"Một thời kháng chiến ở Gia Lai": Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyện xảy ra vào tháng 11-1960 ở làng Sung Ia O thuộc xã Ia Púch, huyện Chư Prông (nay làng thuộc xã Ia O). Làng Sung Ia O có cơ sở cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Trong những năm đầu của thời kỳ chống Mỹ, làng có phong trào cách mạng mạnh, nhất là phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng chống đi xâu, bắt lính, chống chiếm đất lập dinh điền và chống tố cộng. Sau Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1959, làng Sung Ia O có đảng viên, du kích mật, có cơ sở vững, tập hợp được nhân dân, tranh thủ được chủ làng và tầng lớp trên, trong đó có Tổ Phụ nữ do chị H'Ban làm Tổ trưởng.
Trước đó nửa tháng, các huyện phía Đông tỉnh tiến hành cuộc đồng khởi giành quyền làm chủ. Các huyện phía Tây đường 14, trong đó có huyện Chư Prông, vẫn dùng đấu tranh chính trị để chống địch. Ngày 14-11-1960, tại làng Sung Ia O xảy ra vụ chị em phụ nữ mưu trí dùng củi làm vũ khí tiêu diệt 1 tiểu đội địch, thu toàn bộ vũ khí. Sự việc xảy ra như sau:
Chiều hôm đó, một tiểu đội địch từ đồn Tân Lạc, trên đường 19 gần Sở Chè Bàu Cạn vào làng Sung Ia O lùng sục để truy tìm “Việt Cộng”. Trong lúc lùng sục khắp các nhà dân, chúng tìm thấy một chiếc võng bằng vải, loại võng cán bộ cách mạng thường dùng ở ngoài rừng. Chúng gán cho làng này nuôi “Việt Cộng” nên mới sắm võng loại này. Vì vậy, chúng bắt người chủ nhà để đưa về đồn, nhưng dân làng đấu tranh giữ lại không cho. Trời sắp tối, không dám ở lâu, buộc chúng phải thả người bị bắt và kéo nhau về đồn nhưng không quên mang theo chiếc võng. Trước khi rời khỏi làng, chúng hăm dọa: “Ngày mai bọn bay sẽ biết!”.
Chư Prông trở thành huyện dẫn đầu trong tỉnh về phong trào nhân dân du kích chiến tranh và vận dụng phương châm nói trên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (ảnh nguồn internet)
Chư Prông trở thành huyện dẫn đầu trong tỉnh về phong trào nhân dân du kích chiến tranh và vận dụng phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (ảnh nguồn internet)
Tối hôm đó, dân làng họp bàn kế hoạch đối phó, hướng chủ yếu là bằng phương pháp đấu tranh chính trị quyết liệt, gắn với công tác binh địch vận để chống khủng bố và bắt người, còn vũ lực thì chỉ dùng trong trường hợp bất khả kháng và còn tùy thuộc vào tình hình cụ thể. 9 giờ sáng hôm sau, không thấy địch đến, hầu hết đàn ông đều đi làm rẫy, còn lại trong làng chủ yếu là phụ nữ. Lúc này, địch kéo đến 1 tiểu đội, có đầy đủ vũ khí, riêng tên chỉ huy có cả tiểu liên và súng lục.
Khi lính đến làng, chị em phụ nữ niềm nở mời chúng vào uống rượu cần với ý định tranh thủ thuyết phục để làm dịu tình hình, nhất là khi trong số lính đó có người Jrai. Song bọn lính bất chấp lời mời của chị em mà ra lệnh cho dân làng tập trung hết đao gươm, giáo mác, cung nỏ và dồn nhân dân vào giữa làng. Bọn lính chia làm 3 tổ, súng cầm tay, đứng vòng ngoài. Chị em phụ nữ làng Sung Ia O lúc đó có khoảng 50 người và 4 người đàn ông. Khi đến nơi tập trung, chị em phụ nữ cũng hình thành 3 nhóm theo 3 tổ lính gác để theo dõi thái độ hành động của chúng. Chị em tất cả đều lấy mỗi người một thanh củi dưới gầm nhà sàn để ngồi.
Khi đã sắp xếp đâu vào đấy, tên chỉ huy đưa chiếc võng ra hỏi lớn:
- Võng này của ai?
