Kỳ 3: Thủy điện "bức tử" các dòng sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc xây dựng ồ ạt và dày đặc nhà máy thủy điện trên các dòng sông ở Tây Nguyên đã kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Không những làm thay đổi dòng chảy và hệ sinh thái sông, những “công trình thế kỷ” này còn khiến Tây Nguyên ngày càng trở nên khô khát.  


Từ một dòng sông “chết”…
 

Kỳ 3: Thủy điện "bức tử" các dòng sông ảnh 1

Thủy điện An Khê-Ka Nak đã “bức tử” sông Ba thành “sông chết”. Ảnh: M.T

Giữa tháng 9-2010, thủy điện An Khê-Ka Nak (nằm ở thượng nguồn sông Ba, tỉnh Gia Lai) bắt đầu chặn dòng tích nước, chuyển nước từ lưu vực sông Ba sang sông Kôn (tỉnh Bình Định). Cũng từ đó, vùng hạ du sông Ba đoạn chảy qua các huyện, thị xã ở Gia Lai gồm: An Khê, Kông Chro, Ayun Pa, Krông Pa… và cả tỉnh Phú Yên thường xuyên khô cạn. Một con sông dồi dào nước với hệ sinh thái đa dạng bỗng chốc biến thành “sông chết”, kéo theo hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nhiều diện tích nông nghiệp “khát” nước tưới, sinh kế của bà con bị ảnh hưởng nặng nề. Món đặc sản “cá đá sông Ba” tại các địa phương này cũng dần trở nên hiếm hoi rồi… mất hẳn.

Bà Trần Thị Tân (thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ) lắc đầu ngán ngẩm: “Nói đến là thấy buồn. Nông dân chúng tôi ở đây trồng ớt, la-ghim nhờ vào nguồn nước sông là chính. Ngày trước bơm tưới thoải mái, chẳng lo thiếu nước, mấy năm nay thì phải tranh nhau mà hút nước tưới để cứu cây trồng, nhất là trong mùa hạn”.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ-Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (Cewarec) đã đưa ra những con số đáng báo động. Theo đó, chỉ riêng 25 công trình thủy điện lớn tại Tây Nguyên đã chiếm dụng 68.195 ha đất, ảnh hưởng đến 25.712 hộ dân (trong đó có 6.875 hộ phải di dời). Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã chuyển đổi trên 80.000 ha đất các loại (đất nông nghiệp, đất rừng…) cho thủy điện. Và đến thời điểm hiện tại, cái giá phải trả cho việc đánh đổi lợi ích kinh tế với sự mất mát về môi trường có thể nói là quá đắt.

Không chỉ thế, thủy điện An Khê-Ka Nak cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà máy nước An Khê và chất lượng nguồn nước sinh hoạt phục vụ cho nhân dân tại địa phương. Khi thủy điện này bắt đầu chặn dòng, nước trên sông Ba hạ thấp 0,5-0,7 mét làm cho khu vực lấy nước tại trạm bơm xuống thấp đến mức báo động. Đồng thời, nước chuyển sang trạng thái tù đọng khiến chất lượng nước không còn đảm bảo, độ đục cao hơn gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Ông Nguyễn Văn Thi-nguyên Phó Trưởng ban Quản lý Nhà máy nước An Khê, nay là nhân viên của Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê cho biết: “Tiêu chuẩn nước sạch quy định độ đục của nước nhỏ hơn 5 NTU (đơn vị đo chỉ tiêu độ đục-P.V) trong khi giới hạn tối đa của nước uống chỉ được 2 NTU. Thế nhưng độ đục của nước sông Ba lấy lên trong những ngày nắng đã dao động từ 30 NTU đến 70 NTU, còn mùa mưa thì độ đục tăng vọt lên 500 NTU đến 540 NTU, gấp 270 lần so với mức quy định. Hiện Nhà máy chỉ có máy đo độ đục với mức tối đa là 200 NTU, mỗi lần đo đều bị đứng máy, không thể nào đo được do độ đục quá cao, phải nhờ đến thiết bị của đơn vị khác”.
 

Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Đặng Trung Thuận-Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam: Vấn đề đáng bàn ở đây là cả 4 con sông lớn ở Tây Nguyên đều hiện diện các công trình thủy điện tích nước chuyển dòng chảy. Cụ thể: trên sông Sê San, Thủy điện Đak Đrinh (Kon Tum) không trả nước về dòng chính mà trả về sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi). Thủy điện An Khê-Ka Nak trên sông Ba (Gia Lai) chuyển nước sang sông Kôn (tỉnh Bình Định). Thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh (Lâm Đồng) thuộc lưu vực sông Đồng Nai chuyển nước xuống lưu vực sông Cái (tỉnh Ninh Thuận) và sông Lũy (tỉnh Bình Thuận).

