Câu hỏi cũ ở khu tái định cư Xóm Mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở trên đất rừng, bao bọc xung quanh là tít tắp những khu rừng trồng, nhưng hàng chục hộ dân ở khu tái định cư Xóm Mới (xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) lại không một tấc đất sản xuất.

Sống không xa những con suối mùa nào cũng ăm ắp nước, nhưng cũng ở khu tái định cư này, hơn 200 con người lại lâm vào cảnh… thiếu nước. Những đôi vợ chồng trẻ, sức lực phơi phới nhưng hầu hết là hộ nghèo, làm thuê quanh năm suốt tháng. Họ đau đáu với lời hứa của chính quyền, rằng vào vùng đất mới định cư sẽ có đất sản xuất để ổn định cuộc sống, nhưng năm này nối năm khác trôi qua, lời hứa vẫn chỉ là lời hứa mà thôi.

 

Không đất sản xuất, dân ở khu tái định cư còn phải dè sẻn từng giọt nước vì giếng được đào nhưng nay phần lớn không có nước.
Không đất sản xuất, dân ở khu tái định cư còn phải dè sẻn từng giọt nước vì giếng được đào nhưng nay phần lớn không có nước.

Viễn cảnh ở vùng đất mới

Cơn bão số 10 vừa tan, thì nắng ở vùng đất phía tây huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) trở nên khô khét. Đứng ở khu tái định cư Xóm Mới tầm giữa trưa, ngỡ như ở vùng đất khô cằn nào đó vào mùa nắng hạn khốc liệt.

Anh Nguyễn Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà - mới dừng xe môtô, bước trên đoạn đường bêtông của khu tái định cư đoạn ngắn, đã vội khua tay, kéo mọi người vào dưới bóng cây lùn tịt bên đường. Nhìn qua, khu tái định cư nhà san sát nhau, nhưng chẳng có bóng người đi lại, đẩy cửa đến ngôi nhà thứ 3, mới gặp được chị Mai Thị Cúc. Mới 26 tuổi, nhưng trông chị Cúc già hơn chị đồng nghiệp 32 tuổi đi cùng tôi.

“Chồng đi làm gì mà chưa về?” - tôi hỏi. “Chồng đi bóc vỏ tràm thuê” - chị Cúc nói với vẻ mặt hờn dỗi. Đặt tay xuống cái bụng bầu, chị Cúc bảo, chẳng mấy ngày nữa sẽ “lót ổ”, nhưng đứa con trong bụng chưa chào đời của chị rồi cũng sẽ khổ, như hai anh chị của nó. “Vì cán bộ hứa miết, làm bà con cứ khổ mãi” - hướng ánh mắt nhìn về phía anh Thao, chị Cúc trách cứ.

Trước kia, chị Cúc cùng chồng là anh Lê Văn Thanh trú tại thôn Bãi Hà. Theo lời kêu gọi của chính quyền, gia đình chị dắt díu nhau vào khu tái định cư Xóm Mới, với lời hứa sẽ được cấp 2ha đất để sản xuất. Ngày mới vào khu tái định cư, gia đình chị được hỗ trợ 15 triệu đồng, trong đó 12 triệu đồng để dựng nhà, 3 triệu là lương thực để ăn 6 tháng.

“Cứ nghĩ rồi cuộc sống sẽ ít đi nhọc nhằn, ai ngờ nhằn không ra luôn. Vì ngoài số tiền dựng nhà và miếng đất tí teo đi ra đi vô này, lời hứa 2ha đất sản xuất có mô ra” - chị Cúc chì chiết. Ăn hết 6 tháng trợ cấp, vợ chồng bắt đầu đi bóc vỏ tràm thuê, ngày nhiều mỗi người được 150.000 đồng, ngày ít thì 50.000 đồng.

