Trận hạn lịch sử trên dòng sông lớn nhất Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mùa khô mới chỉ bắt đầu nhưng lưu vực Sông Ba, tỉnh Gia Lai đã thiếu nước nghiêm trọng vì hạn hán gay gắt.
Theo diễn biến thông thường, mùa khô ở khu vực này sẽ còn 2 đến 3 tháng nữa, tình hình thiếu nước sẽ càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của hàng trăm nghìn hộ dân.
Hồ Ka Nak trong trận hạn lịch sử.
Cái nắng chói chang của mùa khô đã thiêu đốt các cánh đồng mía lớn ở làng Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang suốt gần 2 tháng nay. Ruộng mía của gia đình ông Đinh A Lếch đã đến vụ thu hoạch, nhưng tính cả chót lá, cây mía cũng chỉ cao quá đầu người. Thân mía còi cọc, khô khốc. Ông Lếch cho biết, 2 tháng nắng hạn, 6 tháng ít mưa khiến năng suất mía niên vụ này rất thấp. Thậm chí, sau lần thu hoạch này, mầm mía cũng khó lên nổi, niên vụ sau chắc chắn tiếp tục bị thiệt hại vì khô hạn.
“Lúc làm mía thì trời khô hạn, nên đến khi thu hoạch không đạt bao nhiêu. Hiện nay, đất rất khô, bà con cũng mong các cấp có thẩm quyền nghiên cứu hỗ trợ cho bà con”, ông Lếch bay tỏ.
Mía là cây trồng chủ lực của người dân vùng Đông và Đông Nam Gia Lai. Đây cũng là vùng nguyên liệu mía lớn nhất cả nước với khoảng 40.000ha. Cây mía vốn có khả năng chống chịu hạn tốt nhưng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi khô hạn đã kéo dài trong suốt 8 tháng qua.
Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết, cả người dân lẫn doanh nghiệp đang lực bất tòng tâm vì khô hạn: “Từ giữa năm 2018 đến nay, dù nhà máy đã tuyên truyền, chính quyền địa phương và người dân đã rất tích cực chăm sóc mía nhưng lực bất tòng tâm. Nắng tới 7-8 tháng ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới vấn đề sinh trưởng của cây mía trong giai đoạn vươn lóng, giai đoạn quyết định năng suất. Năng suất năm nay bị mất khoảng 30% so với năm ngoái, sản lượng mất trên cùng diện tích thì khoảng 450.000-500.000 tấn”.
Không chỉ có sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân lưu vực sông Ba cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì khô hạn. Nhà máy nước Sài Gòn-An Khê được thiết kế phục vụ gần 15.000 hộ dân thuộc thị xã An Khê, huyện Đăk Pơ và tính toán có thể lấy nước ở mức thấp hơn 2m so với mực nước thấp nhất những năm trước đây của hồ Thủy điện An Khê.
Tuy vậy, khô hạn đã khiến hồ thủy điện xuống mức thấp nhất lịch sử, nhà máy buộc phải dừng hoạt động, người dân không có nước sử dụng trong 4 ngày liên tục.
Ông Nguyễn Vĩnh Thi, Phó Giám đốc Nhà máy nước Sài Gòn-An Khê cho biết, nhà máy chỉ có thể hoạt động lại khi UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo tăng lưu lượng xả nước từ hồ thủy điện phía thượng nguồn xuống. Tuy nhiên, văn bản này chỉ có hiệu lực đến ngày 28/2 nên phía Nhà máy đang tìm giải pháp khác để ứng phó.
“Tới ngày 28/2, trên đập Ka Nak sẽ không xả nước nữa. Do đó, nhà máy hiện tại đang thiết kế và chuẩn bị thi công một trạm bơm nước thô mới, đặt giữa lòng hồ thủy điện An Khê”, ông Thi nói.
Theo ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, lượng mưa năm 2018 trên lưu vực sông Ba chỉ đạt khoảng 60% và mùa mưa lại kết thúc sớm nên khô hạn đã diễn ra ngay trong mùa mưa năm ngoái kéo dài đến năm nay: “Đến thời điểm cuối năm 2018, đã xảy ra tình trạng thiếu nước nghiệm trọng ở lưu vực sông Ba. Và hiện giờ, chúng ta đang chịu ảnh hưởng của El nino với mức xác xuất trên 70%, do vậy các tháng 2, 3, 4 lượng mưa trái mùa, số trận cũng ít hơn quy luật. Thứ hai, mùa mưa 2019 cũng đến muộn hơn so với quy luật. Thì như vậy, khả năng thiếu nước ở  phía Đông, Đông Nam Gia Lai sẽ rất nghiêm trọng”.
Khô hạn kéo dài đang khiến lưu vực sông Ba thiếu nước nghiêm trọng. Ông Đỗ Đức Hoài, Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak, Ban quản lý dự án thủy điện 7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hồ thủy điện Ka Nak (thuộc huyện Kbang) hiện nay đang thấp hơn mực nước dâng bình thường gần 22m, dung tích chỉ khoảng 30 triệu m3, tức khoảng 10% theo thiết kế.
Những tháng gần đây, lượng nước đổ về hồ chỉ khoảng 2-3m3/s, trong khi theo Quy trình 878 năm 2018 về vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba của Thủ tướng, lượng nước xả về hạ du phải đạt  tối thiểu 4m3/s. Do đó, Nhà máy thủy điện An Khê đã dừng phát điện hoàn toàn từ đầu năm 2019, còn Nhà máy thủy điện Ka Nak chỉ hoạt động cầm chừng với công suất khoảng 10-15%. Khả năng khô kiệt có thể lần đầu tiên xảy ra với công trình thủy điện này trong mùa khô năm nay.
“Chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực cũng như Bộ Công thương là dừng phát điện tối đa để phục vụ nước hạ du.  Nhà máy Ka Nak vận hành cũng là để cấp nước cho hạ du An Khê, còn Nhà máy An Khê dừng tuyệt đối, chỉ khi nào an ninh năng lượng nguy hiểm mới điều chạy 10-15phút rồi dừng. Bây giờ nước chủ yếu để cung cấp cho hạ du chứ không tính đến phát điện nữa”.
Lưu vực sông Ba, dòng sông lớn nhất Tây Nguyên đang đối mặt với đợt hạn lịch sử. Trong khi đó, thời điểm này mới bắt đầu cao điểm mùa khô, hạn hán sẽ còn diễn ra rất khốc liệt trong thời gian dài. Do đó, các cấp chính quyền địa phương cần chủ động các giải pháp ứng phó với khô hạn, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
Công Bắc (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.