á. Nhưng quan trọng là nó mang tính khai mở cho một tuyến giao thông hiện đại xuyên Việt sau này!

Đường đèo Hải Vân dành cho tuyến xe lửa xuyên Việt được xây dựng từ đầu thế kỷ XX theo đề xuất của toàn quyền Paul Doumer đến nay, tuy vẫn là đường ray cũ, nhưng nó cũng đã được đưa vào dự án đường xe lửa cao tốc trong một tương lai gần.

Trong lúc đó, đèo đường bộ cũ dài gần 20km trở thành tuyến đường chuyên dụng cho phương tiện vận chuyển chất hóa lỏng, xe máy và là một điểm du lịch nổi tiếng chung cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, với các di tích trên đỉnh đèo như Hải Vân quan được xếp hạng là Di tích quốc gia đã được hai địa phương trùng tu, khai thác…

Nếu như trước 1970, “học trò trong Quảng” ra Huế học đại học, phải đi đèo Hải Vân một chiều. Xe đến đỉnh đèo phải dừng lại chờ cho xe phía đối diện lên, và ngược lại; thì đèo đường bộ Hải Vân sau này đã là đường đèo đẹp nhất trên quốc lộ 1A. Cứ xem phóng sự truyền hình về cuộc đua xe đạp xuyên Việt mừng thống nhất đất nước hằng năm, ai cũng trầm trồ thích thú!

Bây giờ, các bạn tôi, một bác sĩ và một giảng viên đại học quê ở Huế nhưng làm việc tại Đà Nẵng, vẫn tự lái ô-tô về thăm mẹ già ở Huế rồi trở vào làm việc ở Đà Nẵng cứ mỗi cuối tuần. Các anh kể, thỉnh thoảng hứng chí lại chạy xe theo đường đèo cũ để nhìn cảnh vật ngày xưa.

Anh bạn giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) vốn là một con mọt sách, rất thích hồi ký của Paul Doumer kể, một hôm anh dừng xe khá lâu trên đỉnh đèo, leo lên cái lô cốt cũ ở Hải Vân quan, nhìn về vịnh Đà Nẵng và thầm đọc lại đoạn văn của ngài toàn quyền viết cách đây hơn 120 năm. Nhưng anh nói, thích nhất khi qua đèo vẫn là câu thơ của Khương Hữu Dụng "Một tiếng chim kêu sáng cả rừng!" (Từ đêm 19)

Quả thật, trên hành trình Huế - Đà Nẵng, người ta không chỉ ôn lại một lịch sử bi tráng của một vùng đất, mà còn nhìn thấy ở đó những thi vị của các quang cảnh nên thơ và hùng vĩ… Con đường ấy có vai trò khai mở cho hành trình tiến về tương lai bằng sự phát triển và hợp tác khu vực!

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.