Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan các vụ phá rừng tại huyện Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở NN&PTNT Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý trong việc để xảy ra các vụ phá rừng mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
 
Khung cảnh trơ trọi tại lâm phần Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai Chi nhánh Đắk Lắk quản lý. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Khung cảnh trơ trọi tại lâm phần Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai Chi nhánh Đắk Lắk quản lý. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Liên quan đến các vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc xử lý tình trạng phá rừng trái pháp luật xảy ra liên tiếp tại huyện Lắk.
Cụ thể, cuối tháng 3/2022, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra và xác định có 23,59ha diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị tác động do Ủy ban Nhân dân xã Krông Nô, huyện Lắk quản lý. Trong đó, có 4,56ha đủ tiêu chí rừng tự nhiên và 19,03ha chưa đủ tiêu chí.
Đến đầu tháng 4/2022, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát hiện 74,6ha rừng bị phá tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk.
Trạng thái là rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh trung bình, nghèo, nghèo kiệt và lồ ô thuộc quy hoạch rừng sản xuất thuộc lâm phần Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai Chi nhánh Đắk Lắk quản lý (diện tích bị phá 63,7ha) và Ủy ban Nhân dân xã Đắk Phơi quản lý (diện tích bị phá 10,9ha).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, 2 vụ phá rừng trên có mức độ nghiêm trọng, diện tích rừng bị phá thiệt hại lớn.
Để tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm, đồng thời đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng trên địa bàn huyện Lắk, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xem xét, chỉ đạo:
Đề nghị Huyện ủy Lắk tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Chú trọng kiểm tra, giám sát đối với Đảng ủy các xã có nhiều diện tích rừng tự nhiên bị xâm hại; yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Lắk chỉ đạo chính quyền các xã Đắk Phơi, Krông Nô bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý vụ việc đúng quy định của pháp luật.
Làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý trong việc để xảy ra các vụ phá rừng mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xem xét, chỉ đạo: Đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý vụ việc đúng quy định của pháp luật; Tổ chức lực lượng, quản lý, bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được nhà nước giao, cho thuê.
Chủ động rà soát, xác định khu vực có “điểm nóng,” dự báo khu vực có nguy cơ xảy ra hành vi xâm hại rừng để có kế hoạch bảo vệ hiệu quả. Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, theo dõi, đôn đốc Hạt Kiểm lâm huyện Lắk khẩn trương thiết lập hồ sơ xử lý các vụ phá rừng trên. Làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra phá rừng trái pháp luật mà không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Trước đó, TTXVN đã liên tục phản ánh về các vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại huyện Lắk.
Theo Tuấn Anh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.