Đây là một trong những nội dung tại Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam mà WB công bố tại cuộc họp báo về Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) chiều 30-11, tại Hà Nội.
Những kết quả này cho thấy việc thực hiện Nghị quyết 11 bắt đầu có kết quả thông qua chỉ số lạm phát giảm dần qua từng tháng. Chính sách thắt chặt tiền tệ đã giúp kiềm chế tăng trưởng tín dụng và cung tiền.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, tổng lượng FDI cam kết giảm 22% trong 10 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng dần chững lại.
"Thách thức của Việt Nam hiện nay là mặc dù đã giảm được thâm hụt ngân sách nhờ tăng doanh thu, nhưng ít nỗ lực giảm chi tiêu, dù chi tiêu hiện đang ở mức cao", báo cáo dẫn phân tích của các chuyên gia WB.
Bên cạnh đó, các chuyên gia WB cũng khuyến cáo Việt Nam chú ý đến tình hình nợ nước ngoài để tránh bị sự đổ vỡ. Nợ của Việt Nam vẫn luôn ở mức cao, nhưng đã trở nên xấu hơn kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu cuối năm 2008. Tổng nợ nước ngoài ước tính đã lên 42% của GDP vào cuối năm 2010, tăng gần 10 điểm phần trăm so với cuối năm 2007.
"Mặc dù nợ nước ngoài và các chỉ số nợ vẫn dưới ngưỡng cho phép trong khuôn khổ nợ bền vững nhưng tình hình có thể xấu đi nhanh chóng như đã và đang diễn ra với nhiều nước phát triển và đang phát triển", chuyên gia kinh tế trưởng của WB, ông Deepak Mishra nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, WB cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng trong lĩnh vực tài chính do "tăng trưởng tín dụng cao bất thường trong những năm qua, lãi suất cho vay cao và năng lực quản lý rủi ro tương đối yếu".
Trên cơ sở những phân tích trên, WB đã đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần minh bạch thông tin hơn nữa về chiến lược và hướng đi tổng thể để tránh bất ổn thị trường.
Ông Deepak Mishra cho rằng Việt Nam cần ưu tiên hiệu quả đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và các cải cách cơ cấu khác kể cả khi việc này đồng nghĩa với hạn chế tăng trưởng trong ngắn hạn.
"Giảm thâm hụt ngân sách và các yếu tố cấu trúc của Nghị quyết 11, bao gồm cả việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực tài chính sẽ giúp Việt Nam quay lại một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững và đặt nền móng cho hiệu quả cao hơn để tăng trưởng trung hạn", vị chuyên gia này nhấn mạnh.