Theo ông Thi, nguyên nhân khiến cho độ đục trong nước tăng cao, ngoài tình trạng nước tù đọng, còn là do thủy điện chỉ xả nước ở đáy hồ chứ không xả nước mặt nhằm để tránh sự bồi lấp lòng hồ theo thời gian. Khi mưa đầu nguồn đổ về sẽ kéo theo một lượng bùn non khá lớn. Số bùn này đọng dưới đáy hồ và theo lượng nước xả đổ ra lại hạ du sông Ba-nơi Nhà máy lấy nước.  Để đảm bảo có được một nguồn nước sạch đúng tiêu chuẩn phục vụ cho nhân dân tại khu vực trung tâm thị xã, Nhà máy nước An Khê đã phải tăng gấp 3 lần lượng hóa chất xử lý. Chi phí đầu vào, thời gian làm việc tăng lên, trong khi giá nước vẫn giữ nguyên và khối lượng nước đầu ra lại giảm đáng kể. Công suất hoạt động của Nhà máy cũng phải giảm đi 30%, bởi nếu bơm đúng công suất thì với độ bẩn cao như thế không thể xử lý kịp.

Lượng nước cung cấp cho dân cũng ít đi nên một số khu vực điểm cuối đường ống bị thiếu hụt nước sinh hoạt trầm trọng. Ông Bùi Vĩnh Thạnh (tổ dân phố 4, phường An Bình, thị xã An Khê) cho hay: “Trước kia xài nước máy khỏe lắm, không lo gì cả. Nhưng mấy năm trở lại đây, nước yếu, bơm không lên được, có khi còn bị ô nhiễm. Chúng tôi thấy nản quá nên mới đào, khoan giếng để lấy nước sinh hoạt”.

Chính vì những hệ lụy khôn lường kể trên, cuối tháng 3-2016, sau khi kiểm tra vùng hạ du thủy điện An Khê-Ka Nak, ông Trần Việt Hùng-nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị Chính phủ dừng hoạt động của thủy điện này, trả nước lại cho sông Ba. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo về tình hình xây dựng, vận hành hồ chứa thủy điện An Khê-Ka Nak; đồng thời đề xuất giải pháp để bảo đảm nguồn nước phục vụ cuộc sống nhân dân vùng hạ lưu sông Ba (thuộc 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên).

Những dòng sông “không trôi”

 

Dù đang giữa mùa mưa nhưng sông Ba đoạn chảy qua huyện Krông Pa cạn kiệt nước.  Ảnh: M.T
Dù đang giữa mùa mưa nhưng sông Ba đoạn chảy qua huyện Krông Pa cạn kiệt nước. Ảnh: M.T

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ-Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (Cewarec) đã đưa ra những con số đáng báo động. Theo đó, chỉ riêng 25 công trình thủy điện lớn tại Tây Nguyên đã chiếm dụng 68.195 ha đất, ảnh hưởng đến 25.712 hộ dân (trong đó có 6.875 hộ phải di dời). Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã chuyển đổi trên 80.000 ha đất các loại (đất nông nghiệp, đất rừng…) cho thủy điện. Và đến thời điểm hiện tại, cái giá phải trả cho việc đánh đổi lợi ích kinh tế với sự mất mát về môi trường có thể nói là quá đắt. Không chỉ có mỗi sông Ba bị “bức tử”, những thủy điện được xây dựng đã chia cắt và làm vỡ vụn các dòng sông thuộc hệ thống sông Tây Nguyên, biến chúng trở thành hệ sinh thái hồ đập với dòng chảy lững lờ.
 

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ nhận định: Sông Sêrêpốk, Sê San, Đồng Nai có tài nguyên nước dồi dào, địa hình và địa chất thuận lợi nên bị cuốn theo “cơn sốt” thủy điện là điều không thể tránh khỏi. Đến năm 2015, toàn vùng đã có gần 190 công trình thủy điện lớn, nhỏ đã và đang được xây dựng trên tất cả các sông suối Tây Nguyên với tổng công suất thiết kế lên đến 7.923 MW. Trong đó, trên sông Sêrêpốk có đến 7 nhà máy thủy điện lớn và hàng chục công trình thủy điện nhỏ trên các dòng nhánh; sông Sê San hiện hữu 7 công trình thủy điện lớn đang vận hành cùng ít nhất 238 đập dâng, hồ chứa nhỏ và vừa được xây dựng trên phần thượng lưu; sông Đồng Nai cũng có đến 9 thủy điện lớn và sông Ba với 4 nhà máy thủy điện.
 

Theo tính toán của Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Đặng Trung Thuận-Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, các thủy điện trên đã chuyển nước từ Tây Nguyên về miền Trung với khối lượng lớn 130 m3/s, khiến Tây Nguyên mất khoảng 2,9 tỷ m3/năm, gây thiếu hụt nước và nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng ở khu vực hạ lưu các hồ chứa nước vào mùa khô.

Minh Triều-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.