“Đó là may mắn vì có người thuê, còn ngày mưa, như mấy ngày bão vừa rồi thì nằm trong nhà cắn móng tay nhìn nhau. Biết đến lúc sinh tiếp đứa thứ ba này, lấy cái chi bỏ miệng mà sống đây” - chị Cúc than vãn, rồi đưa tay xoa cái bụng bầu, mồ hôi nhễ nhại chảy thành hàng dưới cái nắng oi bức.

Quá trưa, những phụ nữ ở khu tái định cư mới bắt đầu trở về nhà, họ hấp tấp chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Cũng như chị Cúc, gia đình chị Hồ Thị Gái (23 tuổi) “Chồng đi đập vỏ tràm đến tối mới về, em đi cạo mủ caosu từ nửa đêm, giờ về tranh thủ nấu nướng chút” - chị Gái trần tình.

Đang vo lon gạo thì bể không còn giọt nước, bật máy hút nước dăm phút rồi mà cũng không có giọt nào chảy vào, nên chị phải cầm bon, xuống con suối cạnh đó. “Cả chục cái giếng nước do cán bộ làm ở khu tái định cư này, chẳng còn mấy cái có nước, nên toàn phải xuống suối” - chị Gái
nhăn mặt.

Chị Gái kêu ca thiếu nước chưa dứt, thì chị Hồ Thị Tươi than phiền về đoạn đường bêtông mới trải qua mấy cơn mưa, đã bị ngoạm thành hàm ếch. Rồi mấy trăm mét đất cấp cho dân dựng nhà vẫn chưa làm được sổ đỏ. “Khu tái định cư này như cái chuồng, nhốt tương lai của cả mấy chục gia đình vô đây với nghiệp làm thuê” - chị Tươi chua chát.

“Vẽ” tương lai của dân trên giấy?

Chúng tôi đi hết mấy chục nóc nhà ở Xóm Mới, hỏi ai cũng được trả lời làm một nghề, đi làm thuê. Ngoài nghề đập vỏ cây tràm và cạo mủ caosu ra, chẳng ai kiếm nổi công việc tháng được hưởng lương đủ 30 ngày, đã vậy, công sức đổ ra cũng chỉ thu được cao lắm mỗi ngày 150.000 đồng.

Tôi hỏi anh Nguyễn Văn Thao rằng, bao giờ dân có đất, bao giờ dân thoát khỏi cảnh đi làm thuê? Anh Thao bảo, dân hỏi câu này mấy năm nay, tiếp xúc cử tri có cả lãnh đạo tỉnh, đợt rồi Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cũng hỏi câu này tại kỳ họp HĐND tỉnh, nhưng chưa có câu trả lời.

“60 hộ dân ở đây với khoảng hơn 200 nhân khẩu, phần lớn là các cặp vợ chồng trẻ mới tách hộ. Mục đích đưa họ vào khu tái định cư, là mong họ có điều kiện để ổn định cuộc sống. Nhưng thực tế, mỗi gia đình mới chỉ được hỗ trợ 15 triệu đồng và cơ sở hạ tầng cơ bản, còn cái quan trọng nhất là đất sản xuất vẫn chưa được cấp. Xã cũng đã kiến nghị nhiều, mong muốn sao cấp trên giải quyết đất sản xuất cho dân. Chứ cái này không thuộc thẩm quyền của xã” - anh Thao cho hay.

Ông Trần Văn Quảng - Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị (được điều chuyển công tác đến UBND huyện Gio Linh từ ngày 1-11) - cho biết, khu tái định cư Xóm Mới thuộc dự án định canh định cư tập trung vùng Khe Trổ (xã Vĩnh Hà) do Ban Dân tộc làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức vốn đầu tư gần 11 tỉ đồng, năm 2015-2016, người dân bắt đầu vào khu tái định cư để sinh sống.

Theo dự án này, khi vào khu tái định cư, người dân sẽ được bố trí mỗi hộ 2ha đất để sản xuất, nhưng theo ông Quảng, đến nay vẫn chưa có đất cho dân, vì nhiều lý do.

