(GLO)- Hưởng ứng Năm An toàn giao thông (ATGT) 2012, Ban ATGT tỉnh đã thành lập 2 đội công tác liên ngành mở đợt cao điểm tổng kiểm soát xử lý phương tiện giao thông chở quá khổ, quá tải trên 2 tuyến quốc lộ: 14, 19 và các địa bàn phụ cận. Biện pháp này ngay lập tức đã đem lại kết quả khi về cuối “chiến dịch” tình trạng vi phạm bớt “nóng” hơn. Thế nhưng, khi “chiến dịch” vừa kết thúc thì mọi việc đâu lại vào đó…
Qua 2 tháng (26-3 đến 26-5-2012) việc kiểm soát xử lý phương tiện giao thông chở quá khổ, quá tải có kết quả đáng ghi nhận, bước đầu đã góp phần làm chuyển biến tình hình, đảm bảo trật tự ATGT và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Song cũng có nhiều khó khăn như: Quân số quá ít không đủ để bố trí tuần tra 3 ca (24/24 giờ); thiếu bãi giữ xe để hạ tải; việc buộc chủ hàng, chủ phương tiện mở container để hạ tải khi hàng hóa đã được Hải quan kẹp chì niêm phong; sự không đồng bộ trong việc xử lý xe quá khổ, quá tải giữa các tỉnh, thành phố; sự đe dọa của một số đối tượng vi phạm…
Xe chở quá khổ, quá tải buộc phải hạ tải. Ảnh: Nguyễn Dung |
Chúng tôi đã từng 2 lần trực tiếp chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác liên ngành số 1 xử lý phương tiện vi phạm trên tuyến quốc lộ 19. Lần thứ nhất, xử lý xe đầu kéo chở xi măng mang biển số 77H-8565 do Thân Ngọc Thạch (Mỹ Tài, Phù Mỹ, Bình Định) điều khiển tại km 160 vào ngày 21-4. Sau khi thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xác định xe chở quá tải đến 13 tấn, Đội tiến hành lập biên bản và buộc hạ tải mới cho tiếp tục lưu thông. Song, lái xe dùng dằng cả buổi, viện mọi lý do và điện thoại hết chỗ nọ, chỗ kia rồi mới chịu ký vào biên bản vi phạm.
Lần thứ hai, xử lý 12 xe chở gỗ quá tải của Quân khu 4 vào ngày 28-4, tại cây xăng Phú Hưng (dưới chân đèo Mang Yang) thuộc thôn 1, xã Hà Tam (huyện Đak Pơ). 10 cán bộ, chiến sĩ của Đội phải căng sức suốt ngày đêm vừa lập biên bản, vừa canh giữ xe… Và mãi đến ngày 30-4 các lái xe mới chịu hạ tải.
Anh Trần Đình Tòng-lái xe 81M-3159 (một trong 12 xe gỗ bị xử lý hạ tải nêu trên) phân trần: “Chủ hàng đã căn cứ giấy phép để tính khối lượng rồi mới giao hàng nhưng vì gỗ tròn không có khuôn khổ nhất định nên khó tránh khỏi quá tải. Với lại việc dùng cân cóc để kiểm tra tải trọng là khó chính xác vì đây là loại xe 2 thớt riêng biệt (đầu xe và rơ-moóc). Hơn nữa, tải trọng thiết kế của phương tiện được cấp phép khác với tải trọng giới hạn đường bộ mà ngành cầu đường quy định. Không chỉ có thế, nếu xe vượt tải trọng khoảng 4 tấn, tương đương với 1 lóng gỗ nhưng để cân xe chúng tôi buộc phải hạ tải 2 lóng là rất thiệt thòi…”. Còn lái xe Trần Xuân Thu (xe 81M-4433) sau khi hạ tải và ký vào biên bản vi phạm đã phải thốt lên: “Cạch đến già...!”.
Không riêng anh Tòng mà rất nhiều lái xe và chủ phương tiện vận tải đều cho rằng hiện nay giá xăng dầu cao, chi phí dọc đường tốn kém nên nếu chở đúng tải sẽ không thể có lãi. Vì vậy, khi có sự kiểm soát, xử lý của các lực lượng chức năng nhiều lái xe đã chọn biện pháp không lưu thông (đậu xe ở các cây xăng, các tuyến đường dân sinh) và chỉ tiếp tục lưu hành khi lực lượng chức năng không có mặt trên đường vào thời gian nghỉ.
Ái ngại hơn là ngay khi “chiến dịch” xử lý xe chở quá khổ, quá tải của 2 đội công tác liên ngành vừa kết thúc thì có đến hàng trăm xe chở gỗ tròn quá tải, quá khổ lưu hành trên quốc lộ 14 và quốc lộ 19 (từ Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y về Bình Định). Theo báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải, tính đến ngày 1-6-2012, có 28 xe chở gỗ quá tải, quá khổ bị Đội Cảnh sát Giao thông 2-19 (Công an tỉnh) đình chỉ lưu hành buộc hạ tải thì còn có 90 xe đậu ở các tuyến đường để tự hạ tải hoặc nghe ngóng tình hình. Cụ thể: Khu Công nghiệp Trà Đa 35 xe, đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) 20 xe; đường vào Nhà máy mì (huyện Mang Yang) 20 xe…
Điều đó cho thấy việc xử lý nghiêm túc các phương tiện vi phạm chở quá khổ, quá tải là rất cần thiết và phải làm thường xuyên nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho người dân, thiết lập lại trật tự kỷ cương giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông.
Nguyễn Dung-Hồng Thương