Bất cập lớn trong công tác quản lý hộ tịch hiện nay là cơ sở dữ liệu hộ tịch bị phân tán. Vấn đề này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc tra cứu dữ liệu hộ tịch, xác minh thông tin,... mà còn làm hao phí thời gian, vật chất của công dân mỗi khi phải làm lại hồ sơ, giấy tờ về nhân thân của mình.
Ông Trần Thất- Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết: Để giải quyết bất cập nêu trên phù hợp với điều kiện hiện nay, việc nghiên cứu để cấp mã số cá nhân cho mỗi công dân và xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là giải pháp quan trọng và không thể không làm.
Mỗi công dân sẽ có một mã số duy nhất
Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp, Bộ Tư pháp. |
Ông Trần Thất cho biết, mã số cá nhân (hay còn gọi là Số định danh cá nhân; Số nhận dạng cá nhân) là mã số/số thứ tự được cấp cho mỗi cá nhân, được ghi thống nhất trong Sổ bộ hộ tịch và Sổ hộ tịch cá nhân, dùng để tra cứu về dữ liệu nhân thân của người đó.
Về bản chất, mã số này chỉ là một phương tiện để quản lý nhà nước, không có giá trị thay thế họ tên, hình ảnh, ngày tháng năm sinh hay bất kỳ dữ kiện nhân thân khác của một người.
Thực tiễn cho thấy, chúng ta đã sử dụng mã số cá nhân để quản lý công dân từ rất lâu. Ví dụ, số chứng minh nhân dân cũng là một loại mã số cá nhân. Đây là mã số phổ biến nhất mà cá nhân thường phải sử dụng trong nhiều trường hợp, như: khai trong lý lịch, sổ hộ khẩu, đơn xin việc, đi máy bay, đăng ký kinh doanh,…
Tuy nhiên, trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội hiện nay, việc căn cứ vào các thông tin nhân thân như: tên, họ, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán, họ và tên cha, mẹ… để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác không phải lúc nào cũng bảo đảm chính xác và thuận tiện.
Ngay việc cấp số chứng minh nhân dân - mã số cá nhân quan trọng được sử dụng thường xuyên nhất của một công dân cũng chưa được thực hiện thống nhất, một người có thể có nhiều số chứng minh nhân dân. Bởi vì, khi công dân đủ tuổi, đi làm chứng minh nhân dân sẽ được cấp 1 mã số, sau một thời gian theo quy định, hoặc có biến cố xảy ra như chuyển chỗ ở, mất chứng minh nhân dân,… công dân này phải làm lại và lại được cấp 1 mã số khác.
Bên cạnh đó, do chưa được quy định thống nhất về mặt pháp lý, nên mỗi công dân đang bị quản lý bằng quá nhiều mã số, như: số chứng minh nhân dân, mã sổ hộ khẩu, mã số bảo hiểm xã hội, mã số thuế cá nhân, số hộ chiếu,... dẫn đến việc xác định thông tin cá nhân phục vụ cho hoạt động quản lý gặp không ít khó khăn, vừa làm mất thời gian, giảm hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, vừa gây phiền hà, tốn kém cho nhân dân. Nhất là trong việc công dân phải làm lại giấy tờ, xác minh nhân thân,… còn quá nhiều bất cập mà báo chí đã phản ánh không chỉ một lần.
Do vậy, để khắc phục những hạn chế trên, vấn đề đặt ra là phải thống nhất quản lý công dân bằng một mã số duy nhất, mã số này được cấp cho công dân từ khi được sinh ra (làm giấy khai sinh). Sau này, dù có bất cứ biến động nào trong cuộc đời của công dân đó, như: Thay đổi nơi ở, xin việc, kết hôn, ly hôn, hay thay đổi một số thông tin về sự kiện nhân thân, công dân vẫn sẽ sử dụng một mã số cá nhân duy nhất.
