Xóa bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bên cạnh những phong tục, tập quán tốt đẹp cần giữ gìn, phát huy, hiện nay trong cộng đồng Jrai còn tồn tại những tập quán về hôn nhân và gia đình đã lạc hậu, thậm chí trái với quy định của pháp luật.

Một trong số đó phải kể đến tục cưới xin. Bởi theo chế độ mẫu hệ nên khi chuẩn bị cho lễ cưới thì nhà gái phải thực hiện hoàn toàn mà không có sự chia sẻ, phối hợp của phía nhà trai, chưa kể nhà gái còn phải đảm bảo có đồ sính lễ theo yêu cầu nhà trai. Thực trạng “thách cưới cao” mang tính chất gả bán như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… trong tục cưới xin của người Jrai vẫn khá phổ biến và đây là một trong những vấn đề mà Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31-12-2014 của Chính phủ đã đề cập và cấm áp dụng.

 

Với cộng đồng người ở Tây Nguyên, tục nối dây thật sự khiến nhiều người không hạnh phúc (ảnh minh họa).
Với cộng đồng người ở Tây Nguyên, tục nối dây thật sự khiến nhiều người không hạnh phúc (ảnh minh họa).

Người viết bài này đã từng có bài viết chia sẻ, phản ánh về một lễ cưới theo phong tục Jrai ở buôn Rưng (thị xã Ayun Pa) kéo dài hơn nửa ngày, nhà trai đòi hủy hôn chỉ vì nhà gái không đáp ứng được yêu cầu sính lễ của nhà trai! Còn nhiều lắm những chuyện “dở khóc, dở cười” xung quanh chuyện “thách cưới” của người Jrai. Hậu quả phát sinh về mặt tinh thần giữa 2 bên gia đình là điều dễ thấy, nhưng xét về kinh tế, từ việc cưới xin mà những gia đình nghèo lại càng khó khăn hơn và chính các thế hệ con cháu lại bị ảnh hưởng nhiều nhất. Sự nghèo khổ vì thế mà còn tồn tại, đeo bám dai dẳng trong cộng đồng Jrai bởi vốn liếng làm ăn đã dồn hết cho đám cưới.

Bên cạnh tục cưới xin, tập quán hôn nhân và gia đình trong cộng đồng Jrai cũng còn nhiều vấn đề bất cập, trong số đó có việc phân chia tài sản cho con, cháu. Cũng do theo chế độ mẫu hệ mà trong gia đình người Jrai, quyền lợi khi chia tài sản có sự “chênh lệch” đáng kể giữa con trai và con gái, thường thì con gái sẽ thừa hưởng tài sản nhiều hơn con trai, thậm chí đàn ông, con trai có vợ rồi theo vợ nên hầu như không được bố mẹ chia tài sản. Và sự phân chia này dẫn đến bất bình đẳng giữa con trai và con gái.

Ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết trong cộng đồng Jrai vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Một vài trường hợp tảo hôn là do bố mẹ ép buộc để sớm ổn định về gia đình và nhiều trường hợp là xuất phát từ nhận thức hạn chế của chính các bạn trẻ. Nhiều bạn bỏ ngang việc học để kết hôn trong khi bản thân vẫn chưa đủ tuổi theo luật định cũng như chưa có đủ kiến thức về kỹ năng xây dựng, tạo lập cuộc sống sau khi kết hôn. Và nguyên do của những trường hợp “ly hôn xanh”, tình trạng thất nghiệp, cuộc sống đói nghèo… hiện nay trong cộng đồng dân tộc Jrai ít nhiều liên quan đến việc tảo hôn.

Thực tế, công tác tuyên truyền về pháp luật nói chung, Luật Hôn nhân và Gia đình nói riêng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung triển khai, tổ chức thường xuyên, tuy nhiên khả năng nhận thức, việc tiếp thu và trách nhiệm thực hiện của người dân còn hạn chế. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn trong cộng đồng Jrai nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, nhận thức trong nhân dân, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh cần nghiên cứu, đề xuất các ngành chức năng của trung ương trong việc bổ sung các chế tài, hình thức phạt để kịp thời xử lý, đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm về tảo hôn, kết hôn cận huyết, đồng thời tránh tình trạng “xem nhẹ” để rồi bỏ qua các trường hợp vi phạm dẫn đến tái diễn, phát sinh nhiều hơn. Bên cạnh đó, các ban, ngành liên quan cần quan tâm đẩy mạnh việc thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ tư vấn pháp luật cho thanh niên và các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên phân công cán bộ phụ trách các làng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, cuộc sống sinh hoạt của bà con qua đó kịp thời báo cáo, đề xuất biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh trong nhân dân.

Trong thời đại xã hội đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ về mọi mặt, văn hóa truyền thống là điều cốt lõi mà mỗi dân tộc, quốc gia cần gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên với riêng cộng đồng Jrai, các phong tục, tập quán cũ, lạc hậu không còn phù hợp hoặc trái với quy định của luật pháp rất cần cộng đồng Jrai, đặc biệt là các bạn trẻ chủ động từ bỏ, thay thế bằng tập quán tốt đẹp hơn. Việc từ bỏ không phải là tự phủ nhận truyền thống của dân tộc mà chính là sự điều chỉnh, cân bằng khách quan nhằm tiến tới mục tiêu tiến bộ, văn minh hơn trong đời sống văn hóa hiện đại.

H’yuên

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.