Không khai sinh được cho con vì lỡ... lấy chồng ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mẹ Việt Nam, cha Việt Nam, sinh ra ở Việt Nam nhưng không có khai sinh, không có quốc tịch Việt Nam. Điều lạ lùng này đang xảy ra với nhiều đứa trẻ có mẹ từng lấy chồng nước ngoài nhưng chưa làm thủ tục ly hôn với người chồng cũ.

2 tuổi chưa được làm khai sinh

Chị Lê Thị Huyền (sinh năm 1994, ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) sinh con trai đầu lòng đã 17 tháng, hai vợ chồng dự định đặt tên cho con là Huỳnh Trần An. Nhưng khi con đã bập bẹ nói, sắp đến tuổi đi gửi trẻ, cái tên đó vẫn chỉ là dự định vì bé không được làm giấy khai sinh.

 
Bến đò vào cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Cần Thơ), nơi có hàng ngàn cô gái lấy chồng ngoại.
Bến đò vào cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Cần Thơ), nơi có hàng ngàn cô gái lấy chồng ngoại.

Xã, huyện, tỉnh đều từ chối và khẳng định không đủ cơ sở pháp lý, cho dù cha ruột và mẹ ruột bé đều là người có hộ khẩu ở Tân Lộc, bé cũng được sinh ra trên cù lao này.

Rắc rối quanh thân phận của một đứa trẻ 17 tháng tuổi ấy xuất phát từ người mẹ.

Gần 5 năm trước, qua mai mối, chị Huyền lấy một người chồng ở Hồ Bắc (Trung Quốc). Đó là một nơi mà Huyền chỉ nhớ khi rời sân bay còn phải đi xe lửa ba ngày ba đêm mới tới.

Không chịu nổi cuộc sống xa xôi, khác biệt ở xứ người, sáu tháng sau khi được chồng dẫn về Việt Nam gia hạn visa, chị Huyền kiên quyết ở lại, chấm dứt cuộc hôn nhân.

Nhưng sự dứt bỏ ấy chỉ đưa được Huyền về lại với gia đình, còn việc chị đã kết hôn người chồng Trung Quốc thì pháp luật cả hai nước vẫn đang công nhận do chưa làm thủ tục ly hôn.

Hệ lụy chỉ thật sự ập đến khi Huyền được một người đàn ông ở cù lao lấy làm vợ.

"Em cũng biết là mình chưa làm giấy ly hôn nên không kết hôn được, thương nhau thì về ở, nhưng đâu ngờ đẻ con ra cũng không làm giấy khai sinh được" - chị Huyền nói.

 

Chị Lê Thị Huyền và con trai Huỳnh Trần An chưa thể làm khai sinh cho con vì chưa ly hôn với người chồng cũ ở nước ngoài.
Chị Lê Thị Huyền và con trai Huỳnh Trần An chưa thể làm khai sinh cho con vì chưa ly hôn với người chồng cũ ở nước ngoài.

Ông Phạm Văn Sách, cán bộ hộ tịch P.Tân Lộc, cho rằng với tình trạng hôn nhân của Huyền, nếu muốn có khai sinh thì con chị phải khai cha... là người chồng cũ của chị ở Trung Quốc.

Chuyện tréo ngoe này đang vẽ ra một tương lai mù mờ cho bé An: không khai sinh, không hộ khẩu và dĩ nhiên không được hưởng bất cứ chính sách nào dành cho một đứa trẻ bình thường.

"Có mấy cô ở trạm y tế thương tình cho đi chích ngừa chứ bé không có khai sinh nên không có trong danh sách" - chị Huyền nói.

Câu chuyện của bé An không là cá biệt. Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Bích Vân cũng đang âu lo cho đứa con trai Nguyễn Tuấn Vĩ vừa sinh được gần 6 tháng, chưa được làm giấy khai sinh.

10 năm trước chị Vân lấy người chồng Hàn Quốc, hôn nhân tan vỡ ngay khi chị đang mang bầu đứa con đầu lòng. Chị trở về nước sinh con và cắt đứt liên lạc với người chồng Hàn Quốc khi chưa làm thủ tục ly hôn.

