Mùa sứa biển xuất ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước đây những con sứa biển luôn khiến ngư dân tránh xa vì lo rách lưới nay bỗng chốc hóa thành “vàng trắng”, được chế biến đóng gói xuất khẩu. Vì săn sứa, hàng ngàn ngư dân Diễn Châu (Nghệ An) đã sắm thuyền mảng và ngư cụ để vươn khơi đánh bắt.

 

Niềm vui được mùa sứa của ngư dân Diễn Hải
Niềm vui được mùa sứa của ngư dân Diễn Hải


Ngàn thuyền giăng lưới trong đêm

Anh Phạm Xuân Nghĩa, ngư dân chuyên đánh bắt sứa (trú ở xóm Xuân Châu xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu) cho biết: Mùa khai thác sứa bắt đầu từ tháng Giêng cho đến hết tháng tư âm lịch. Khoảng thời gian này là mùa sứa sinh sản và kết thành từng mảng lớn trôi thành luồng trên biển nên thích hợp để ngư dân khai thác.

Theo anh Nghĩa, mỗi đêm có hàng ngàn con thuyền của ngư dân Diễn Châu và các tỉnh bạn như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình giăng lưới vớt sứa ở ngoài khơi. Riêng xã Diễn Kim đã có trên 200 con thuyền lớn nhỏ. “Đêm nào cũng vậy, trên các bờ biển rất nhộn nhịp bởi hàng ngàn con thuyền gọi nhau vươn khơi như chuẩn bị vào chiến dịch. Vui  lắm!”, anh Nghĩa nói. Cũng theo anh, giờ “vàng” của đánh bắt sứa là khoảng nửa đêm trở về sáng. Đây là thời điểm sứa nổi trên mặt nước và trôi theo dòng. Khi đó, ngư dân chỉ việc định hướng di chuyển của sứa để thả lưới đón đầu và vớt lên thuyền. Nếu thuận lợi thì thời gian đánh bắt khoảng 7-8 tiếng đồng hồ, các bè mảng sẽ đầy ắp sứa. Bình quân mỗi ngày, một bè mảng đánh bắt được từ 500kg đến hơn 1 tấn sứa. Với giá sứa hiện nay (14.000-15.000 đồng/yến thì bình quân một bè mảng có thể thu về từ 300.000 đến hơn 1 triệu đồng/ngày. “Có ngày vợ chồng tôi bắt được hơn tấn, nhập cho cơ sở chế biến sứa xuất khẩu tại bờ được gần 1 triệu đồng. Nhờ sứa mà từ đầu mùa tới nay, gia đình tôi thu được hơn 30 triệu đồng”, anh Nghĩa cho biết.

Nhiều ngư dân cũng cho biết, khai thác sứa là một nghề hái ra tiền nhưng cũng là một nghề vất vả và nguy hiểm. Hàng ngàn con thuyền đánh bắt trong đêm, nên lúc thả lưới rất dễ chồng lên nhau. Mỗi lưới dài hơn 2 km khi thu về, thả lại rất vất vả. Chưa kể sứa tiết ra chất độc gây ngứa ngáy, nổi mề đay cũng rất khó chịu. Nếu lỡ sảy chân ngã vào luồng sứa thì rất nguy hiểm vì sứa phản xạ tiết độc gây ngứa. Tuy vậy, để khai thác sứa dính lưới, ngư dân phải vớt bằng tay và mỗi ngày họ phải ngâm đôi tay của mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ. Thân sứa trơn lại nặng vì mang theo cả nước biển (trung bình mỗi con sứa khoảng 15 - 20kg, có con to lên đến 1 tạ) nên kéo được nó lên thuyền cũng rất vất vả. Nếu ai không đủ sức khỏe hoặc da nhạy cảm, dễ dị ứng thì không thể theo nghề đánh bắt sứa được.

Ông Nguyễn Bảy, một ngư dân ở xã Diễn Hải thở dài: “Nghề sứa cũng rất bấp bênh vì khai thác sứa còn phụ thuộc vào thời tiết. Năm ngoái sự cố Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung mặc dù biển Diễn Châu không bị ảnh hưởng nhưng ngư dân nơi này cũng lao đao vì sức mua sụt giảm. Chưa kể, chúng tôi còn phải phụ thuộc vào các cơ sở chế biến. Nếu họ thu mua ít hoặc không thu mua thì đành phải gác thuyền!”.

