Hồn thiêng từ những con tàu không số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Tàu không số không phải tàu không số/ Tổ quốc đau thương tạm xóa tên mình/ Khi lãnh hải kẻ thù còn xâm lấn/ Hồn thiêng biển sâu còn tiếp hành trình”. Dù biết trùng lắp cấu trúc với câu thơ nổi tiếng “Không có kính không phải vì xe không có kính” của thi sĩ Phạm Tiến Duật, nhưng tôi không thể viết khác được khi đến những di tích tàu không số trong hai cuộc chiến tranh cứu nước của dân tộc.

Trong hai chuyến đi thực tế dài ngày do Liên hiệp các Hội VHNT TP. HCM tổ chức vừa qua, đoàn văn nghệ sĩ đã viếng thăm hầu hết di tích tàu không số ở phía Nam. Cùng với bến tàu không số K15 Đồ Sơn - Hải Phòng ở phía Bắc, nơi xuất phát con đường vận tải vũ khí trên biển, hiện nay có 6 bến tàu không số ở phía Nam đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia: Vũng Rô ở tỉnh Phú Yên, Hòn Hèo ở Khánh Hòa, Lộc An ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Thạnh Phong ở Bến Tre, Cồn Tàu ở Trà Vinh, Vàm Lũng ở Cà Mau. Đa số các khu di tích trên đã được xây tượng đài, bia đá và nhà lưu niệm, luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, ngắm cảnh vì những nơi đây đều có phong cảnh tuyệt đẹp.

 

Ông Lê Đức Hương, người sớm dựng miếu thờ các anh hùng liệt sĩ ở Hòn Hèo, Khánh Hòa.
Ông Lê Đức Hương, người sớm dựng miếu thờ các anh hùng liệt sĩ ở Hòn Hèo, Khánh Hòa.

Riêng tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, khu lưu niệm bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng đồng đội có mối liên hệ mật thiết với bến tàu không số An Thổ gần đó. Tuy nhiên, trong khi di tích và bệnh xá gắn liền với tên tuổi nữ anh hùng liệt sĩ này đã được xây dựng khang trang thì đến nay, vùng biển An Thổ vẫn hiu quạnh. Điều trùng hợp thú vị là sau 3 ngày đoàn văn nghệ sĩ TPHCM đến dâng hương ở Đức Phổ, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh cho điểm cập tàu không số (C41) tại vùng biển An Thổ, xã Phổ An, huyện Đức Phổ trên diện tích bờ biển 2.000 m2, mà theo đó các ngành chức năng sẽ tiến hành cắm mốc giới, lên kế hoạch xây dựng và bảo vệ di tích. Đây vốn là nơi được chọn tiếp nhận vũ khí từ tàu không số những năm 1966-1968. Vào đầu năm 1968, chiếc tàu không số mang mật danh 43 do Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn chỉ huy chở 40 tấn vũ khí cập bến An Thổ nhưng bị thuyền của địch phát hiện và diễn ra một trận hải chiến.

Khi đến di tích tàu không số ở Hòn Hèo thuộc xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi được gặp ông Lê Đức Hương, người đã sớm dựng một cái miếu nhỏ ở đây thờ những người lính biển đã hy sinh ngay sau ngày đất nước hòa bình. Bây giờ, khu di tích Hòn Hèo đã dựng bia đá và đang xây tượng đài, nhà lưu niệm, còn ông Lê Đức Hương trở thành cán bộ quản lý di tích của tỉnh Khánh Hòa. Hòn Hèo là nơi gắn liền với sự hy sinh anh dũng của thuyền trưởng anh hùng Nguyễn Phan Vinh cùng 13 cán bộ, chiến sĩ trên chiếc tàu mang mật hiệu 235 vận chuyển vũ khí cho chiến trường Khu 5. Vào rạng sáng 1-3-1968, khi tàu từ hải phận quốc tế vào vùng biển Hòn Hèo thì bị lộ, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh thả hết vũ khí xuống biển rồi cho tàu chạy về Ninh Vân, nhưng bị địch truy đuổi bắn hỏng máy chính và nhiều chiến sĩ bị thương. Không thể để kẻ thù bắt sống, thuyền trưởng ra lệnh mọi người rời khỏi tàu rồi cho đặt thuốc nổ phá tàu để xóa dấu vết. Một mảnh lớn của thân tàu đã bị hất lên triền núi, nơi hiện nay trở thành Khu Di tích lịch sử Hòn Hèo.

Nói đến tàu không số tất nhiên không thể quên Vũng Rô, một dấu ấn bi hùng của con đường Hồ Chí Minh trên biển. Chuyến tàu đầu tiên vận tải vũ khí do thuyền trưởng anh hùng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy đã cập bến Vũng Rô vào đêm 28-11-1964. Hai chuyến tàu tiếp theo cũng lần lượt cập bến an toàn vào đêm 25-12-1964 và 1-1-1965, để từ đây khí tài và thuốc men được chuyển theo đường rừng để đến với các chiến trường ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đến chuyến thứ 4, chiếc tàu mang mật hiệu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm và chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy nửa đêm 15-2-1965 đã cập bến Vũng Rô. Sau khi bốc hết hàng, tàu quay ra thì tời neo bị hỏng nhưng chữa xong thì trời sáng phải ngụy trang tàu nằm lại. Gần trưa ngày 16-2-1965, tàu bị máy bay địch phát hiện rồi huy động lực lượng lớn để bao vây tàu. Do tàu bị nghiêng, các chiến sĩ không thể vào khoang máy đặt bộc phá, đến tối 17-2-1965, được sự hỗ trợ của công binh Quân khu 5 mới đặt bộc phá hủy tàu, nhưng tàu chỉ vỡ đôi và chìm xuống nước chứ không nổ cả tàu. Sau 8 ngày đêm chống trả lực lượng địch mạnh hơn nhiều lần, các chiến sĩ đã phá vòng vây rút lên chiến khu. Sau sự kiện Vũng Rô, Đoàn 125 tạm thời ngừng vận chuyển vũ khí đường biển một thời gian để chuẩn bị kỹ hơn cho những cuộc hành trình mới…

Chính tại di tích lịch sử Vũng Rô, khi cùng đoàn văn nghệ sĩ đến dâng hương tưởng niệm những người lính biển đã hy sinh, tôi đã viết bài thơ Tàu không số. Ở một đất nước luôn phải chống chọi xâm lăng, tôi tin rằng linh hồn của các bậc tiên liệt tàu không số từ đáy biển sâu sẽ còn đồng hành với thế hệ con cháu để giữ vững non sông biển trời Tổ quốc mãi trường tồn.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.