126 công dân hoàn thành cách ly tập trung tại Gia Lai: Ân tình đọng lại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong 2 ngày qua, 126 công dân (46 người ngoài tỉnh và 80 người trong tỉnh) hoàn thành cách ly tập trung tại Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã được về với gia đình. Trước giờ phút chia tay đầy xúc động, tất cả mọi người đều bày tỏ niềm cảm kích trước sự chăm sóc, giúp đỡ của những người lính trong suốt 14 ngày cách ly tại đây.



Cảm ơn các chú bộ đội!

Lúc chuẩn bị ra về, không hẹn mà gặp, nhiều người đồng thanh nói: “Chúng tôi về đây. Cảm ơn các chú bộ đội đã tận tình chăm sóc. Mọi người sẽ luôn nhớ các chú!”.

 Cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị bữa trưa cho mọi người tại khu cách ly. Ảnh: N.N
Cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị bữa trưa cho mọi người tại khu cách ly. Ảnh: N.N



14 ngày là khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ tạo nên sự gắn kết, sẻ chia giữa những con người không thân quen, vì tình huống bất đắc dĩ mà phải cùng chung một mái nhà và được cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chăm sóc tận tình, chu đáo. Chị Đặng Thị Hương (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) buôn bán bên Campuchia. Ngày 18-3, chị về nước qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thì được hướng dẫn và đưa đến cách ly tập trung tại đây. Ban đầu, chị cũng có phần lo lắng nhưng rồi được cán bộ, chiến sĩ tận tình chăm lo từng bữa ăn và quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên thường xuyên nên không còn vướng bận gì. Mọi người đều tự giác chấp hành các quy định trong thời gian cách ly. “Nhiều lúc thấy các chú bộ đội vất vả, chị em xung phong phụ giúp một tay. Thế nhưng, các chú bảo, mọi người chỉ cần an tâm ở đây, công việc đã được phân công cụ thể. Chúng tôi vô cùng cảm kích vì được đối đãi như người thân trong gia đình. Tôi sẽ không quên khoảng thời gian ở đây”-chị Hương nói.

Chị Nguyễn Thị Thùy (thôn 3, thị trấn Đak Đoa) là một trong 3 thai phụ cách ly tập trung tại đây. Chị tâm sự: “Do sắp đến kỳ sinh nên tôi lo lắng lắm. Tuy nhiên về đến đây thì rất yên tâm. Môi trường sạch sẽ, thoải mái; ăn uống, ngủ nghỉ không phải lo lắng gì nên sức khỏe rất tốt. Cảm ơn các chú bộ đội đã chăm sóc, giúp đỡ chúng tôi thời gian qua!”.

Với anh Nguyễn Ngọc Thông (tổ 5, phường Hội Thương, TP. Pleiku), 14 ngày cách ly tập trung tại Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh là những trải nghiệm khó quên. Anh Thông cho hay: Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang tập trung các nguồn lực để phòng-chống dịch. Trong đó, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 991 đã không quản ngại khó khăn, gian khổ tiếp đón, đưa chúng tôi về quản lý; đảm bảo nơi ăn, ở, sinh hoạt luôn sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát… “Phần lớn chúng tôi chưa từng được sống trong môi trường quân đội. Nhưng 14 ngày qua, chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở, được các chú bộ đội hết lòng chăm lo, chia sẻ ngọt bùi. Chúng tôi càng thấu hiểu và thấm thía hơn bao giờ hết vai trò, trách nhiệm của người lính Cụ Hồ”. Dù hoàn cảnh có khác nhưng tình cảm quân dân luôn gắn bó sâu nặng, không bao giờ nhạt phai. Những hành động của họ tuy rất nhỏ nhưng thật cao quý, đậm tính nhân văn và đáng được toàn xã hội trân trọng”-anh Thông xúc động nói.

Đoàn kết, đồng lòng chống dịch

Khi 126 công dân hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày được trở về nhà, cán bộ, chiến sĩ nơi đây lại tiếp tục đón nhận những công dân mới vào cách ly tập trung. Biết là sẽ vất vả nhưng mọi người đều đoàn kết, đồng lòng trong cuộc chiến chống dịch. Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Trung Khải chia sẻ: “Tôi được phân công phụ trách bếp ăn khu cách ly. 3 giờ sáng hàng ngày, đội chúng tôi gồm 10 người đều thức dậy để chuẩn bị bữa ăn cho các công dân đang cách ly và lực lượng thực thi nhiệm vụ tại đây. Đều đặn ngày 3 bữa, công việc vì thế không lúc nào ngơi nghỉ. Ngoài lo chuyện bếp núc, chúng tôi kiêm cả việc vệ sinh khu cách ly. Vất vả là vậy nhưng mọi người động viên nhau cố gắng vượt khó để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao”.

Cán bộ y tế thăm khám sức khỏe cho công dân tại Khu cách ly. Ảnh: Như Nguyện
Cán bộ y tế thăm khám sức khỏe cho công dân tại Khu cách ly. Ảnh: Như Nguyện



Với Trung úy Đỗ Cao Cường thì công việc tại khu cách ly chiếm nhiều thời gian và cán bộ, chiến sĩ phải thay phiên nhau trực 24/24 giờ. “Bất kể người dân cần hỗ trợ khi nào là chúng tôi lập tức có mặt. Về phía người dân, một số người lúc đầu còn chưa quen nhưng sau đó đã dần thích nghi và chấp hành tốt các quy định. Mọi người đều chia sẻ với nhau, đồng lòng vượt qua khó khăn. Có trường hợp dù gia đình có người mất nhưng vẫn nén nỗi đau riêng chung tay cùng cộng đồng chống dịch”-Trung úy Cường cho hay.

Đó là câu chuyện của ông L.Đ.S (SN 1955, trú tại tổ 4, phường Phù Đổng, TP. Pleiku). Đi làm ăn bên Campuchia, nhận được tin vợ ốm nặng nên ông S. sắp xếp để về. Tuy nhiên, về đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh ngày 23-3 thì ông được hướng dẫn phải cách ly tập trung để phòng-chống dịch Covid-19. “Tôi hiểu là một công dân thì phải chấp hành các quy định của Nhà nước, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay”.

Hôm 31-3, nhận được tin báo vợ qua đời, ông S. vô cùng đau đớn nên đã trình bày nguyện vọng xin được về nhà lo tang lễ cho vợ. Tuy vậy, khi được cán bộ động viên, giải thích, ông S. chấp nhận ở lại khu cách ly đúng thời gian quy định là 14 ngày rồi mới về. Ông xúc động nói: “Lúc đầu, tôi nôn nóng về nhà gặp mặt vợ lần cuối, chu toàn tình nghĩa vợ chồng. Tuy nhiên, khi nghe cán bộ giải thích, động viên, tôi nén lại nỗi niềm riêng vì sức khỏe cộng đồng. Không thể chỉ vì việc cá nhân của mình mà ảnh hưởng đến mọi người, đến công sức của cả địa phương đang nỗ lực ngày đêm chống dịch”.

NHƯ NGUYỆN



 

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.