Vườn nho của 9X Hà Nội có gì đặc biệt mà người dân tò mò đến xem?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Vì đam mê và quyết tâm gắn với nghề cuốc đất trồng nho này mà mình đã từ chối một vị trí công việc khá tốt nên bị gia đình, họ hàng nói cho to đầu" đó là chia sẻ dí dỏm mà thật lòng của anh Hoàng Văn Cương (SN 1997) ở Khai Phái, Phú Xuyên, Hà Nội.
1 trong 3 người được giáo sư Trung Quốc trực tiếp hướng dẫn
Đến thăm vườn nho Hạ Đen ở địa chỉ thôn Toàn Tâm, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) ai nấy đều ngỡ ngàng và thích thú bởi vườn nho đen sai trĩu quả. Chủ của vườn nho lúc lỉu này chính là chàng trai 9X Hoàng Văn Cương.
Anh Cương cho biết: Sau khi tốt nghiệp THPT anh theo học Khoa Cây trồng - Đại học Nông Lâm Bắc Giang. Tại đây anh được các thầy cô truyền lại kiến thức cũng như niềm đam mê đối với ngành trồng trọt. "Mình được tiếp xúc và học hỏi rất nhiều kiến thức kinh nghiệm từ các thầy cô, đặc biệt 2 thầy cô đang trực tiếp nghiên cứu về cây nho. Từ đó mình cũng ấp ủ dự định về một vườn nho sai trĩu quả ở ngay trên mảnh đất quê hương", anh Cương chia sẻ.

Những chùm nho Hạ Đen tại vườn nho của anh Cương.
Những chùm nho Hạ Đen tại vườn nho của anh Cương.
Vì lỡ có niềm đam mê với cây nho nên anh đã từ chối vào làm việc tại Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam. "Mình bị nói rất hiều, ai cũng bảo mình hâm, là dại dột vì bỏ công việc tốt để về cuốc đất trồng cây", anh Cương tâm sự.
Anh Cương cho biết, anh là 1 trong 3 người đầu tiên được các giáo sư người Trung Quốc trực tiếp giảng dạy, trao đổi kỹ thuật kinh nghiệm trồng giống nho này nên anh rất tự tin với lựa chọn của bản thân. Có vốn kiến thức, có mối quan hệ với thầy cô, bạn bè hồi học tại trường, cộng thêm đó là ngôi trường anh đã theo học là nơi đã trồng khảo nghiệm thành công giống nho này nên chàng trai trẻ nuôi hoài bão làm giàu từ nghề nông. Anh quyết định khởi nghiệp với cây nho Hạ Đen bởi giống nho này ở miền Bắc đang có nhiều triển vọng nếu thành công sẽ có thu nhập cao.

Vì là cây khá khó tính nên quá trình trồng và chăm sóc giống nho này rất tỉ mỉ, đúng kỹ thuật.
Vì là cây khá khó tính nên quá trình trồng và chăm sóc giống nho này rất tỉ mỉ, đúng kỹ thuật.
Khởi nghiệp năm 23 tuổi
Nói là làm, chàng trai trẻ khi ấy mới 23 tuổi quyết tâm bắt tay vào thực hiện. Nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng ở Lạng Sơn khá thích hợp nên ban đầu anh Cương trồng hơn 1 sào nho Hạ Đen tại quê vợ là xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng. "Tháng 2/2020 mình nhập 140 cây giống (50.000 đồng/cây) trồng tại diện tích đất trên quê vợ, sau đó mình mở rộng trồng thêm ở Hà Nội và Hà Nam" anh Cương chia sẻ.
Anh Cương cho biết: Nho Hạ Đen có xuất xứ từ Trung Quốc là giống nho có những ưu điểm vượt trội hơn so với các loại nho trồng bản địa tại nước ta như sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch; năng suất đạt khoảng 16,4 tấn/ha trong năm đầu tiên; có độ ngọt cao, quả tròn, sai quả, thịt quả dày.
Nho là cây dây leo nên tốc độ phát triển rất nhanh, diện tích mà lớn thì hôm nay ngắt ngọn, bấm tỉa cuối vườn thì một hai ngày sau đầu vườn cây đã phát triển như cũ, bởi thế anh luôn tập trung và tỉ mỉ trong các khâu chăm sóc, cắt tỉa. Đồng thời, Hạ Đen là loại nho khó ra hoa đậu quả một cách tự nhiên mà phải có biện pháp xử lý nên yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Cây tương đối mẫn cảm, thu hút nhiều loại sâu bệnh nên phải phòng trừ đúng thời điểm, đúng liều lượng...