Mọi người đều im lặng. Tên chỉ huy quát to:
- Chiếc võng này của ai? Nói mau!
Một trong 4 người đàn ông là anh Luh đứng lên nhận.
- Chiếc võng đó của tôi.
Tên chỉ huy hỏi tiếp:
- Mày sắm võng làm gì? Để ra rừng ở với Việt Cộng phải không?
- Không. Sắm võng để ngủ, tránh ngủ sạp rệp cắn.
- Láo!
Tên chỉ huy quát to và ra lệnh:
- Bắt trói thằng này đưa về đồn!
Bọn lính xáp vào bắt trói anh Luh định dẫn đi thì chị em phụ nữ níu lại không cho chúng bắt. Trong khi hai bên đang níu kéo, giằng co nhau, thì tên chỉ huy rút súng bắn anh Luh bị thương ở chân. Tiếng súng vừa dứt, chị H'Ban đứng dậy hô to: “Hãy giết hết chúng nó để trả thù”. Lập tức, tất cả chị em phụ nữ xáp vào ôm chặt từng tên lính địch, có người dựng mũi súng lên trời, có người ghìm mũi súng xuống đất, nên súng nổ mà không gây thương vong. Chị em khác lấy củi phang vào đầu những tên lính để tiêu diệt chúng. Kết quả đã giết chết 6 tên, trong đó có tên chỉ huy; bắt sống 1 tên, chỉ có 2 tên chạy thoát. Ta thu 8 khẩu súng, trong đó có 1 tiểu liên, 1 súng lục và nhiều lựu đạn.
Sau khi sự việc xảy ra, cán bộ trong làng đến xin ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy Chư Prông, đóng tại xã Ia Púch. Huyện ủy được tin vừa phấn khởi, vừa bất ngờ và lúng túng. Huyện ủy chỉ đạo: Trước mắt phải cấp tốc đưa nhân dân lánh ra rừng, cất giấu của cải để tránh địch đến tàn sát, bắt bớ và hủy hoại tài sản. Huyện ủy đã huy động nhân dân các làng xung quanh đến giúp làng Sung Ia O, chỉ trong 4 tiếng đồng hồ đã phân tán, cất giấu tài sản gồm: của cải, trâu bò, heo gà và lúa gạo trong kho. Tiếp đó, trẻ em và người già được gửi vào các gia đình bà con ở các làng khác, thanh niên và người khỏe mạnh lánh ra rừng để tổ chức bố phòng đánh địch. Số súng vừa thu được trang bị cho du kích mật và thanh niên ra phục kích các đường lớn vào làng để canh gác và đánh địch khi chúng kéo đến.
2 giờ chiều hôm đó, địch cho 1 đại đội từ Sở Chè Bàu Cạn chia làm 2 cánh kéo vào bao vây làng Sung Ia O. Khi còn cách làng 1 km, địch bị toán thanh niên của làng phục kích bắn chết 2 tên. Khi chúng vào đến làng, chỉ còn “vườn không nhà trống”. Tức tối, chúng đốt làng, bắn chết mấy con heo gà còn sót lại và khiêng 6 xác lính về đồn.
Việc phụ nữ làng Sung Ia O tay không nổi dậy diệt 1 tiểu đội địch có đầy đủ vũ khí là một sự kiện lịch sử, gây tiếng vang lớn trong vùng và làm cho địch khiếp sợ, không dám chủ quan lùng sục như trước. Đây được xem là bước đột phá sau khi học tập Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hòa vào khí thế của cuộc đồng khởi giành quyền làm chủ của nhân dân toàn tỉnh Gia Lai cuối năm 1960. Cũng chính cuộc đồng khởi đó đã làm giảm áp lực trong việc địch truy lùng để trả thù dân làng Sung Ia O.
Nhân cơ hội này, Huyện ủy cũng đã phát động phong trào bố phòng đánh địch trong toàn vùng theo phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công”. Chư Prông trở thành huyện dẫn đầu trong tỉnh về phong trào nhân dân du kích chiến tranh và vận dụng phương châm nói trên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện những thanh củi của phụ nữ làng Sung Ia O dùng để tiêu diệt địch và các khẩu súng thu trong trận đánh ấy đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 5 và Bảo tàng tỉnh Gia Lai.
Ngô Thành
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai
----------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.