Vùng chuyên canh cà phê 'khát nước'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ trước Tết Kỷ Hợi đến nay, hàng ngàn nông hộ trồng cà phê ở Lâm Đồng vất vả tìm nguồn nước “giải hạn” cho cà phê trong thời kỳ bung hoa, đậu quả.
 
Giải hạn cho cà phê. Ảnh: LÂM VIÊN
Không ăn tết để tập trung chống hạn
Các vùng chuyên canh cà phê của tỉnh Lâm Đồng như Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà… đang đối mặt tình trạng thiếu nước tưới khi cà phê bung hoa rộ. Theo ông K’ Brồi, Chủ tịch UBND xã Tân Thượng (H.Di Linh), sau khi thu hoạch xong vụ mùa 2018, dịp trước và sau Tết Kỷ Hợi cà phê trổ hoa vụ mới, nhưng muốn đậu quả phải có đủ nước tưới kịp thời, nếu không sẽ thất thu. Ông K’ Brồi cho biết thêm, dịp Tết Kỷ Hợi nhiều gia đình trong xã không ăn tết, tập trung tìm nguồn nước chống hạn cho cà phê. Nhiều hộ đào giếng, đào ao nhưng vẫn không có nước; họ chắt chiu và chia nhau nguồn nước suối đang cạn kiệt dần, dùng 2 đến 3 máy bơm nối tiếp đẩy nước lên đồi cao kịp tưới cho cà phê thời kỳ bung rộ hoa. Tuy rất cố gắng nhưng đến nay toàn xã Tân Thượng vẫn còn 17% trên tổng số 5.600 ha cà phê chưa có nước tưới.
Phòng Nông nghiệp H.Di Linh cho biết diện tích cà phê của huyện có 44.000 ha, trong đó các xã Gia Hiệp, Tam Bố, Gia Bắc, Tân Thượng, Sơn Điền… thiếu nước tưới trầm trọng nhất. Toàn huyện có 37 hồ, 15 đập thủy lợi, cùng hơn 5.000 ao hồ nhỏ, trên 3.500 giếng khoan và các nguồn nước suối, khe mạch chỉ đáp ứng được nước tưới cho 34.136/53.042 ha cây trồng các loại (đạt 64,3%). Ông Vũ Hồng Long, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Di Linh, đưa giải pháp, nếu nắng hạn kéo dài phải điều tiết nước từ hồ Kala băng qua các cánh đồng dài khoảng 20 km để đưa nước về hai xã Gia Hiệp và Tam Bố. Thời gian nước về tới Tam Bố mất khoảng 13 - 15 ngày.
Ông Trần Đình Sỹ, Chủ tịch UBND H.Di Linh, cho biết thêm: “Ngay sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi, UBND huyện lập tổ công tác tại các xã, thôn, mở cuộc vận động các gia đình có điều kiện, có máy bơm và nguồn nước tưới giúp đỡ những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc để tưới cho cà phê với hình thức trả chậm trên tinh thần tương thân tương ái, nhờ đó nhiều hộ nghèo vẫn có nước tưới”.
Mong mưa “vàng” cứu cà phê
 
Máy bơm hoạt động ngày đêm để tưới cà phê. ẢNH: TRÙNG DƯƠNG
Dọc theo dòng suối Đại Nga, xã Lộc Ngãi (H.Bảo Lâm), hiện nay có hàng trăm máy bơm công suất lớn hoạt động suốt ngày đêm để bơm nước tưới cho cà phê. Để tưới “đủ đô” cho 1 ha cà phê bung hoa, kết trái phải tưới hơn 30 giờ liên tục. Nếu những hộ có vườn gần suối, chủ động được nguồn nước, máy bơm thì chỉ mất từ 2 - 3 triệu đồng tiền dầu/ha. Những hộ có vườn xa nguồn nước, phải thuê hai, ba máy bơm nối tiếp đẩy nước lên cao thì chi phí bỏ ra tăng gấp 3 lần (từ 7 - 9 triệu đồng/ha).
Ông Trương Hoài Minh, Phó chủ tịch UBND H.Bảo Lâm, cho biết để đối phó với tình hình nắng hạn đang diễn ra, ngoài việc chủ động điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý các công trình thủy lợi, hồ chứa thì địa phương đang vận động người dân tiến hành cắt bỏ bớt cành cà phê và sử dụng lá cà phê phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cũng theo ông Minh, trong đợt chống hạn cho cà phê đầu năm, nguồn nước tưới vẫn đảm bảo khoảng 80% diện tích. Tuy nhiên, nếu tình hình hạn hán tiếp tục kéo dài thì trong vòng 1 tháng tới, người trồng cà phê sẽ thiếu nguồn nước trầm trọng.
Ngoài việc chủ động tìm nguồn nước tưới, hầu hết các nông hộ trồng cà phê ở Lâm Đồng đang mong có những cơn mưa “vàng” để cứu hàng ngàn héc ta cà phê không có nguồn nước để tưới.
Lâm Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.