Lỗ hổng trong giao khoán tại Công ty TNHH MTV Chè Biển Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do không nghiêm túc trong việc thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai về việc xây dựng đề án sắp xếp doanh nghiệp, phương án sử dụng đất để xác định giá trị doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng tiến độ quy định, ngày 21-3-2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 250/QĐ-UBND về việc tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ đối với ông Nguyễn Quốc Huynh.

Lùng bùng hợp đồng giao khoán

Thực hiện theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai đã rà soát và chỉ đạo 11 công ty lâm nghiệp và 3 công ty nông nghiệp, trong đó có Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ triển khai các thủ tục cần thiết để thực hiện cổ phần hóa và hoàn thành cơ bản vào ngày 31-12-2015.

 

  Người dân tự ý xây nhà trong diện tích đất giao khoán của Công ty. Ảnh: L.A
Người dân tự ý xây nhà trong diện tích đất giao khoán của Công ty. Ảnh: L.A

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do gặp phải những vấn đề vướng mắc trong việc giao khoán nên hết quý I-2016 Công ty này vẫn chưa thể thực hiện được việc cổ phần hóa. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Công ty được giao quản lý hơn 1.193 ha đất (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah), trong đó diện tích đất trồng chè và cà phê là 1.110 ha, còn lại là đất bờ lô và đất phi nông nghiệp. Do thời gian trước, Công ty không đủ vốn đầu tư sản xuất toàn bộ diện tích trên nên đã thực hiện giao khoán cho công nhân và người dân sinh sống trong khu vực, với nhiều hình thức giao khoán khác nhau (giao khoán Công ty góp vốn từ 20% đến 50%; liên kết hai bên cùng bỏ vốn 50/50…). Đặc biệt trong số đó, có 51,6 ha chè giao khoán cho 95 hộ (trồng từ năm 1991 đến 1998, có định mức giao khoán kèm theo) và 508,6 ha cà phê giao khoán cho 788 hộ (trồng từ năm 1995 đến 1998) theo hình thức hợp đồng khoán trắng, với 100% vốn đầu tư của các hộ. Thời gian thực hiện hợp đồng giao khoán cao nhất là đến năm 2051. Cũng chính vì vậy, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, Công ty đã vướng vào rắc rối vì khi rà soát lại mới phát hiện có quá nhiều hình thức, thời gian giao khoán khác nhau và nhiều trường hợp có hợp đồng nhận khoán nhưng đã tự ý bỏ hoặc giao lại đất cho người khác... Do chủ quan không lường trước được vướng mắc và trong quá trình thực hiện công việc, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa của Công ty không tham khảo ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, nên không biết phần diện tích đất nào giữ lại, phần nào trả về địa phương và phương án tính giá trị tài sản trên đất đối với số cây trồng trên diện tích hợp đồng khoán trắng do người dân bỏ vốn 100% phải tính ra sao khi thực hiện cổ phần hóa, dẫn tới việc chậm trễ thời gian tiến hành cổ phần hóa.

Cũng do không nghiêm túc trong việc thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xây dựng đề án sắp xếp doanh nghiệp, phương án sử dụng đất để xác định giá trị doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng tiến độ quy định, ngày 21-3-2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 250/QĐ-UBND về việc tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ đối với ông Nguyễn Quốc Huynh.

Lỗ hổng trong quản lý

Ngoài vấn đề chậm thực hiện cổ phần hóa theo đúng thời gian quy định, qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện thêm lỗ hổng trong công tác quản lý của Công ty được nhiều người dân tận dụng để thực hiện sai mục đích sử dụng đất đã quy định trong hợp đồng giao khoán. Theo đó, trong hợp đồng giao khoán, người dân chỉ được đầu tư trồng chè, cà phê mà không được chuyển đổi các loại cây trồng khác hoặc xây dựng nhà ở trên diện tích đất giao khoán.

Tuy nhiên, qua thực tế, trên diện tích đất được giao cho Công ty quản lý, có hơn 50 ngôi nhà được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, trong đó có những ngôi nhà xây kiểu nhà Thái với diện tích hàng trăm mét vuông. Ngoài ra, một số hộ dân đã tự ý chuyển đổi nhiều diện tích trước đây trồng chè, cà phê sang trồng hồ tiêu và các loại cây trồng khác nhưng Công ty không có biện pháp xử lý. Điều này sẽ đẩy công tác cổ phần hóa của Công ty vào những rắc rối mới, vì khó để tính giá trị tài sản trên đất và người dân cũng không dễ dàng từ bỏ hàng trăm triệu đồng mình đã bỏ ra để xây dựng nhà ở và đầu tư vào sản xuất.

Về vấn đề này, bà Lâm Thị Hòa-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ thừa nhận: “Vừa rồi, Công ty có đi khảo sát và cũng đã ghi nhận những thiếu sót trong công tác quản lý của mình vì để người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp xúc với những hộ dân này để tìm ra phương án giải quyết hợp tình, hợp lý và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để công tác cổ phần hóa được diễn ra thuận lợi…”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.