Yêu cầu xử lý vụ múc đất rừng phục vụ dự án đại lộ Đông - Tây ở Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại dự án đại lộ Đông Tây TP.Buôn Ma Thuột, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm vụ Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 múc đất rừng trái phép để thi công.

Hiện trường vụ múc đất rừng để thi công dự án. Ảnh: Bảo Trung
Hiện trường vụ múc đất rừng để thi công dự án. Ảnh: Bảo Trung
Ngày 13-1, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đắk Lắk thông tin, đang yêu cầu các đơn vị xử lý vụ việc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 múc 1,1ha đất ngoài phạm vi cho phép để làm Đại lộ Đông Tây TP Buôn Ma Thuột.
Theo văn bản báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép múc lấy đất để làm Đại lộ Đông Tây TP.Buôn Ma Thuột.
Tuy nhiên, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng thành phố thì Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 đã san ủi, múc đất ra ngoài ranh giới cho phép với diện tích khoảng 1,1ha tại lô 4, khoảnh 7, tiểu khu 911.
Trong đó, diện tích rừng trồng khoảng 0,67ha, còn lại là đất trống. Hiện trạng diện tích đất rừng đã bị múc không còn cây rừng, chỉ còn sót lại một số rễ cây keo, xung quanh khu vực bị múc đất là rừng trồng keo.
Do đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk báo cáo Sở NNPTNT chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, nếu xác định hành vi phá rừng trái pháp luật thì giao Hạt Kiểm lâm Buôn Ma Thuột - Krông Pắk lập hồ sơ xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. 

Toàn cảnh vụ múc đất rừng trái phép để thi công dự án. Ảnh: Bảo Trung
Toàn cảnh vụ múc đất rừng trái phép để thi công dự án. Ảnh: Bảo Trung
Như Lao Động đã thông tin, Hạt Kiểm lâm Buôn Ma Thuột – Krông Pắk phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và xác định Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 đã múc khoảng 1,1ha đất rừng và rừng trồng tại buôn Kom Leo để làm đường đại lộ Đông Tây TP.Buôn Ma Thuột.
Cơ quan chức năng xác định khoảng 0,67ha rừng trồng bị múc, ủi và phần diện tích còn lại là đất trống. UBND TP.Buôn Ma Thuột đã vào cuộc kiểm tra, đo đạc thực địa để có biện pháp xử lý theo quy định. 
Trong 2 năm qua, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh sự chậm tiến độ của dự án đường đại lộ Đông - Tây ở TP Buôn Ma Thuột. Chủ đầu tư, đơn vị thi công cam kết đến 31.12.2022 sẽ thông xe nhưng tới thời điểm hiện tại, dự án vẫn còn ngổn ngang, chậm tiến độ.
Ngoài ra, tại thôn 1, xã Hoà Thắng, đất của hàng chục hộ dân ở khu vực này được giải toả để làm Dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư thôn 1, xã Hoà Thắng".
Mục đích của dự án là giải quyết nhu cầu tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất khi thành phố triển khai xây dựng dự án đường Đông - Tây.
Người dân khu vực giải tỏa đã nhiều lần tha thiết đề nghị UBND thành phố có phương án hỗ trợ bồi thường, bố trí tái định cư cho họ, bởi, nhiều người đã định cư lâu năm tại đó, gia cảnh khó khăn, hoàn toàn không có tài sản giá trị nào khác ngoài mảnh đất chưa được cấp sổ đỏ.
Theo Bảo Trung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.