Vướng hộ khẩu, học sinh nghèo ở Đắk Lắk không nhận được hỗ trợ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hàng trăm em học sinh huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk do gia đình không có hộ khẩu nên các em không được hưởng hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
 

 

Gia đình em Ma Văn Sơn, học sinh lớp 8B, trường THCS Lê Lợi (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) từ Cao Bằng vào Đắk Lắk hơn 10 năm nay. Gia đình của Sơn chỉ có sổ tạm trú ở xã Đắk Nuê, nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính Phủ.

“Em đi học không có hộ khẩu nên thiệt thòi không được nhà trường cấp hỗ trợ chi phí học tập, hàng tháng không được cấp gạo, tiền hỗ trợ. Không có hộ khẩu, điều kiện cũng khó khăn hơn”, Sơn tâm sự.


 

Em Ma Văn Sơn không được nhận hỗ trợ vì gia đình không có hộ khẩu.
Em Ma Văn Sơn không được nhận hỗ trợ vì gia đình không có hộ khẩu.



Mặc dù gia đình rất khó khăn nhưng em Lầu A Vễnh lớp 8B, Trường THCS Lê Lợi, xã Đắk Phơi vẫn cố gắng đến trường trọ học để theo đuổi ước mơ.

Gia đình Vễnh có 5 anh em. Đầu năm học này để chuẩn tiền cho anh em Vễnh đến trường, bố và anh trai đã vào rừng lấy hoa lan để bán. Không may, bố trượt chân xuống suối Đắk Liêng tử vong. Anh trai và em gái học lớp 5 phải nghỉ học ở nhà đi làm thuê và phụ mẹ trông 2 em nhỏ.

Lầu A Vễnh cho biết, mỗi tháng đi học em được gia đình cho 50.000 đồng và gần 10 kg gạo. Để có tiền đi học và phụ giúp gia đình, hàng ngày sau buổi lên lớp, tranh thủ thời gian rảnh và ngày nghỉ cuối tuần em cùng với các bạn rủ nhau đi làm thuê cho người dân gần trường trang trải cho cuộc sống.

Vễnh cho biết: “Nếu gia đình em không thiếu hộ khẩu thì anh trai, em gái sẽ không phải nghỉ học, hàng tháng được ứng gạo đỡ khó khăn hơn”.

Trường THCS Lê Lợi, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk hiện có 24 em học sinh dân tộc H’mông đang theo học nhưng không có hộ khẩu.

Ông Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi cho biết, nếu chiếu theo Nghị định của Chính phủ quy định, các em đều đủ các điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên do gia đình vướng về hộ khẩu nên các em rất khó khăn. Dù nhà trường không có nội trú nhưng cũng sắp xếp được 3 phòng, giúp các em có chỗ ở để trọ học.

Ông Hưng cho biết thêm: "Nếu thay đổi được văn bản, tối thiểu mỗi em được hưởng 15 kg gạo/tháng và 40% mức lương cơ bản hiện tại, như vậy sẽ đỡ cho các em và gia đình rất nhiều. Vì các em đều là người dân tộc ở phía Bắc chuyển vào gia đình rất là khó khăn”.


 

 Trường THCS Lê Lợi làm vườn rau hỗ trợ học sinh nghèo về trọ học.
Trường THCS Lê Lợi làm vườn rau hỗ trợ học sinh nghèo về trọ học.



Việc học sinh thiếu hộ khẩu nên không được hỗ trợ, không chỉ xảy ra ở Trường THCS Lê Lợi xã Đắk Phơi.

Ông Y Nốt B’krôngk, Chủ tịch UBND xã Đắk Nuê cho biết, toàn xã có hơn 250 hộ dân chưa làm được hộ khẩu do đó hơn 200 em học sinh từ cấp 1 đến cấp 2 chưa được hưởng chính sách.

Phần lớn gia đình các em ở trên đất rừng nên địa phương không thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì vậy không làm được hộ khẩu cho các hộ dân.

"Hiện nay vẫn chưa làm được hộ khẩu nên các em không nhận được trợ cấp của Nhà nước. Đây là vấn đề khó khăn nhất của địa phương hiện nay. Nếu có thể được các cấp, các ngành nên tạo điều kiện để cho các em học hành tốt hơn”, ông Y Nốt B’krôngk cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lắk cho hay, qua rà soát tại các trường học trên địa bàn phần lớn các em học sinh chưa được hưởng hỗ trợ là các em thuộc gia đình di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào. Phòng đã làm văn bản trình lên cấp trên để xin ý kiến. Tuy nhiên nếu có điều chỉnh về văn bản quy định thì chính sách mới đến được với các em.

Ông Thịnh cho biết: “Nếu xét về điều kiện về km từ 7km trở lên qua sông, qua suối ở bán trú thì được hưởng, nhưng hiện nay điều kiện thứ 2 là phải có hộ khẩu thường trú tại địa điểm đó thì các em không có. Sau khi phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường nghiên cứu đối chiếu các thông tư, các văn bản quy định thì các em này không có hộ khẩu thường trú nên không được hưởng”.

Với khát khao được đến trường, hàng trăm em học sinh nghèo huyện Lắk hàng ngày vẫn vượt rừng, băng suối trọ học để theo đuổi ước mơ. Tuy nhiên do gia đình vướng hộ khẩu, chính sách hỗ trợ của Nhà nước các em không được nhận nên con đường đến trường của các em vẫn còn nhiều khó khăn.

Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên

 

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.