Xây dựng thế trận phòng thủ tại Tây Nguyên: Điểm sáng Binh đoàn 15

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc hình thành các cụm, các điểm dân cư được Công ty 716, Bộ Quốc phòng phối hợp với chính quyền tỉnh Kon Tum và huyện Ia H’Đrai quy định chặt chẽ.
Năm 1987, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 02/NQ-TW về xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Nghị quyết này được Bộ Chính trị phát triển thành Nghị quyết 28 NQ/TW năm 2008 để tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Những năm qua, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã được các đơn vị quân đội tại khu vực Tây Nguyên quán triệt, thực hiện một cách nghiêm túc. Một trong những đơn vị điển hình là Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng khi đang hình thành nên một phên dậu vững chắc ở vùng Bắc Tây Nguyên.
 
Công ty 716, trực thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng.
Gần 10 năm về trước, khu vực xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum gần như là một vùng trắng dân. Đây là vùng biên giới cách xa trung tâm huyện, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, giao thông đi lại rất khó khăn. Tại đây, theo chủ trương của Bộ Quốc phòng và chính quyền tỉnh Kon Tum sẽ hình thành nên một công ty quân đội vừa làm kinh tế, vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Từ đó, Công ty 716 trực thuộc Binh đoàn 15 ra  đời. 12 đội sản xuất của công ty được hình thành và đó cũng chính là các điểm dân cư nằm dọc theo vành đai biên giới. Gia đình anh Quách Công Quản, công nhân đội 6, Công ty 716, là một trong những hộ đầu tiên định cư tại khu dân cư mới này.
Ngoài thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/tháng, gia đình anh cũng rất yên tâm khi con em được học hành bài bản với hệ thống cơ sở vật chất tương đối đầy đủ. Anh Quách Công Quản cho biết:  "Từ khi chúng tôi vào đây cũng 7 năm, công tác tư tưởng ổn định. Vào làm công nhân xác định lâu dài, gắn bó với đơn vị, được các anh cấp trên hướng dẫn, rồi làm công nhân kết hợp làm kinh tế thì đời sống cũng tạm ổn định”.
Việc hình thành các cụm, các điểm dân cư được Công ty 716 phối hợp với chính quyền tỉnh Kon Tum và huyện Ia H’Đrai quy định chặt chẽ ngay từ đầu. Nơi nào có công ty, có nông trường, nơi đó có khu dân cư, có hệ thống y tế- văn hóa, giáo dục phát triển đồng bộ. Thiếu tá Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Công ty 716, Binh đoàn 15 cho biết, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy xã Ia Đal và cử lực lượng tham gia xây dựng chính quyền cơ sở. Hiện nay, toàn xã Ia Đal có 11 thôn thì 5 trưởng thôn là cán bộ Đội sản xuất của Công ty 716.
 
Công nhân tại các đơn vị trên biên giới của Binh đoàn 15 đã có cuộc sống ổn định, kinh tế ngày càng khởi sắc.
Thiếu tá Nguyễn Đình Thanh cho biết: “Khi hình thành các khu dân cư thì chúng tôi xác định là sẽ ổn định được cuộc sống cho cán bộ công nhân viên và người lao động. Đồng thời cùng với địa phương tập trung phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn đơn vị, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn. Tất cả các cụm điểm dân cư của chúng tôi đều nằm dọc tuyến biên giới, có thể khẳng định các điểm dân cư của chúng tôi là phên dậu để bảo vệ tổ quốc vững chắc.”
Với quan điểm “Sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, Công ty 716 Binh đoàn 15 đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới trước mắt và lâu dài. Đơn vị đã quy hoạch ổn định các vùng chuyên canh sản suất, khu định canh, định cư cho nhân dân tại chỗ và người dân từ nơi khác được chuyển đến. Ông Ngụy Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum cho biết, Công ty 716, Binh đoàn 15 đã góp phần quan trọng trong phát triển các vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực biên giới, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.
Ông Ngụy Đình Phúc khẳng định: “Xã Ia Đal là một xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Mỗi khu dân cư được hình thành lên giống như một hệ thống liên hoàn, vững chắc giữa quân và dân. Đặc biệt là đối với lực lượng của Công ty 716, Binh đoàn 15 với xã Ia Đal, trong công tác xây dựng kinh tế-quốc phòng thì những khu dân cư ở nơi này giống như một cột mốc biên cương. Mỗi người công nhân, người lao động giống như cột mốc sống ở biên cương, tham gia vào việc đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự ở khu vực biên giới".
 
Các đội sản xuất gắn với các cụm điểm dân cư như những cột mốc sống trên biên giới Bắc Tây Nguyên.
Cùng với xã Ia Đal, việc tham gia xây dựng khu vực phòng thủ đã được Binh đoàn 15 hết sức chú trọng tại tất cả 42 xã thuộc 6 huyện biên giới của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum mà Binh đoàn đang thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, Binh đoàn đã hoàn thành tốt chức năng của “Đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, khẳng định hiệu quả của một đơn vị kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Điều này mang ý nghĩa chiến lược trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc điều tiết, phân công lao động, bố trí dân cư trên vành đai biên giới. Đại tá Lê Xuân Phương, Phó Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết, có được thành quả này là nhờ Binh đoàn đã quán triệt một cách toàn diện, sâu sắc các Nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc:
Đại tá Lê Xuân Phương cho biết: “Địa bàn đứng chân của Binh đoàn trên hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, kéo dài trên trên 270 km dọc biên giới. Chúng tôi đã tiến hành phối hợp tốt với các lực lượng vũ trang của địa phương, lực lượng Biên phòng, phát huy vai trò làm tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng đồng bộ 4 tiềm lực trong khu vực phòng thủ.
Đặc biệt là tiềm lực kinh tế gắn với quốc phòng an ninh trên tuyến biên giới. Chúng tôi đã tổ chức đưa rất nhiều công nhân hình thành các hộ công nhân gắn với các khu vực làng xã trên tuyến biên giới, cùng với thế trận biên phòng tạo thành phên dậu. Các khu vực phòng thủ của địa phương cấp xã, cấp huyện của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum được củng cố vững chắc trên cơ sở bố trí của các công ty, các đội sản xuất, tạo thành các làng xã chiến đấu.”
Binh đoàn 15, Bộ quốc phòng là đơn vị quân đội làm kinh tế có quy mô lớn nhất ở khu vực Tây Nguyên, với tổng diện tích đất nông nghiệp đã đưa vào sản xuất, kinh doanh hơn 40 nghìn héc ta. Với sự góp sức của những doanh nhân-người lính, những vùng biên rộng lớn ở phía Bắc Tây Nguyên, đã vươn lên mạnh mẽ; đời sống của nhân dân các dân tộc nơi đây ngày càng ổn định; kinh tế-xã hội vùng biên đổi thay rõ nét. Đặc biệt, Binh đoàn 15 đã cho thấy rõ vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng khu vực phòng thủ ở các địa phương. Đây là thành quả của sự sáng tạo truyền thống và bài học kinh nghiệm lịch sử “Ngự binh ư nông” của cha ông ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước vào thời kỳ đổi mới.
Công Bắc (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm