Bay cùng chuyên cơ Fidel Castro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Tháng 9-1973, tôi đang đi dự Hội nghị không liên kết ở Algeria thì nhận được cuộc điện thoại bất ngờ gọi chuẩn bị về nước, tiếp Thủ tướng Fidel Castro sang thăm Hà Nội. Lúc ấy, tôi là đại sứ ở Cuba nên không thể vắng mặt trong đoàn tiếp đón”.


Hồi tưởng kỷ niệm khó quên này, cựu đại sứ Võ Anh Tuấn kể mình được tin mà vừa xúc động vừa lo. Hoàn cảnh thời chiến tìm được chuyến bay nhanh về nước không dễ dàng.

Đường thuận tiện nhất lúc ấy là chọn Hãng Aeroflot của Liên Xô, nhưng phải quá cảnh ở Matxcơva mất cả tuần lễ, trong khi chỉ còn đúng bốn ngày nữa là đến ngày Thủ tướng Cuba có mặt ở Hà Nội...

 

Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn trong một lần gặp lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh chụp lại hình tư liệu của cựu đại sứ Võ Anh Tuấn.
Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn trong một lần gặp lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh chụp lại hình tư liệu của cựu đại sứ Võ Anh Tuấn.

Chuyến bay đặc biệt

Trong thế bí, ông Tuấn lóe suy nghĩ tìm sự giúp đỡ từ chính nước bạn, vì được biết hành trình của Thủ tướng Fidel Castro cũng ghé ngang Algeria để tham dự Hội nghị phong trào không liên kết và từ đó bay luôn sang Hà Nội.

Ông Tuấn tìm gặp Vụ trưởng lễ tân Cuba để xin đi nhờ, nhưng chưa dám tin sẽ được chấp thuận dễ dàng. Bởi hành trình bay này bí mật và được bảo đảm an ninh đặc biệt trong hoàn cảnh Thủ tướng Fidel Castro liên tục bị ám sát.

Không ngờ Vụ trưởng lễ tân Bộ Ngoại giao Cuba đồng ý ngay với đề nghị giúp đỡ của người bạn Việt Nam. Đặc biệt, ông Tuấn còn được sắp xếp để được ngồi chung máy bay với Fidel Castro.

Chuyến bay lịch sử này được tổ chức trên hai chiếc IL - 18 do Liên Xô sản xuất, loại máy bay hiện đại của khối xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.

Từ Algeria, họ bay sang nghỉ đêm ở thủ đô Iraq, rồi tiếp tục hành trình sang Ấn Độ. Trên chuyến bay ông Fidel Castro trực tiếp gặp gỡ ông Võ Anh Tuấn để hỏi han tình hình chiến đấu ở miền Nam VN.

Ngay từ lần ấy, ông Tuấn đã cảm nhận được trí nhớ và tài hùng biện tuyệt vời của vị lãnh tụ Cuba. Ông chỉ chăm chú lắng nghe và ghi nhớ mà không cần sự ghi chép nào của thư ký.

Trong lúc trò chuyện vui vẻ, đôi mắt mạnh mẽ và ấm áp của Fidel Castro luôn nhìn thẳng, tạo được sự tin cậy và thân thiện nơi người 
đối thoại.

Bất ngờ, một sự kiện đặc biệt đã xảy ra làm có thể thay đổi hành trình. Trong lúc nghỉ quá cảnh ở Ấn Độ, ông Fidel Castro nhận tin nước láng giềng Chile đang xảy ra vụ đảo chính của tướng Augusto Pinochet.

Cánh quân sự này được sự hậu thuẫn của CIA đã lật đổ tổng thống thân cộng sản Allende. Chính biến có thể ảnh hưởng đến các nước láng giềng, trong đó có Cuba...

Ông Tuấn nhớ Thủ tướng Fidel Castro đã suy nghĩ rất nhiều về việc tiếp tục cuộc viếng thăm hay quay lại Cuba để giữ vững tình hình chính trị.

Nhưng cuối cùng ông vẫn quyết định bay tiếp hành trình đã định vì tin sự ổn định của đất nước mình. Đoàn đến Hà Nội và được đón tiếp với các nghi lễ ngoại giao cấp cao trang trọng nhất.

 

Kịch bản bí mật

Sáng 15-9-1973, theo kế hoạch được công bố chính thức, đoàn Thủ tướng Fidel Castro đi thăm TP Hải Phòng. Mọi việc được tổ chức rất chu đáo với an ninh bảo vệ, băngrôn chào mừng trải dài từ thủ đô xuống thành phố biển.

Tuy nhiên, trong lúc không ai ngờ nhất thì đoàn xe ngoại giao thay vì ra đường 5 xuống Hải Phòng lại bất ngờ rẽ ngang vào sân bay Gia Lâm. Lúc này mọi người mới hiểu một kịch bản đã được chuẩn bị để bảo đảm bí mật cho Fidel Castro.

Lãnh đạo Cuba và đại sứ Raun Vivo, chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với VN Melba Hernandez cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên máy bay AN 24 vào sân bay dã chiến Đồng Hới.

Đề phòng những khả năng xấu có thể xảy ra, lực lượng phòng không không quân miền Bắc sẵn sàng bảo vệ chuyến bay...