Theo đó, dự án được phê duyệt từ 2008, đến năm 2013 mới thực hiện. “Khi phê duyệt vị trí khác, đến lúc thực hiện vị trí khác, lúc đó, xã cam kết sẽ có đất sản xuất cho dân. Nhưng khi xây dựng xong khu tái định cư thì diện tích đất xung quanh đã được trồng rừng, cấp sổ đỏ cho lâm trường hoặc cá nhân, nên không còn đất để cấp cho mỗi hộ 2ha nữa” - ông Quảng giải thích.

Vậy việc người dân không có đất lỗi là do xã Vĩnh Hà? - chúng tôi đặt câu hỏi. Ông Quảng trả lời rằng: “Khi làm dự án, căn cứ vào nhu cầu của địa phương, việc lựa chọn địa điểm và đất là của địa phương. Trên cơ sở nhu cầu đó, Ban Dân tộc sẽ về kiểm tra, tham mưu cho tỉnh, chứ chủ đầu tư không áp đặt. Nhưng nói vậy không phải là để đổ lỗi ai đúng, ai sai, mà bây giờ phải phối hợp giải quyết” (?).

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Quảng, UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chỉ đạo. Như năm 2014, Chủ tịch tỉnh lúc đó là ông Nguyễn Đức Cường đã đề nghị Cty TNHH MTV Lâm trường Bến Hải sớm khai thác rừng, bàn giao đất cho UBND xã Vĩnh Hà để bố trí đất sản xuất cho dân vào điểm tái định cư. Vừa rồi, Ban Dân tộc cũng phối hợp với UBND huyện Vĩnh Linh kiểm tra, giao Phòng TNMT huyện xác định lại ranh giới, địa giới hành chính giữa xã và Cty nói trên để có phương án thu hồi đất (150ha).

Thế nhưng, tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, một dự án lớn tác động đến cuộc sống của nhiều con người, nhưng lại được thực hiện một cách... trớt quớt. Đơn cử như việc chỉ đạo thu hồi đất để giao cho dân của ông Nguyễn Đức Cường mà ông Quảng nói ở trên, chỉ là 3 dòng chữ ở thông báo “Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Cường về kiểm tra các dự án định canh định cư trên địa bàn tỉnh”.

Nghĩa là, ngoài ba dòng chữ đề cập đến việc thu hồi, thì đi kèm với đó không có thu hồi ở vị trí nào, thu hồi bao nhiêu. Vì vậy, từ năm 2014 đến nay, các cơ quan liên quan vẫn giậm chân tại chỗ, và người dân vẫn rơi vào cảnh đi làm thuê cuốc mướn.

Theo ông Hoàng Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Lâm nghiệp Bến Hải - phần đất giáp với khu tái định cư Xóm Mới của Cty hiện đang trồng rừng FSC và đã được cấp sổ đỏ năm 2008. “Nói như chính quyền, nếu thu hồi đất cấp cho dân sản xuất thì chúng tôi sẽ chấp hành. Nhưng phải có quyết định thu hồi ở đâu, thu hồi bao nhiêu, và đền bù những cây trồng ở trên đất đã được cấp sổ đỏ đó, thì chúng tôi thực hiện ngay” - ông Thành nói.

Thôn Xóm Mới ban đầu có 50 hộ dân được chuyển từ các thôn bản của xã Vĩnh Hà, di dời theo dự án định canh định cư tập trung. Đến nay, đã có 60 hộ với 219 người sống tại đây, trong đó 48 hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo. Trong mỗi cuộc họp thôn, họp xã, tiếp xúc cử tri, câu hỏi lặp đi lặp lại của người dân là khi nào mới có đất sản xuất, và hiện nay vẫn chưa có câu trả lời.

Lâm Hưng Thơ/laodong

Có thể bạn quan tâm

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.