Chàng trai trẻ 23 tuổi Hoàng Văn Cương bên vườn nho của mình.
Chàng trai trẻ 23 tuổi Hoàng Văn Cương bên vườn nho của mình.
Anh Cương chia sẻ, khi nho bắt đầu lên giàn thì cần chọn 2 cành khỏe nhất để vít sang 2 bên, sau đó tiếp tục nuôi và giữ lại mỗi bên từ 3 đến 4 cành. Khi thân cây ra đủ 5 lá thì cần ngắt ngọn mới có quả, nếu không nho sẽ leo như dây rừng. Khi thấy cây đủ già, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng mới cho đậu quả, nếu cây còn yếu mà đã cho ra quả thì chất lượng quả sẽ rất thấp. 
Để đảm bảo cây phát triển, anh Cương chia diện tích đất thành các luống, trồng gốc cách gốc 1 m, luống cách luống 2,5 m. Bên trên làm mái che bằng nilon để hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bọ phát triển; sử dụng dây thép để cố định khung vòm mái che và căng các hàng dây cho nho leo, các loại dây thép sử dụng để căng giàn đều là thép không gỉ.
Theo anh Cương mái che nilon là điều kiện tiên quyết khi trồng nho Hạ Đen ở miền Bắc để phòng ngừa mưa gió gây ra rách lá, cây phát sinh nấm bệnh. Đất trồng nho thích ứng khá rộng, từ đất ruộng, đất bãi đến đất đồi núi thậm chí cả đất bạc màu nhưng cần phải tuyệt đối không để bị ngập nước. Sau gần 1 năm chăm sóc, đến nay cả vườn nho của anh Cương đang cho cho thu hoạch.

Nhân dân và du khách trả nghiệm hái nho tại vườn anh Cương.
Nhân dân và du khách trả nghiệm hái nho tại vườn anh Cương.
Năm đầu tiên thu hoạch, với năng suất trung bình đạt 250kg/sào, từ năm thứ 2, vườn có thể cho thu 300-400kg/sào. Cứ như vậy năng suất sẽ tăng liên tục qua các năm. "Hiện tại mình đang mở cửa vườn nho cho người dân và du khách vào tham quan trải nghiệm miễn phí. Khách hàng có nhu cầu có thể tự tay cắt nho và cân tại vườn với giá 150.000/kg", anh Cương nói.
Nói về dự định trong thời gian sắp tới, chàng trai 23 tuổi khuôn mặt rạng rỡ, háo hức cho biết: Mặc dù còn rất nhiều gian nan phía trước nhưng các cụ có câu "có chí thì nên, cần cù bù thông minh" nên thời gian tới anh dự định sẽ trồng thử nghiệm thêm giống nho sữa nổi tiếng của Nhật Bản. Đồng thời tăng diện tích vườn nho Hạ Đen, liên kết hướng dẫn bà con phát triển giống nho này, trồng theo hướng an toàn đảm bảo đạt tiêu chuẩn về kích thước quả, độ ngọt, trọng lượng chùm... để có thể phân phối vào các siêu thị trong nước.
Giống nho Hạ Đen này đã bước đầu cho thấy cho hiệu quả kinh tế cao, sau khoảng 2-3 vụ người trồng có thể hòa vốn và có lãi, ngoài việc thu quả, các vườn nho có thể trở thành điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn du khách.
Tuấn Minh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.