Mặt khác, mã số này còn có thể được dùng làm cơ sở để cấp số chứng minh nhân dân, số sổ hộ khẩu, mã số thuế hay dùng để ghi vào những giấy tờ khác của cá nhân theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền…
Theo dự thảo Luật Hộ tịch, Sổ bộ hộ tịch là sổ đăng ký khai sinh và các sự kiện hộ tịch khác của cá nhân, được lưu trữ tại cơ quan đăng ký hộ tịch/UBND cấp xã. Sổ hộ tịch cá nhân là bản ghi đầy đủ việc đăng ký khai sinh và các sự kiện hộ tịch khác của cá nhân đã đăng ký trong Sổ bộ hộ tịch, được cơ quan đăng ký hộ tịch cấp cho mỗi cá nhân quản lý và sử dụng. Mã số cá nhân là mã số/số thứ tự được cấp cho mỗi cá nhân, được ghi thống nhất trong Sổ bộ hộ tịch và Sổ hộ tịch cá nhân, dùng để tra cứu về dữ liệu nhân thân của người đó. |
Ông Thất cho biết thêm, trong điều kiện phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới cũng đã sử dụng mã số cá nhân để giúp cho quản lý con người.
Đối với nước ta, để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về hộ tịch nói riêng, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan, vấn đề cấp mã số cá nhân cho công dân là hết sức cần thiết.
Thực tiễn Việt Nam hiện nay, nếu pháp luật không có quy định cụ thể về việc này thì chắc chắn sẽ xảy ra rất nhiều bất cập, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các quan hệ xã hội liên quan đến việc xác minh thông tin cá nhân ngày càng nhiều…
Theo ông Thất, việc sử dụng mã số cá nhân làm phương tiện quản lý của nhà nước đối với công dân là việc chung của nhà nước và xã hội. Và công việc này rất cần thiết phải được triển khai thực hiện ngay từ bây giờ. Và đó cũng chính là lý do, khi xây dựng dự thảo Luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp sẽ đề xuất nhiều quy định về vấn đề trên.
Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử
Bên cạnh việc quy định về mã số cá nhân, ông Thất cho biết, trong dự thảo Luật Hộ tịch đã đặt mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tập trung trong toàn quốc.
Ông Thất cho biết, nước ta là một nước có quy mô dân số lớn (gần 87 triệu dân) và đang tăng nhanh theo thời gian. Trong điều kiện đó nếu không xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch. Đặc biệt là trong thống kê, báo cáo hộ tịch để phục vụ cho các ngành kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và trong tra cứu để cấp các giấy tờ hộ tịch theo yêu cầu của người dân.
Do vậy, bên cạnh những quy định về cấp mã số cá nhân, dự thảo sẽ quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử phải được thực hiện tập trung. Trong đó, Bộ Tư pháp quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu toàn quốc, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền truy cập, quản lý, xem, sử dụng cho các cấp tỉnh, huyện và xã.
Về hình thức, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là cơ sở dữ liệu mở có thể kết nối với các cơ sở dữ liệu khác như: Cơ sở dữ liệu dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ khẩu, Cơ sở dữ liệu chứng minh nhân dân, Cơ sở dữ liệu thuế, Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, Cơ sở dữ liệu quốc tịch, Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức...
Trả lời câu hỏi "vậy phương thức xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch liệu sẽ triển khai bằng cách nào", ông Thất cho biết, dự thảo dự kiến quy định theo hướng UBND cấp xã thực hiện đăng ký hộ tịch đồng thời trên sổ bằng giấy và trên máy tính. Đối với những xã chưa đủ điều kiện thực hiện đăng ký trên máy tính và phần mềm công cụ hỗ trợ thì thực hiện đăng ký bằng sổ giấy và cập nhật dữ liệu vào máy tính. Theo định kỳ hàng tháng UBND cấp huyện sẽ cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tại UBND cấp huyện, tiếp đó UBND cấp huyện có trách nhiệm cung cấp dữ liệu để Sở Tư pháp cập nhật vào cơ sở dữ liệu tại Sở này. Việc cập nhật dữ liệu có thể thông qua đường truyền trực tuyến hoặc thực hiện cập nhật theo phương thức thủ công.
Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp cho biết, hiện nay Bộ Tư pháp đang dự thảo luật hộ tịch trong đó có những nội dung quan trọng về việc xây dựng mã số cá nhân, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử,... nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất và có hiệu lực cao cho công tác quản lý hộ tịch - hoạt động gắn chặt chẽ với đời sống của mỗi công dân.
Theo Chinhphu.vn