Chị Ng.T.H. sau 4 năm kết hôn với anh V.V.B. tổ 1, phường Ia Kring (TP. Pleiku, Gia Lai) đã vỡ mộng: “Nếu em biết trước chồng và mẹ chồng vũ phu thì em không bao giờ về làm dâu đâu”.
Minh họa: Thanh Huyền |
Còn anh H. thường phó mặc chuyện chăm con, gia đình cho vợ, chỉ mỗi việc đi làm. Lâu lâu, vợ cũng tâm sự với chồng về những vất vả của mình, anh H. sợ mẹ nghĩ nuông chiều vợ nên không dám giúp. Mẹ chồng chị H. từ ngày có cháu đôi lúc cũng giúp chị cho ăn, giữ cháu để vợ chồng đi làm. Nhưng càng ngày bà càng coi chị như một con ở, mọi việc trong nhà đều do một mình chị xoay xở. Thậm chí ngày nghỉ cả nhà ngồi tán dóc mà chẳng ai đoái hoài giúp chị một tay.
Không những thế, nhiều người trong nhà còn coi thường chị H. vì lương thấp. Thấy chị H. diện bộ quần áo mới thì cả nhà xì xào, mẹ chồng nhìn trước ngó sau, nói bóng nói gió. Nghe mẹ nói xấu vợ, anh không tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề mà chửi bới, thậm chí đánh đập vợ. Trong lúc chị H. bị chồng đánh, đáng lẽ mẹ chồng vào can thì bà xông vào cùng con trai đánh chị. Lúc đó chị H. chỉ biết khóc, ôm quần áo về nhà mẹ đẻ.
Chị H. tâm sự: Lúc vợ chồng cãi, đánh nhau như thế tôi tủi thân lắm nhưng nhiều đêm nằm một mình lại thương và nhớ con vô cùng. Tôi cứ tưởng sau khi mâu thuẫn xảy ra như thế, mẹ chồng sẽ thay đổi nhưng bà lại làm như chẳng có chuyện gì. Tôi bàn với chồng ra ở riêng nhưng anh ấy khăng khăng không chịu vì anh là con một. Cuộc sống của vợ chồng tôi lúc nào cũng mệt mỏi là vì vậy.
Thông thường khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân, vợ chồng không tránh khỏi có những lúc mâu thuẫn, bất đồng, nhất là trong gia đình có hai, ba thế hệ sống trong một nhà. Nguyên nhân khiến vợ chồng cãi nhau thường có khi là chuyện rất nhỏ nhặt. Anh V.V.B. cho biết: Có những chuyện nhỏ nhặt đến mức như mẹ tôi nhắc “nhớ rửa cái chậu cho sạch rồi giặt”, vợ tôi im lặng mà bà cũng tức.
Là người đứng ở giữa tôi biết xử trí thế nào đây. Mà bố mẹ muốn chúng tôi phải ở chung cho vui cửa vui nhà. Vợ tôi thì thấy gò bó nên hay gây chuyện với tôi, nhiều lần tỉ tê đòi ra ở riêng không được là lại gây chuyện.
Những chuyện như thế trong cuộc sống vẫn thường xảy ra. Khi mâu thuẫn lên “đỉnh điểm”, nếu người trong cuộc không biết điều chỉnh thì rất dễ dẫn đến xích mích. Như chuyện của anh chị H., anh rất thần tượng mẹ, có chuyện gì cũng tâm sự với mẹ sau mới nói với vợ. “Những ngày đầu tôi có tâm trạng bực bội, tức tối vì có cảm giác bị o ép, nhưng bây giờ thì khác, sau những lần xảy ra mâu thuẫn, anh đều nhận sai về mình. Tôi là vợ cũng thấy ấm lòng và tự hứa sẽ làm anh hạnh phúc”- chị H. tâm sự nỗi lòng của mình.
Còn anh B., nhiều đêm đã phân tích cho vợ nghe: Mỗi thế hệ có cách nghĩ, cách sống, quan niệm khác nhau. Việc anh đứng ở giữa làm sao dung hòa được là điều rất khó khăn với anh. Em làm vợ đừng ấm ức mãi trong lòng mà em hãy lấy tình yêu thương làm trọng.
Câu chuyện của vợ chồng chị H., anh B. có lẽ cũng là lời nhắn nhủ cho tất cả những đôi vợ chồng đang sống cùng với hai, ba thế hệ trong một mái nhà. Lấy tình thương, sự kính trọng và sự thông cảm hiểu biết ra ứng xử với nhau thì “sóng gió gia đình” khó có cơ hội nổi lên.
Đinh Yến