Nguồn “vàng trắng” là lộc của biển nhưng cũng không phải là vô tận. Theo nhiều ngư dân thì nguồn sứa hiện nay đánh bắt nhiều nên không còn dồi dào như trước và phải ra khơi xa mới đánh bắt được. “Trước đây sứa nhiều lắm, hai cha con tôi có ngày bắt được vài 3-4 tấn nhưng nay sứa đã hiếm rồi bởi người đánh bắt nhiều quá. Hiện, mỗi ngày đêm tôi cũng chỉ đánh bắt được khoảng trên dưới 5 tạ”, ông Bảy cho biết.

Đổi đời cho hàng ngàn người

Hiện nay, huyện Diễn Châu có 7 cơ sở chế biến sứa. Những cơ sở này bao tiêu sản phẩm cho bà con ngư dân, trong đó có 3 cơ sở chế biến sứa có công suất hoạt động 300 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Văn Khánh, chủ cơ sở chế biến sứa Khánh Vinh đóng tại xã Diễn Kim, cho biết: Sau khi sơ chế phân loại, sứa được đưa vào máy quay ly tâm cho hết nhớt và làm sứa cứng lại, thải hết tạp chất. Sau đó, được đưa ra dây chuyền làm sạch. Không chỉ chế biến ở dạng thô mà cơ sở chúng tôi còn sản xuất sứa ăn liền với nhiều loại khác nhau được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Sứa đã qua chế biến có giá cao gấp nhiều lần so với sứa thô, dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Từ đầu mùa tới nay, chúng tôi đã xuất bán được hơn 1.000 tấn sứa. Nhờ đó đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động.

Nhờ dám đầu tư, những ông chủ lớn như ông Khánh không còn hiếm ở Diễn Châu. Những cơ sở này đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Theo báo cáo của địa phương, mỗi năm các cơ sở chế biến sứa của Diễn Châu xuất ra thị trường hơn 6.000 - 7.000 tấn sứa các loại, mang về nguồn thu hơn 100 tỷ đồng. Sản phẩm sứa đã qua chế biến của Diễn Châu chủ yếu được xuất khẩu ra thị trường ngoài nước như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc...

Nghề chế biến, xuất khẩu sứa thu lãi lớn nhưng theo các chủ cơ sở chế biến thì cũng rất bấp bênh vì việc chế biến còn phụ thuộc nhiều vào nguồn sứa đánh bắt của ngư dân. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Nếu đối tác ngừng thu mua hoặc thu mua ít sẽ kéo theo sứa rớt giá, tồn kho và hệ lụy kéo theo là hàng ngàn lao động khai thác, chế biến sứa cũng sẽ lao đao theo. Nhưng nỗi lo lớn nhất của những cơ sở chế biến nơi này là nguồn sứa sụt giảm nhiều so với những năm trước và buộc phải thu mua sứa của ngư dân các tỉnh bạn, như Hà Tĩnh, Thanh Hóa để đủ nguyên liệu chế biến xuất ra thị trường.

Nghề khai thác, chế biến sứa đã xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho hàng ngàn hộ gia đình vùng duyên hải Diễn Châu. Tuy nhiên, việc khai thác hàng loạt và tự phát như hiện nay đang làm dấy nên lo ngại ô nhiễm môi trường tràn lan. Trao đổi về việc này, ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu, cho biết: Các cơ sở chế biến sứa trên địa bàn đều ở xa khu dân cư. Trong quá trình cấp phép hoạt động, huyện đã yêu cầu các chủ xưởng cam kết chặt chẽ, tất cả các xưởng đều phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, đảm bảo khi ra môi trường phải an toàn. Hiện nay máy móc, dây chuyền sản xuất ở các cơ sở chế biến này đều áp dụng các công nghệ hiện đại, các quy trình chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa bảo vệ môi trường, vừa đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.