Quyết liệt hành động từ đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thế là đã qua mấy ngày Tết. Sau những lời chúc tốt đẹp mong cho mọi người, mọi nhà mạnh khỏe, may mắn, thành công, cũng đã đến lúc bàn chuyện bắt tay vào lao động sản xuất, mở đầu một năm mới làm việc sao cho nghiêm túc hơn, hiệu quả hơn, tiếp tục gặt hái những thành quả mà năm cũ chưa làm được hoặc hoàn thành nốt những dự định mà năm cũ chưa hoàn thành.
Không mới, nhưng vẫn phải nhắc lại, vì có nhắc lại cũng không thừa. Đó là phải khắc phục thói quen vui chơi sa đà sau Tết, bỏ ngay quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” ra khỏi suy nghĩ của nhiều người. Bởi bây giờ không giống ngày xưa, cuộc sống không còn là “tháng Giêng trồng đậu tháng ba trồng cà” nữa. Xã hội công nghiệp đòi hỏi con người phải làm quen dần với những khái niệm về ngày công, về năng suất lao động, là những băn khoăn lo lắng với câu hỏi: “Anh (chị) lương tháng bao nhiêu?”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cán bộ, công chức không tổ chức du Xuân, liên hoan, chúc Tết - Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cán bộ, công chức không tổ chức du Xuân, liên hoan, chúc Tết - Ảnh: VGP
Nếu xem cuộc đời là những chuyến đi dài, các mục tiêu trong cuộc sống là những chuyến xe thì mỗi dịp được nghỉ lễ, Tết chính là những lần dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn để tiếp thêm năng lượng, tìm thêm động lực, tinh thần nhằm chinh phục những mục tiêu mới. Nhưng nếu cứ lấy lý do xả hơi để bù lại một năm làm việc căng thẳng mà vui chơi sa đà, dừng chân nghỉ ngơi quá lâu sẽ khiến chúng ta trì trệ, cuộc hành trình của mình bị chậm chuyến.
Ngày đầu đi làm, tin tức về tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết ở các khu công nghiệp khắp trong Nam ngoài Bắc được đài, báo đăng tải, dường như chưa đủ sức át đi hình ảnh học sinh uể oải trong buổi học đầu tiên và luyến tiếc những cuộc vui còn bỏ dở; công chức đến công sở vẫn còn mải mê với những lời chúc tụng, nâng ly, khoe phong bao lì xì và bàn tính cho những chuyến khai xuân, đi lễ chùa đầu năm trên mạng xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà năm nào, vào dịp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ cũng phải có công điện nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương nghiêm cấm công chức bỏ việc đi hội, dùng xe công đi lễ đền chùa. Bởi chưa bao giờ các lễ hội được khôi phục và tổ chức ngày càng nhiều như hiện nay. Mùa lễ hội sau Tết Nguyên đán đã bắt đầu với lễ hội chùa Hương, chùa Bái Đính, đền Trần, đền Bà Chúa Kho, hội xuân Yên Tử… Thật khó kể tên hết hàng ngàn lễ hội các loại trên khắp cả nước, mà lễ hội nào cũng được quảng bá rầm rộ, thu hút hàng vạn du khách hành hương về chiêm bái. Trong số ấy, chắc không ít người là cán bộ, công chức, viên chức trốn việc đi chơi. Đó là một thực trạng cần được chấn chỉnh.
Chuyến xe nào dừng nghỉ rồi cũng đến lúc phải lăn bánh. Cũng như mục tiêu nào đặt ra cũng sẽ phải được thực hiện nếu quyết tâm đủ lớn. Vì vậy, đừng để những điểm dừng chân làm chậm chuyến hành trình đến đích của mỗi người, mỗi ngành, mỗi địa phương.
Sau kỳ nghỉ dài ngày, đã đến lúc mỗi người tự ý thức nên đưa mình trở lại với guồng quay của cuộc sống bằng tất cả sự khởi đầu hăng hái, nhiệt tâm và nhiều hy vọng về những điều may mắn mà cuộc sống có thể mang lại trong năm mới. Đầu năm tập trung làm việc, học tập để có một năm suôn sẻ, bắt tay vào làm việc với thái độ nghiêm túc, đặt ra nhiều kế hoạch để cùng chờ đón một năm mới hứa hẹn nhiều thành công hơn năm cũ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu các cơ quan hành chính không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết sa đà làm ảnh hưởng đến thời giờ, hiệu quả làm việc; tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới phương thức, cách làm, nâng cao trách nhiệm, nhất là các ngành liên quan trực tiếp đến nhân dân như y tế, giáo dục, năng lượng, giao thông-vận tải, công an… để góp phần nâng cao uy tín của Chính phủ, tránh bệnh quan liêu, xa dân, gây ách tắc cho sự phát triển của đất nước, làm mất niềm tin trong nhân dân; đẩy mạnh việc thực hiện phương châm hành động 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, hoàn thành mục tiêu là “năm bứt phá trong kế hoạch 5 năm (2016-2020)”.
Năm 2019, chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Vì vậy, không thể chấp nhận sự chủ quan, mải mê với thành tích của năm cũ mà phải nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động hơn nữa ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, vì mục tiêu chinh phục những đỉnh cao mới trên hành trình tiến về phía trước.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).