"Xẻ" rừng già, lâm tặc phá nguyên một cánh rừng. Toàn bộ gỗ quý được vận chuyển ra khỏi rừng. Quang cảnh còn lại chỉ là cảnh hoang tàn.
Sau Tết, nhận tin báo của người dân về nhiều điểm phá rừng trong lâm phần do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk) quản lý, nhóm phóng viên đã tìm đến 2 khoảnh rừng mà lâm tặc lựa chọn phá rừng.
Để vào khu vực trên, chúng tôi phải di chuyển từ xã Ea H'leo đi về Quốc lộ 14, đoạn gần giáp ranh với địa phận tỉnh Gia Lai rồi rẽ ngược lên con đường đất đỏ. Lội thêm khoảng 5km đường núi là đến địa điểm phá rừng.
Người dẫn đường (đề nghị giấu tên), cho biết khu vực thuộc khoảnh 8, Tiểu khu 18 bị lâm tặc đưa các phương tiện cơ giới vào cày xới, phá rừng có thể xảy ra trước Tết Nguyên đán.
"Mặc dù đây là lâm phận được giao Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả quản lý, bảo vệ, nhưng vụ việc phá rừng lại do chính quyền xã phát hiện chứ không phải Công ty Chư Phả" - người dẫn đường tiết lộ.
|
Hiện trường phá rừng tại Tiểu khu 18 do Cty Chư Phả quản lý, bảo vệ. Ảnh: HL |
Theo ghi nhận, toàn bộ các loại gỗ quý tại Tiểu khu 18 đã được lâm tặc vẫn chuyển ra ngoài. Những cây gỗ bị bỏ lại phần vì hư lõi, phần cũng bởi không có giá trị.
|
Rừng bị phá thời điểm cận Tết để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: HL |
Rừng sau khi bị đốn hạ, lâm tặc châm lửa đốn trụi cảnh quan trên 3ha.
|
Sau khi phá rừng, lâm tặc đốt trụi toàn bộ cảnh quan xung quanh. Ảnh: HL |
Trên đường độc đạo vào hiện trường phá rừng thứ 2, chúng tôi di chuyển ngay qua nhà ở Phân trường 1 do Cty Chư Phả quản lý.
Nhưng tới thời điểm này, vẫn chưa có người làm việc.
|
Hình ảnh tại nhà Phân trường 1 do Cty Chư Phả quản lý và một lán trại của lâm tặc. Thời điểm PV có mặt, những nơi này đều không có người xuất hiện. Ảnh: HL |
So với rừng tại Tiểu khu 18, trữ lượng gỗ ở khu vực này lớn và đa dạng hơn nhiều.
"Khu vực này lâm tặc phá rừng trước và trong Tết. Toàn bộ nơi này đều là rừng nguyên sinh nên chỉ có thể lấy gỗ, việc phá rừng lấy đất sản xuất là khó có khả năng" - người dẫn đường cho biết.
Ít ai biết, vào năm 2017, cũng chính tại khu vực Tiểu khu 22, ngành chức năng đã phát hiện một đại công trường khai thác, tập kết hơn 45 mét khối gỗ.
|
Phía sau những cánh rừng bị phá trụi là một tấm bảng nghiêm cấm phá rừng. |
|
Theo ghi nhận, toàn bộ cánh rừng tại Tiểu khu 22 bị phá tan hoang, không có dấu hiệu phục hồi. Ảnh: HL |
|
Những cây gỗ lớn bị đưa đi, hiện trường còn lại chỉ còn nhiều cành cây nhỏ hoặc không có giá trị kinh tế. Ảnh: HL |
Chính quyền nói gì?
Ngay khi nhận phản ánh của Báo Lao Động cùng tin báo của người dân, một lãnh đạo Công an huyện Ea H'leo cho biết, Viện KSND huyện Ea H'leo cùng đơn vị chủ rừng đã nhanh chóng cử cán bộ đến khu vực rừng bị phá để tiến hành thực nghiệm hiện trường.
"Sau khi thực hiện hiện trường, Công an huyện Ea H'leo đang điều tra, xác minh các đối tượng phá rừng" - một lãnh đạo Công an huyện thông tin đến Báo Lao Động.
Ông An Ngọc Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả xác nhận đã nắm được thông tin phá rừng.
Liên quan đến việc trạm bảo vệ rừng chỉ cách khu vực phá rừng khoảng 1km, ông Tân cho biết sẽ tiến hành kiểm tra trách nhiệm, xử lý những cá nhân buông lỏng để mất rừng.
"Những vụ phá rừng thường xảy ra ở những địa điểm xa, cách trở nên lực lượng bảo vệ rừng khó kiểm soát hết. Chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng chức năng điều tra những vụ phá rừng này" - ông Tân cho biết.
Theo HỮU LONG (LĐO)