"Em đi làm công nhân trên thành phố, gửi cháu lại cho ngoại chăm, còn khai sinh thì tới đâu hay tới đó chứ giờ cũng không biết làm sao" - Vân buông xuôi.

Ngoài tầm với

Chỉ riêng ở cù lao Tân Lộc, từ năm 2016 đến nay đã có 30 đứa trẻ có cha mẹ là người địa phương, sinh ra tại địa phương nhưng bị từ chối cấp khai sinh khi mẹ từng lấy chồng nước ngoài nhưng chưa ly hôn.

Ông Phạm Văn Sách dự báo con số này sẽ ngày càng dài thêm vì rất nhiều phụ nữ ở Tân Lộc đã trở về sau những cuộc hôn nhân không thành với những người chồng Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan...

Theo ông Sách, muốn những đứa trẻ này có giấy khai sinh, người mẹ phải tìm cách làm thủ tục ly hôn với người chồng cũ bằng cách nhờ tòa án làm thủ tục ủy thác tư pháp. Nhưng đây là điều gần như bất khả thi khi chị Huyền và chị Vân lấy chồng chỉ qua mai mối, không còn nhớ được địa chỉ nhà chồng và khi về nước cũng không kịp mang theo các giấy tờ cần thiết.

 

Chị Nguyễn Thị Bích Vân và con trai Nguyễn Tuấn Vĩ chưa thể làm khai sinh cho con vì chưa ly hôn với người chồng cũ ở nước ngoài.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân và con trai Nguyễn Tuấn Vĩ chưa thể làm khai sinh cho con vì chưa ly hôn với người chồng cũ ở nước ngoài.

"Hoàn cảnh các phụ nữ này đa số đều khó khăn, nhiều người sau khi về lại quê, lấy thêm chồng, sinh con xong lại gửi con đi làm ăn xa. Điều này càng làm cho tương lai đứa trẻ thêm mù mờ vì chỉ có người mẹ mới có thể đứng ra giải quyết những rắc rối pháp lý liên quan đến người chồng cũ ở nước ngoài" - ông Sách nói.

Bà Phạm Thị Hương - trưởng Phòng tư pháp quận Thốt Nốt - cho biết không có mấy phụ nữ ở Thốt Nốt từng lấy chồng ngoại tự giải quyết được những rắc rối pháp lý của mình vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn và thiếu giấy tờ.

Cách thức cuối cùng, theo bà Hương, là cha của đứa trẻ phải ra tòa án làm thủ tục cha nhận con nhưng phải xét nghiệm ADN, tốn không ít tiền.

"Cha mẹ các bé đều nghèo và cũng không nhiều người ý thức được hết những rắc rối với cuộc đời các bé khi chưa có giấy khai sinh nên chưa ai làm thủ tục này" - bà Hương nói.

"Tiền lệ nhân văn"

Cũng theo bà Phạm Thị Hương - trưởng Phòng tư pháp Thốt Nốt (Cần Thơ), không thể không công nhận thực tế là có rất nhiều trẻ em có mẹ từng lấy chồng ngoại nhưng chưa ly hôn đã được sinh ra trên nhiều tỉnh, thành. Bởi đa số phụ nữ này khi hồi hương còn khá trẻ, phải kết hôn với người đàn ông Việt Nam khác để làm lại cuộc đời.

Bà Hương cho biết trước đây Bộ Tư pháp cũng từng cho các tỉnh biên giới phía Nam cấp giấy khai sinh cho trẻ em gốc Việt từ Campuchia trở về, dù cha mẹ các em không cung cấp được các giấy tờ để làm giấy khai sinh theo luật.

Bà Hương nói "đây là tiền lệ nhân văn cần nghiên cứu áp dụng để người mẹ làm lại cuộc đời và những đứa con họ sinh ra sẽ được bình đẳng như các trẻ em khác".

Viễn Sự-Sơn Lâm/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.