Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm qua, cán bộ, nhân viên các đơn vị thuộc Hải đoàn 129, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân) tại các âu tàu, làng chài ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) luôn là chỗ dựa vững chắc của ngư dân. Các âu tàu, làng chài nơi đây trở thành “ngôi nhà chung” ấm tình quân dân giữa biển khơi xa, giúp ngư dân vững tin vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhân viên Trung tâm Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn cấp nước ngọt cho ngư dân.
Nhân viên Trung tâm Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn cấp nước ngọt cho ngư dân.
Anh Nguyễn Văn Tuy, thuyền trưởng tàu PY 90181 TS, trú ở phường Phú Ðông, TP Tuy Hòa (Phú Yên) là một trong hàng trăm ngư dân được cán bộ, nhân viên Trung tâm Hậu cần - Kỹ thuật (HC-KT) đảo Sinh Tồn hướng dẫn vào neo đậu trú, tránh bão. Tàu được cán bộ, nhân viên của Trung tâm tạo mọi điều kiện giúp đỡ neo đậu an toàn, được cấp nước ngọt miễn phí, chăm sóc y tế. Ngư dân Nguyễn Văn Tuy xúc động nói: "Nếu không có Âu tàu đảo Sinh Tồn thì khi có giông bão, người dân không biết xoay xở ra sao. Vào đây tránh gió bão, chúng tôi thấy rất yên tâm. Chuyến đi biển lần sau có gì khó khăn, chúng tôi sẽ lại ghé âu tàu nhờ giúp đỡ".
Năm 2018, khi cơn bão số 9 đổ bộ vào Việt Nam với tốc độ di chuyển rất nhanh, diễn biến khó lường. Do làm tốt công tác chuẩn bị, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trên đảo cùng ngư dân để đối phó các tình huống. Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Bỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm HC-KT đảo Sinh Tồn cho biết: Nhận được sự chỉ đạo, chỉ huy từ các cấp, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã nhanh chóng bố trí vị trí neo đậu, hỗ trợ dây buộc tàu, bảo đảm an toàn cho 33 tàu cá với 542 ngư dân các tỉnh: Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh… vào tránh trú.
Trước đó, tàu QNg 90708 TS do ông Ngô Văn Sáu, trú ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, đang đánh bắt hải sản ở vùng biển huyện đảo Trường Sa thì bị hỏng máy phát điện. Tàu thả trôi tự do trên biển. Nhận được thông tin, Trung tâm đã hướng dẫn tàu QNg 90708 TS vào Âu tàu đảo Sinh Tồn để khắc phục, sửa chữa. Ðến 17 giờ cùng ngày, tàu đã khắc phục được sự cố. Vào âu tàu, cán bộ, nhân viên Trung tâm còn hướng dẫn, phát tờ rơi và tuyên truyền cho ngư dân về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Ðồng thời, cấp miễn phí một nghìn lít nước ngọt, cờ Tổ quốc và tủ thuốc y tế cho tàu nêu trên. Ngư dân Ngô Văn Sáu nói: "Cảm ơn bộ đội hải quân đã giúp đỡ chúng tôi trong lúc khó khăn nhất. Ðến Trung tâm HC-KT đảo Sinh Tồn, tôi yên tâm như về nhà mình vậy...! ".
Hiện tại, huyện đảo Trường Sa có ba Trung tâm HC-KT nghề cá và hai làng chài, gồm: Hai Trung tâm HC-KT ở đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn; làng chài Tốc Tan và làng chài Núi Le, do Hải đoàn 128 và 129, thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn quản lý, vận hành; Trung tâm Hậu cần dịch vụ nghề cá đảo Ðá Tây, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Dự kiến thời gian tới, Trung tâm HC-KT nghề cá đảo Trường Sa sẽ đi vào hoạt động, là chỗ dựa vững chắc cho hàng nghìn tàu cá của ngư dân khi đánh bắt hải sản xa bờ.
Ðến với các âu tàu, làng chài ở huyện đảo Trường Sa là đến với những ngôi nhà chung giữa biển. Trong đó, ngư dân được khám, chữa bệnh miễn phí; tàu được sửa chữa, được cấp nước ngọt miễn phí và cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm với giá như trong đất liền. Những năm qua, hàng trăm tàu cá vào sửa chữa, được cấp nước ngọt miễn phí. Riêng đối với Trung tâm HC-KT đảo Sinh Tồn và hai làng chài Tốc Tan, Núi Le, sau hai năm đi vào hoạt động, đã có hơn 500 tàu cá và gần bốn nghìn lượt ngư dân vào neo đậu, tránh, trú bão an toàn. Ðã sửa chữa miễn phí giúp hơn 30 tàu cá của các tỉnh; cấp hơn 200 m3 nước ngọt miễn phí cho ngư dân; cung ứng hơn 150 nghìn lít dầu với giá bằng ở đất liền. Các tàu của Hải đoàn 129 đã cứu nạn, lai dắt 20 tàu cá vào các đảo để sửa chữa.
Đi biển đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống - Trường Sa và thềm lục địa phía nam của Tổ quốc, ngư dân luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 129 tại các âu tàu, làng chài, trên những con tàu thực hiện nhiệm vụ giữa biển khơi. Nhiều năm qua, những người lính hải quân ấy vẫn thầm lặng hết mình với công việc, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
HOÀNG TRIỆU, CÔNG HOAN (nhandan)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.