"Xâu xé" đất rừng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Không chỉ phá rừng lấy gỗ, gần đây, tình trạng phá rừng, san gạt lấn chiếm đất rừng đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi ở Tây Nguyên. Các địa phương “nóng” về tình trạng này đang đề ra các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn, trong đó có truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra phá rừng.

Phá rừng lấy đất, lấy gỗ

Thời gian gần đây, khi thông tin tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sắp được đầu tư xây dựng thì cơn sốt đất tại nhiều địa phương ở Lâm Đồng không ngừng tăng nhiệt. Cùng với đó, tình trạng phá rừng, lấn chiếm, san gạt đất rừng cũng nóng theo.

Đến khu vực chân đèo Prenn (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), chúng tôi chứng kiến một khoảnh rừng gần 4.000m² tại tiểu khu 267C vừa bị người dân san ủi, đất đồi trơ màu đỏ quạch. Cách đó đó không xa, lớp thực bì, thông ba lá cũng bị đốt cháy nham nhở. Căn nhà gác rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh ở ngay giữa rừng dường như không làm cho tốc độ lấn chiếm đất rừng tại khu vực này chậm lại. Nhiều cây thông bị đầu độc chết đứng và đất rừng được người dân đóng cọc sắt để chia ranh giới.

“Người ta đóng cọc sắt để “xí” đất, bẵng đi một thời gian nếu thấy ổn thì sẽ trồng cà phê, mít, mai anh đào, chuối… rồi thông từ từ bị đầu độc chết khô”, ông H.Q. (người dân xã Hiệp An) nói.

Qua tìm hiểu, tiểu khu 267C (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý là điểm nóng phá rừng của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng khu vực khoảnh 7 thuộc tiểu khu này đã có trên 2,6ha rừng bị phá, trong đó diện tích phá trắng toàn bộ cây rừng là 1,7ha.

Ngược về huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nhiều diện tích rừng cũng bị phá nham nhở. Ghi nhận tại tiểu khu 257, xã Măng Cành, một khoảnh rừng rộng lớn bị phá trắng, cây rừng to, nhỏ nằm ngổn ngang. Qua đo đạc, cơ quan chức năng xác định, có tổng cộng hơn 14.300m² rừng do UBND xã Măng Cành quản lý bị tàn phá, mục đích để lấy đất.

Thượng tá Trịnh Quốc Quân, Trưởng Công an huyện Kon Plông, cho biết, vụ phá rừng ở tiểu khu 257 đã bị khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ sang cho công an huyện. Cũng theo Thượng tá Quân, trong quý 1-2022, ngoài việc vừa khởi tố 11 người về hành vi hủy hoại rừng, công an huyện còn khởi tố 7 đối tượng tham gia khai thác 44 cây gỗ với 60m³ gỗ, thiệt hại xảy ra tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.

Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, tình trạng “xâu xé” rừng lấy gỗ, lấy đất sản xuất vẫn chưa hạ nhiệt. Có mặt tại tiểu khu 1219 lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi chứng kiến hàng chục cây pơ mu với đường kính từ 50-80cm bị cắt hạ. Hiện trường chỉ còn lại cành nhánh, bìa gỗ và mùn cưa.

 

 Rừng ở tiểu khu 272, xã Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bị tàn phá. Ảnh: HỮU PHÚC
Rừng ở tiểu khu 272, xã Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bị tàn phá. Ảnh: Hữu Phúc


Truy trách nhiệm người đứng đầu

 Sau khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Lâm Đồng, ngày 1-4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập cuộc họp đột xuất chỉ đạo xử lý các vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã yêu cầu Sở NN-PTNT rà soát lại toàn bộ diện tích rừng, các vụ phá rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp từ năm 2018, chủ động rà soát các vụ nổi cộm trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao công an tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng phá rừng trên địa bàn; yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động tuần tra, truy quét các điểm nóng, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng theo quy định; tổ chức rà soát xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn. Tại các địa phương, tiếp tục khẩn trương tổ chức giải tỏa toàn bộ diện tích rừng bị lấn chiếm, thu dọn hiện trường các vụ phá rừng để tổ chức trồng rừng theo đúng quy hoạch.

Mới đây, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý và bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó yêu cầu xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã; xử lý bằng hình thức giáng chức và điều chuyển công tác đối với hạt trưởng kiểm lâm, thủ trưởng đơn vị quản lý rừng thuộc Nhà nước khi để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nghiêm trọng, kéo dài trên địa bàn quản lý; xử lý, đưa ra khỏi ngành những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần chuyển cơ quan điều tra xử lý nếu tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tiếp tay, bao che, dung túng cho các đối tượng vi phạm.

Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm vùng IV (thuộc Cục Kiểm lâm, đơn vị theo dõi, quản lý bảo vệ rừng 11 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên) cho biết, để bảo vệ rừng, sắp tới, đơn vị sẽ tổ chức trinh sát, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm lâm luật, nhất là vùng trọng điểm. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là các lĩnh vực giám định thiệt hại về rừng, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp nằm nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm toàn vùng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

 


Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, quý 1-2022, toàn vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên xảy ra 341 vụ phá rừng (tăng 122 vụ), gây thiệt hại 124ha (tăng 31,8ha) so cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng phá rừng xảy ra ở hầu hết các địa phương trong vùng, tập trung chủ yếu tại các tỉnh  Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên.


Theo HỮU PHÚC - ĐOÀN KIÊN - ĐÔNG NGUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm