Đắng họng nhìn mía cháy
Đã 4 ngày trôi qua sau khi được mọi người lôi ra khỏi ruộng mía cháy, thoát chết trở về, ông Trần Văn Sinh ở thôn Thanh Trang, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện vẫn chưa hết bàng hoàng. Khoảng 4 giờ sáng 12-11, đang ngủ mơ màng thì nghe tin mía cháy, ông Sinh chạy hơn 3 cây số ra đến ruộng mía, lửa đã ửng đỏ một góc trời. “Cầm dao lao vào ruộng mía phát đường ranh cản lửa được hơn chục mét tôi đã bị ngọn lửa cháy bao vây tứ phía đến ngợp thở. May mà được mọi người lôi ra kịp, không thì mất mạng. Ruộng mía 7 ha- tài sản lớn nhất của gia đình cả năm trông đợi vào đấy đã bị ngọn lửa đốt vèo chỉ còn lại chừng hơn 1 ha”.
Ông Trần Văn Sinh bên ruộng mía nhà mình bị cháy. Ảnh: Đức Phương |
Hôm nay, Nhà máy Đường Ayun Pa- nơi ký hợp đồng nhận đầu tư và bán nguyên liệu-chưa hoạt động. Xót của, những nông dân có mía bị cháy phải chở mía xuống nhập cho Nhà máy Đường Bình Định thông qua sự giới thiệu của Nhà máy Đường Ayun Pa mà chưa biết họ mua giá bao nhiêu. Ông Sinh nói: “Nghe nói Nhà máy Đường Bình Định mua mía theo chữ đường và trừ tạp chất mía cháy rất cao. Tôi đã nhập cho nhà máy chừng 300 tấn mía nhưng cũng chưa biết là họ mua giá bao nhiêu vì họ chưa gửi thông báo kết quả đo chữ đường…” .
Ngồi nhặt nhạnh những cọng rác đen xỉn còn lại trên ruộng mía cháy mới chặt, ông Đỗ Hồng Sơn, ở xã Ia Peng, huyện Phú Thiện thở dài ngao ngán: “Ruộng mía của tôi bị cháy đầu tiên trong xã. Lúc 1 giờ 30 phút ngày 11-11, nghe người dân báo cháy mía, tôi huy động hơn 30 người gồm toàn bộ lực lượng chữa cháy mía của xã và dân làng chạy ra cắt đường ranh cản lửa thì mía cũng đã cháy mất 6 sào trên tổng diện tích ruộng 1,3 ha”.
Cần có biện pháp bảo vệ
Liên tục trong các năm vừa qua, vùng Đông Nam tỉnh thường xảy ra cháy mía. Những năm trước, mía cháy vào thời điểm Tết Nguyên đán hoặc vào cuối vụ. Năm nay, điều bất thường là mía lại cháy ngay trước vụ ép, khi Nhà máy Đường Ayun Pa còn chưa vận hành.
Ông Đỗ Hồng Sơn cho biết: Ruộng mía ở sát nhà dân, khi thấy lửa bùng lên, ông đã cùng người nhà chạy ra sớm nhất thì thấy ba đám lửa khác nhau bốc lên từ giữa ruộng. Còn ông Trần Văn Sinh thì cho rằng: Ruộng mía nhà ông bị đốt từ giữa. Mới mưa xong, ruộng mía đang còn ẩm, lại cháy vào lúc nửa đêm nên không thể nói là do nóng quá mía tự cháy hay do người dân đi làm đồng dùng lửa bất cẩn. “Đích thị là có người phá hoại”- ông Sơn nói.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai, trong 1 tuần vừa qua, đã xảy ra 5 vụ cháy ruộng mía với tổng diện tích thiệt hại 15,1 ha; ước sản lượng mía cháy gần 1.000 tấn. Địa bàn xảy ra cháy mía trải rộng trên các xã: Ia Peng, Chư A Thai, Ia Hiao, Pờ Tó (huyện Phú Thiện) và xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa). |
Vấn đề cốt lõi là chính quyền địa phương trong vùng nguyên liệu cần vào cuộc gắt gao để tuyên truyền, vận động và có các biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng đốt mía phá hoại. Tình trạng cháy mía sẽ gây hoang mang và khiến nông dân nóng lòng chặt mía non bán ra ngoài vùng nguyên liệu với giá rẻ. Và trên thực tế, như lời ông Nguyễn Văn Lừng- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai: “Từ đầu vụ đã có 9 xe với tổng sản lượng 270 tấn mía non được chở bán ra ngoài vùng. Tất cả các nhà máy đường đều mua mía dựa trên chữ đường nếu chặt bán mía non thì chữ đường sẽ thấp, nông dân sẽ phải chịu thiệt vì giá thấp”.