Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 503/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc về tình hình thực hiện các công trình giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế của tỉnh.
Xây dựng Lâm Đồng trở thành cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Tây Nguyên. Ảnh nguồn: Báo Lâm Đồng |
Tại Thông báo nêu rõ: Tỉnh Lâm Đồng là trung tâm giao thương, có vị trí chiến lược, kết nối trực tiếp của 3 vùng kinh tế Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ; có tiềm năng kết nối quốc tế thông qua Cảng Hàng không quốc tế Liên Khương và các trục hành lang kinh tế quốc gia. Trong tương lai, khi tuyến đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa khu vực Đông Nam bộ với tỉnh Lâm Đồng.
Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã rất chủ động đề xuất đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương. Năm 2023, kinh tế tỉnh Lâm Đồng được phục hồi và tiếp tục phát triển sau đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,02% so với cùng kỳ. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Thông báo kết luận, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo về tình hình thực hiện một số công trình giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế của Tỉnh.
Bảo đảm tiến độ khởi công cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc vào Quý I năm 2024
Cụ thể, về tình hình thực hiện Dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Dự án đường cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương, Thông báo nêu Dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10-11-2022 và giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo phương thức đối tác công tư. Dự án đường cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các thủ tục liên quan theo đúng quy định (như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở;...) và chủ động triển khai thực hiện thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi giải phóng mặt bằng, cũng như chuẩn bị đầu tư các khu tái định cư. Về cơ bản các dự án đã được triển khai theo đúng kế hoạch.
Nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến rừng cần sớm được tháo gỡ để thực hiện dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Ảnh: LÂM VIÊN/TNO |
Về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông-Vận tải khẩn trương thẩm định Thiết kế cơ sở của Dự án, hoàn thành trước ngày 25-11-2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành Báo cáo thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, hoàn thành trước ngày 15-12-2023, bảo đảm tiến độ khởi công vào quý I năm 2024.
Về kiến nghị bổ sung nguồn vốn Ngân sách Trung ương cho dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1) với kinh phí 2.500 tỷ đồng, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Nghị quyết số 40/2023/NQ-UBTVQH15 ngày 15-11-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và và Thông báo số 3122/TB-TTKQH ngày 21-11-2023 của Tổng Thư ký Quốc hội, khẩn trương thực hiện các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng rà soát, chuẩn bị các điều kiện để khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định ngay sau khi được cấp có thẩm quyền thông báo vốn.
Đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Liên Khương
Cảng hàng không Liên Khương đã được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, với quy mô cấp 4E, công suất 5 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2021-2030) và 7 triệu hành khách/năm (định hướng đến năm 2050).
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông-Vận tải khẩn trương phê duyệt quy hoạch chi tiết; phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện đầu tư nâng cấp trên cơ sở căn cứ nhu cầu và Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đầu tư đường cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa)-Liên Khương (Lâm Đồng)
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc này được đầu tư trong giai đoạn sau năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Khánh Hòa căn cứ nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và khả năng huy động được nguồn lực, thống nhất với Bộ Giao thông-Vận tải để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đầu tư sớm hơn theo đúng quy định tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch có liên quan để đầu tư, khai thác có hiệu quả hạ tầng kinh tế, xã hội liên quan đến tuyến đường này, trong đó nghiên cứu áp dụng mô hình TOD.
Khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Đà Lạt-Tháp Chàm
Tại Thông báo số 06/TB-VPCP ngày 11-1-2023 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu phương án khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt theo phương thức PPP. Phó Thủ tướng đề nghị Tỉnh khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông-Vận tải để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định.
Một góc Ga Đà Lạt. (Nguồn: Báo Lâm Đồng) |
Xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển giàu mạnh và văn minh
Về quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng chỉ đạo Quy hoạch mới chỉ là định hướng, không nên cầu toàn. Quy hoạch phải rất mở, đón những sự thay đổi. Cụ thể: Phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch ngành quốc gia; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, bền vững; Chú trọng phát huy hiệu quả nội lực và tăng cường thu hút ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng.
Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển du lịch; thay du lịch canh nông, canh lâm bằng du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Phấn đấu xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Tây Nguyên; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững.
Sửa đổi Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp
Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp theo chỉ đạo tại văn bản số 468/TB-VPCP ngày 14-11-2023 của Văn phòng Chính phủ kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và PTNT về một số nhiệm vụ cấp bách, khó khăn cần tháo gỡ trong lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).