Về sau, chuyến đi lịch sử này được nhiều sách báo viết lại tỉ mỉ, nhưng đọng lại sâu sắc nhất trong ông Võ Anh Tuấn là lời chào tạm biệt chân tình của Chủ tịch Fidel Castro: “Chúng tôi đến đất nước anh hùng này với lòng khâm phục lớn lao. Chúng tôi rời khỏi chốn này với lòng khâm phục còn lớn lao hơn nữa”.

Tòa đại sứ “Việt cộng” ở La Habana

Nhiều năm nhắc nhớ lại một thời khó quên, cựu đại sứ Võ Anh Tuấn kể ông từng trải công việc ngoại giao ở nhiều quốc gia, kể cả làm đại sứ ở Liên Hiệp Quốc, nhưng tháng ngày ở Cuba vẫn để lại cho ông nhiều kỷ niệm sâu đậm nhất.

“Quốc đảo kiên cường này là nước Mỹ Latin đầu tiên và cũng là một trong những nước sớm nhất trên thế giới công nhận chính thức Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cơ quan đại diện thường trú của Mặt trận tại La Habana được hưởng đầy đủ quy chế ngoại giao. Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập, cơ quan này nhanh chóng được chuyển thành đại sứ quán miền Nam Việt Nam.

Thời kỳ ấy, Cuba là nước duy nhất ở Tây Bán cầu có hai đại sứ quán miền Bắc và miền Nam Việt Nam” - ông Võ Anh Tuấn nhớ mãi.

Thời chiến khốc liệt, thông cảm hoàn cảnh khó khăn của nước bạn, Thủ tướng Fidel Castro bao cấp toàn phần cho tòa đại sứ “Việt cộng” đặc biệt này.

Tất cả từ nhà cửa, xe cộ, trang thiết bị làm việc, ăn ở, chi phí ngoại giao, kể cả lương bổng, phụ cấp của cán bộ, nhân viên sứ quán đều được Cuba bảo đảm chu đáo.

Ban đầu tòa đại sứ này còn đặt tạm tại một biệt thự ở khu phố lao động Kohly, nhưng sau được Chính phủ Cuba cấp thêm một biệt thự sân vườn rất lớn tại Quinta Avenida, đại lộ số 5 dài nhất và đẹp nhất thủ đô La Habana.

Tòa đại sứ của cách mạng miền Nam Việt Nam bề thế và trang trọng không thua kém bất cứ sứ quán nào ở Cuba.

Thời kỳ làm đại sứ ở Cuba, ông Tuấn không thể nào quên được sự kiện lịch sử ngày 30-4-1975. Trước đó một ngày, ông có công việc ngoại giao ở Lima, thủ đô Peru, nên đành phải ngóng tin vui từ xa.

Gần nửa đêm 29-4-1975, tức gần giữa trưa ngày 30 theo giờ Việt Nam, bất ngờ chuông điện thoại reo dồn dập.

Đầu dây bên kia là cán bộ Bộ Ngoại giao Cuba vừa thở hổn hển vừa cười nói: “Sài Gòn đã giải phóng rồi! Các đồng chí nghe tin chưa? Tôi phải báo cáo với Fidel ngay bây giờ. Thôi nhé, hẹn gặp nhau”.

Sau đó một cán bộ sứ quán Cuba tại Peru tìm đến khách sạn gặp ông và mời về tòa đại sứ của mình để dự lễ mừng chiến thắng lịch sử.

“Tôi xúc động đến ứa nước mắt. Các bạn Cuba siết chặt lấy tôi, cùng mừng vui như thể chiến thắng của cách mạng Việt Nam cũng là chiến thắng của chính mình” - ông Tuấn kể và cho biết thêm sứ quán bạn còn chu đáo thảo sẵn công điện gửi Thủ tướng Fidel Castro, xin cấp nhanh một chuyên cơ đưa đại sứ Tuấn kịp về dự lễ mừng chiến thắng ở thủ đô La Habana.

Biết nước bạn cũng đang rất khó khăn, ông Tuấn không đành nhận chế độ bay quá đặc biệt này, chỉ nhờ bạn tìm giúp hãng hàng không nào có thể bay nhanh nhất về Cuba. Và chỉ vài chục phút sau, ông đã có vé của Hãng Cathay Pacific.

Lễ mừng 30-4-1975 ở Cuba kéo dài suốt nhiều ngày và vượt ra ngoài phạm vi sứ quán. Lãnh đạo Cuba quyết định biến ngày lễ Quốc tế Lao động 1-5 thành đại lễ quốc gia mừng cách mạng Việt Nam chiến thắng.

Cuộc chiêu đãi hoành tráng nhất được tổ chức tại đại sứ quán miền Nam Việt Nam nhưng do Bộ Ngoại giao Cuba đài thọ.

Thông thường các nguyên thủ quốc gia chỉ dự những tiệc chiêu đãi này khoảng 30 phút rồi ra về nhưng Chủ tịch Fidel Castro đã ở lại chung vui suốt từ 18g đến 3g sáng hôm sau.

Ông tươi cười rạng rỡ, bắt tay từng người, rồi dùng đũa gắp chả giò, uống rượu Lúa Mới. Vừa ăn ngon miệng, ông vừa hóm hỉnh: “Biết món ăn của các bạn ngon thế này thì mình đã không dùng bữa trưa để dành bụng cho tối nay”.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.