Chuyện những người lính hóa học ở Quân đoàn 3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiểu đoàn Hóa học 21 thuộc Bộ Tham mưu (Quân đoàn 3) có nhiệm vụ bảo đảm hóa học cho Quân đoàn 3 và sẵn sàng cơ động khắc phục, xử lý các sự cố hóa chất độc hại, phóng xạ, ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên…
 
Chúng tôi đến Tiểu đoàn Hóa học 21 vào một ngày nắng nhẹ. Trong khuôn viên Tiểu đoàn, những hồ cá, vườn cây được cắt tỉa cẩn thận, xen vào đó những khóm hoa bung nụ, những hồ sen xanh ngắt. Đại úy Nguyễn Văn Dũng-Chính trị viên phó Tiểu đoàn dẫn chúng tôi ra thao trường, nơi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đang huấn luyện đề mục: thực hành trinh sát, tiêu tẩy khu vực có hóa chất, phóng xạ. Mặc dù trời khá râm mát nhưng chỉ sau một khoa mục huấn luyện trong bộ khí tài phòng da, mặt nạ phòng độc, quân phục của các chiến sĩ đều ướt sũng mồ hôi. Chỉ riêng việc nhìn chiến sĩ lái xe mặc bộ đồ phòng hóa, điều khiển chiếc xe đặc chủng và xử lý các tình huống đặt ra, chúng tôi đã cảm nhận được phần nào khó khăn, gian khổ của những người lính hóa học.

 

Thực hành xử lý các tình huống nhiễm xạ, nhiễm độc. Ảnh: T.T
Thực hành xử lý các tình huống nhiễm xạ, nhiễm độc. Ảnh: T.T

Đại úy Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: Nếu người bình thường mặc bộ đồ phòng hóa này sẽ không chịu đựng được lâu vì độ nặng của quần áo, mặt nạ và không có quá trình trao đổi nhiệt giữa cơ thể với môi trường bên ngoài, nhiệt độ bên trong tăng cao, không khí ít (chỉ thở qua ống). Cách rèn luyện thể lực của bộ đội ở đơn vị cũng vô cùng độc đáo như có những lúc giữa trưa nắng, chiến sĩ phải mặc trang phục đặc chủng miệt mài chạy bộ. Trong đó, nội dung “rèn luyện khí tài 3 km” là vất vả nhất bởi bộ đội phải mang bộ khí tài phòng hóa nặng gần 5 kg, cơ thể cách li hoàn toàn với môi trường bên ngoài và phải vác trên vai khẩu AK hành quân 3 km. Để cán bộ, chiến sĩ sử dụng tốt các trang-thiết bị có trong biên chế, đơn vị tăng cường công tác huấn luyện cả ngày và đêm, giúp các chiến sĩ thuần thục các động tác, cẩn trọng và tỉ mỉ khi thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống, điều kiện khí hậu khác nhau.

Là đơn vị đặc thù nên Tiểu đoàn Hóa học 21 được đầu tư những trang-thiết bị rất hiện đại như: máy trinh sát phóng xạ RAID-M100, GSA-12, SVG- 2, các loại xe chuyên dụng phòng trừ phóng xạ, chất độc… Những thiết bị này tự phát hiện khu vực, mức độ nhiễm xạ, nhiễm độc để từ đó người chỉ huy đưa ra các phương án xử lý cho phù hợp. Đây là những trang-thiết bị “khó tính”, nếu hư hỏng phải gửi đi nước ngoài hoặc gửi ra Hà Nội để sửa chữa. Chính vì thế, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả, công tác bảo dưỡng, quản lý luôn được đơn vị chú trọng. Đơn vị tập trung chế tạo, cải tiến mô hình mô phỏng; động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Gần đây nhất, tại Hội thi “Sửa chữa trang bị kỹ thuật hóa học toàn quân năm 2016”, đơn vị đạt giải nhất toàn đoàn. Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Đức, vừa đạt giải nhì phần thi cá nhân, cho biết: Tôi bốc thăm và được giao nhiệm vụ “sửa chữa máy đo phóng xạ”, một thiết bị đặc chủng, dùng để phát hiện nguồn phóng xạ. Nhờ ở đơn vị quản lý và sử dụng tốt cũng như tích cực nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành về hóa học nên tôi nhanh chóng phát hiện và sửa chữa phần hỏng hóc của thiết bị. Kết quả ấy góp phần cùng đội thi của đơn vị đạt giải nhất toàn đoàn.

Tiểu đoàn 21 có nhiệm vụ: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ hóa học cho Quân đoàn, phòng-chống khi địch sử dụng vũ khí hủy diệt lớn, xử lý khi có tình huống hóa học, độc xạ, xử lý môi trường và khắc phục các sự cố hóa chất độc hại xảy ra trên địa bàn được giao. Ngoài ra, đơn vị còn đảm nhận ngụy trang bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Quân đoàn, nghi binh đánh lừa địch bằng màn khói. Những năm qua, Tiểu đoàn 21 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền đạt thành tích cao trong các hội thi, hội thao do Binh chủng Hóa học tổ chức. Hàng năm, đơn vị luôn đạt danh hiệu huấn luyện giỏi. Bên cạnh đó, đơn vị còn làm tốt công tác dân vận. Cuối tháng 10 vừa qua, đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân xã Ia Broăi (huyện Ia Pa) làm hàng trăm mét đường giao thông nông thôn, sửa chữa giọt nước, sửa nhà cho dân. Đặc biệt, từ nguồn vốn tăng gia, đơn vị đã mua được hơn 5 ha đất sản xuất cà phê. Khi xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) cần đất để xây trường học, đơn vị đã hiến hơn 3.000 m2 đất cho địa phương.

Thiên Thanh

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.